Văn hóa Huế | Homepage

Những mảnh hồn quê

🕔08.May 2018
Gặp nhau giữa phố, thằng Bình hàng xóm ở quê nói: Anh có nhớ cái giếng ở đình làng quê mình không?
Sao mà tôi quên được. Đình làng ở gần nhà tôi lắm, từ nhà đến đình chừng 5 phút nên tôi thuộc từng bậc cấp nơi thềm, từng viên ngói trên mái, từng cây xanh trong sân đình. Tất nhiên là tôi còn nhớ nhiều đến cái giếng nằm ở một góc sân đình. Có lẽ đó là một giếng nước trong hay chí ít là nước sạch khi đình còn là nơi thờ cúng trang nghiêm những năm xưa cũ. Nhưng khi tôi lớn lên, đình làng không được thờ cúng mà được trưng dụng làm việc khác thì giếng đã trở thành một giếng hoang. Những chiếc bẹ dừa,những cành củi khô mù u rơi rụng xuống giếng. Bèo đóng xanh mặt giếng và nơi lý tưởng để những chú ễnh ương cao giọng gọi mưa…

Rồi đình làng lại vang tiếng chiêng trống tế lễ Xuân Thu nhị kỳ; nhưng giếng đình vẫn vậy, chẳng ai dùng đến nữa; cỏ mọc cao bằng thành giếng nhưng không ai nỡ phá và lấp giếng, bởi đó dù sao cũng là một mảnh hồn cũ của làng…Cạnh giếng là cây bàng cổ thụ. Cây bàng này đã bị ngã trong cơn bão năm 1985 rồi được dân làng đỡ dậy và lá lại xanh mùa hạ đỏ mùa đông. Để bây chừ khi những lùm mù u, những gốc dừa chỉ còn là kỷ niệm thì cây bàng vẫn phủ bóng thời gian cho người về neo đậu chốn quê…

Nhưng chuyện quanh cái giếng đình làng, tôi quên một chi tiết thú vị, hôm qua thằng Bình nhắc lại mới chợt nhớ. Thằng Bình hàng xóm, thua tôi 3 tuổi nhưng thường hay chơi chung bởi hắn cũng khoái “đục bụi lủi bờ” tìm chim, bắt cá giống tôi. Chuyện là có lần, hai thằng hì hụi tát cái giếng đình để bắt cá thia. Sau lụt, cá kẹt lại trong giếng khá nhiếu, trong đó có cặp cá thia vào loại hàng khủng làm bọt trắng nổi lên mặt giếng. Theo lời thằng Bình là cái đuôi con cá thia bắt được sau khi tát giếng đo dài bằng ngón tay. Thằng Bình kể tiếp: Anh em mình tát giếng bắt được hai con cá thia to, một con đuôi dài, 1 con đuôi ngắn không có chỗ nuôi nên mệ nội anh bán hàng có cái thẩu to, hai anh em nuôi chung không ngờ hai con cá nhảy ra ngoài đi mất, anh em nghi ngờ anh lấy nuôi một chắc…

Mà nghe thằng Bình nhắc lại chuyện bắt cá thia thì lại nhớ cái hồ đầu xóm Kế của mình. Bởi ngay trên đầu hồ, nơi mấy lỗ phun nước từ dưới đất lên có một cái đìa nhỏ, lũ cá thia hết cặp ni đến cặp khác đến sủi bọt làm tổ. Cứ vài ba ngày mình với thằng Bình lại chạy lên đìa coi thử có cặp cá thia mô mới vô ở chưa để bắt về nuôi…

Mà ngày mô không chạy lên hồ chơi, lũ con nít xóm mình cứ có cảm giác thiếu thiếu một cái chi đó. Hồ không sâu, mùa hè có đoạn lội từ bờ ni qua bờ tê được…

Có lẽ người xưa đào hồ để lấy nước tưới cho mấy mẫu ruộng Bàu Hiểm ở cạnh đó. Những mùa hạn nặng, mấy gia đình làm ruộng ở cánh đồng cuối xóm tôi phải tát nước từ hồ xóm Kế dẫn qua con khe khoảng 500m để về tưới lúa. Mà tát nước thì phải tát vào buổi đêm hoặc buổi sáng sớm khi đó hồ mới có nước đầy. Tôi nhớ, cái khe dẫn nước đi trong vườn mấy nhà xóm mình, mùa hạn, khi nước tát đi qua vườn, anh em thằng Bình mang cài gàu ra tạt nước lên tưới cây trong vườn. Rứa là xảy ra chuyện la chắc; mấy chú tát nước thì nói nước tau tát răng bọn bây lấy tưới cây, anh em thằng Bình thì nói nước qua khe vườn nhà tui thì tui tưới…

Nhưng cái hồ không chỉ là nguồn cung cấp nước tưới. Mấy nhà trong xóm tôi, khi mô chuẩn bị làm nhà, chặt tre xong vác lên giận xuống hồ để dầm dưới đáy nước vài tháng sau mới vớt lên để chống mối mọt. Rồi đầu hồ là đìa cá thia của mấy đứa con nít tụi tôi, cuối hồ là mấy cái đìa lớn hơn, bỏ chuôm đàng hoàng của mấy anh lớn để bắt cá trê, cá tràu. Nhưng thích nhất là lên hồ chơi vào những buổi chiều tà. Khi đó, những gia đình sống bên cạnh hồ người giặt giũ áo quần, người chao rau để bó chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai; rồi mấy đứa choai choai thì buông câu bắt mấy con cá nhỏ; rồi ở đầu hồ nơi nước mới phun lên trong vắt là cảnh mấy o gội đầu, mấy đứa con nít ở lỗ tắm hồ…Tôi cũng không nhớ hồ bị lấp làm nhà cửa từ khi nào. Hình như cũng đã hai mươi năm rồi…

Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose