Văn hóa Huế | Homepage

Lũ vịt nhà xưa

🕔15.May 2018
Một buổi trưa mô đó, mạ đi chợ về, trên đôi triêng gióng có thêm cái rổ lót lưa thưa mấy sợi rơm vàng rồi dùng cái nón che lại nghe lích rích những tiếng kêu nho nhỏ. Vậy là anh em tôi đã biết mạ đã mua đàn vịt con về nhà nuôi.
Cái lũ vịt con còn lông tơ màu vàng, màu xám vừa chỉ mới biết uống nước và ăn mấy hột cơm thừa nhưng anh em tôi bắt đầu ngắm nghía và  đoán được con mô vịt trống, con mô vịt mái khi nhìn vô cái đầu to hay nhỏ của chúng. Lũ vịt nuôi cũng đơn giản, ban đầu thì nuôi trong cái rỗ lót rơm khô cho ăn cơm trắng trộn với nước. Sau đó thì cho chúng vào cái ở cái chuồng bằng tre bên cạnh chái bếp. Lũ vịt lớn dần, thay lớp lông tơ bằng lông ống và bắt đầu tập ăn giun, ốc.Buổi sáng, mở cửa chuồng lũ vịt thong thả tự tìm ra ao rồi ra mấy miếng vườn, miếng ruộng gần nhà tìm thức ăn. Cứ đến khi trời chập choạng thì chúng tìm về nhà, cho ăn thêm một bữa nữa là đi ngủ.

Nhưng có khi vịt bị lạc sang bầy vịt nhà khác do chúng nhập với đàn vịt nhà khác khi xuống bơi ở cái ao đầu xóm. Cứ mỗi lần vịt lạc bầy là mấy mạ con tôi thắp đèn đi tìm đàn vịt nhà mô dư ra thì bắt về. Cũng có nhà cẩn thận làm dấu đàn vịt của mình bằng cách bôi mực lên đầu khi chúng còn nhỏ, rồi xâu chân hay cắt đuôi đàn vịt cho chúng khỏi lộn với đàn vịt  nhà hàng xóm…

Cũng có khi đàn vịt vô phá lúa, rau nhà ai đó nghe tiếng chửi đổng vì xót của rứa là ngày mai phải nhốt chúng lại hoặc rào cái lối đi dẫn xuống ao ra ruộng. Những lúc như vậy, trông đàn vịt thật tôi nghiệp chúng cứ dỏng cái cổ lên kêu cả ngày.Chúng nhớ bờ ruộng, nhớ mặt nước ao mát mẽ đã quá quen với chúng hàng ngày…Khi đàn vịt còn nhỏ, mỗi khi chúng về muộn, mạ vẫn sai anh em tôi đi “ cu vịt” về. Gọi là đi “ cu vịt” bởi vì đàn vịt cứ nghe tiếng gọi “cu…cu…cu…” của anh em chúng tôi là chúng tự tìm tới, đó là âm thanh đã quá quen thuộc từ lúc khi khi lũ vịt còn lông tơ bé xíu ở trong cái rỗ lót rơm …

Tôi vẫn còn nhớ có một mùa hè. tôi đi đào vỏ đạn, lượm đồng nhôm vụn cùng với mấy đứa bạn trong xóm ở trên độn cát. Bán được mấy đồng bạc là về khoe với mạ. Mạ nói, lấy một đồng ăn cà rem còn bao nhiêu để mạ mua vịt về nuôi trong mùa hè này; để  đến khi đi học bán vịt mà may áo quần mới.

Một đàn vịt 5 con mua từ tiền của tôi nên chúng đương nhiên là của tôi và tôi đã  đặt tên cho từng con một, lại siêng năng đi xuống ruộng cuốc trùn, bắt ốc cho ăn hàng ngày. Đàn vịt của tôi lớn nhanh lắm. Kêu tên từng con một hình như chúng cũng hiểu được. Nhưng đùng một cái, trái gió trở trời có một con bị bại rồi chết sau đó không lâu làm tôi buồn cả mấy ngày. Còn lại bốn con, con mô con nấy béo ụ, đi lúc tha lúc thúc từ nhà ra ao, từ ao ra ruộng. Nhưng một buổi nhà có khách, mạ phải đem thịt hai con để đãi khách dùng cơm rứa là còn hai con. Nhưng rồi đến ngày kỵ mô ở dưới nhà ngoại, mạ bắt hai con đi  đi kỵ luôn. Đàn vịt không bán được con mô nhưng mạ giữ lời hứa với tôi, khai giảng năm học mới năm đó tôi  được mạ may cho một cái áo mới…

Nhà quê nuôi vịt cho mấy ngày kỵ, cho mồng năm ngày tết; nhà mô cũng có nuôi một đàn mấy con. Mà thích nhất là đến ngày nhà có kỵ, mấy mụ, mấy o buổi sáng sớm tay xách một con vịt lên nhà tôi nói để kỵ ôn, kỵ cố…Âm thanh “ cạp, cạp, cạp” của lũ vịt nhà quê vì thế nó thân thiết vô cùng….

Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose