Văn hóa Huế | Homepage

Nội tôi

🕔10.Jun 2018

Mỗi lần đi qua xóm nhỏ dưới rặng tre già ấy, bắt gặp dáng người liêu xiêu của bà, thế nào tôi cũng “chào bà” một tiếng rõ to. Có lúc bà nhìn theo cười móm mém: “Con đi làm à”, nhưng nhiều lúc hình như lãng tai, bà chẳng nghe thấy gì. Mấy lần con trai tôi ngồi sau xe máy nói: “Mẹ thiệt lạ, không quen mà cứ chào”. Tôi cười thầm. Đúng là nhiều lúc mình cũng lạ thiệt. Chẳng phải họ hàng, cũng không quen biết, chỉ giản đơn là bà giống nội tôi. Thế thôi.

Ba mẹ tôi cưới nhau năm 1969. Là bộ đội nên cưới mẹ xong là… ba đi. Có những năm ba đi chiến đấu biền biệt. Nghe nội kể, có lần đơn vị ba về đóng quân cách nhà gần 100 cây số, vợ chồng o tôi dẫn mẹ băng rừng, lội suối tìm đến đơn vị của ba để giúp mẹ… thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng sau chuyến đi ấy, o tôi “có tin vui”, còn mẹ dù được gặp ba nhưng ước mong có đứa con thì chưa thể.

Mãi 5 năm sau ngày cưới, ba mẹ mới có tôi. Những năm sau giải phóng, ba được về phép nhiều hơn nên tôi cũng lần lượt có 2 đứa em. Ông nội bị địch giết khi bà chưa đầy 30 tuổi, để lại mình bà vất vả nuôi 4 đứa con. Khi mẹ sinh mấy chị em tôi, nội không ở với mấy o nữa mà về ở hẳn với 4 mẹ con tôi. Tuổi thơ tôi lớn lên trong tiếng ầu ơ của nội, nên chẳng hiểu tự bao giờ trong tôi luôn có hình bóng nội. Tôi nhớ những đêm đông trời rét căm căm, nội lụi cụi ngồi quạt nồi than thật to, rồi vùi tro để dưới gầm giường để nội và tôi được ấm. Hay những đêm hè oi bức, nội luôn tay phành phạch chiếc quạt mo đưa tôi vào thế giới cổ tích…

Khi chúng tôi qua thời kỳ chăm bẵm, nội ra chợ mở một quán nhỏ bán nước chè xanh và mấy loại bánh kẹo để kiếm đôi đồng giúp mẹ tôi mua thức ăn hàng ngày. Nhớ mãi có lần nội mua rất nhiều bánh thuẫn ở Huế để bán trong dịp tết. Ai ngờ đêm ấy, lũ chuột ở đâu đến cắn phá và chè chén không thương tiếc. Sáng dậy, nhìn bãi chiến trường ngổn ngang mà nước mắt nội chảy dài.

Một ngày ở chợ kiếm được bao nhiêu nội đều mua thức ăn cho mẹ con chúng tôi, phần còn lại mua quà hết cho đám cháu nội, ngoại. Đã thành thói quen, cứ chiều chiều, lũ chúng tôi chẳng đứa nào bảo đứa nào, cứ vậy chạy ra đứng xếp hàng từ đầu ngõ chờ nội về. Khi cái dáng người nhỏ nhắn, liêu xiêu với đôi quang gánh xuất hiện, chúng tôi reo lên. Cả đám chạy ùa ra. Đứa thì nhận quả quýt, đứa quả chuối ba lùn, có đứa lại thích mấy loại quả rừng như dâu da, sim… Nhiều lúc chúng tôi cãi nhau, nội phải đứng ra phân xử. Trên gương mặt già nua nhễ nhại mồ hôi, nội ngắm lũ trẻ chúng tôi với nụ cười hạnh phúc.

Sau này đi xa, nhưng mỗi lần về thăm nhà thế nào tôi cũng ôm lấy nội như đứa trẻ lên ba. Tôi thích nắm lấy bàn tay xương xương của nội và đặc biệt tôi thích chọc đùa nội. Mỗi lần như vậy, nội lại mắng yêu: “Tổ cha mi”. Nhớ cả lần xem chương trình thời trang áo tắm trên ti vi, nội bảo: “Vải ngày càng rẻ mà may quần áo tiết kiệm. Người chi không biết xấu hổ?…”. Chúng tôi cười òa, cố giải thích mà nội vẫn không chịu hiểu. Rồi có lần xem ti vi, nội hỏi: “Họ xào nấu chi trên đó mà ngoài này ngửi thấy thơm thơm”. Mấy đứa cháu chúng tôi chỉ biết ôm bụng cười…

Hôm qua, đứa em gái tôi ở phường An Đông, TP. Huế điện thoại báo: “Ngày tới em về kị bà nội đây. Nhân tiện cả nhà về quê chơi luôn”… Chợt thẫn người. Mới đó mà đã 6 năm kể từ ngày nội bỏ chúng tôi đi. Trước khi nội mất, cả nhà tôi về thăm. Ở tuổi 99, nội vẫn nhận ra tôi và trong ánh mắt tôi biết nội nhớ thương tôi nhiều lắm. Ngôi nhà nhỏ dưới cái nắng 38 độ C nóng hầm hập. Nhiều ngày nội chẳng tắm nên cơ thể hình như khó chịu. Tôi chuẩn bị một xô nước ấm thật to rồi bồng nội ra nhà tắm gội đầu, tắm rửa cho nội. Trong người sạch sẽ nên nội như khỏe ra. Nhưng nội như cái cây đã khô, chẳng thể nào đâm chồi lại. Nội mất sau đó 2 tháng…

Chiều qua, đi qua xóm nhỏ gần nhà, tôi lại bắt gặp cái dáng người thân quen nhỏ nhắn, liêu xiêu. Lòng chợt nghèn nghẹn. Nội ơi…

Thùy Hương
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi

Những khoảng Huế xanh

Những khoảng Huế xanh

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con

Xin đi từ thơ ấu

Xin đi từ thơ ấu

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là

Ngao bung – “bung là ăn”

Ngao bung – “bung là ăn”

Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose