Văn hóa Huế | Homepage

“Nhức răng” với mực địu

🕔27.Jul 2018

Nắng chiều còn loang bãi cát dài trắng xóa, phía bờ vùng chân sóng những thanh niên chuyện trò cạnh bên tay mức kéo (còn gọi là lưới dày). Ngẫm một hồi tôi mới nhớ, bây giờ là tháng 7, thời điểm mực địu (làng tôi hay gọi thế, một số nơi gọi là mực dù), một loại bạch tuộc cỡ nhỏ, thân bằng tách nước trà tiến sát bờ biển, đám thanh niên nọ ngồi đợi mặt trời tắt hẳn để xuống nước tìm vị mặn mùa gió nam…

Mực địu xào sả ớt

“Tháng bảy mức kéo sẵn sàng/vì con mực địu, cả làng kê chân”, đứa bạn thuở học cấp 3 bảo đó là những câu thơ đặc trưng của làng nó, một vùng quê bãi ngang nghèo ven biển của xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền. Tôi cười thầm, gật đầu tỏ vẻ đồng ý nhưng bấm bụng nghĩ: “Đến tháng 7, làng tôi cũng như thế. Và đó là hình ảnh chung của những vùng biển bãi ngang chứ không riêng gì làng bạn”.

Độ 2 thập kỷ trước, khi nghề biển bãi ngang còn thịnh, lúc “trở gió”, những ngón nghề ven bờ có dịp được “thi triển”, như vạt cá ong, cào ốc gạo, chạy còng, kéo véc… và kéo mực địu là một trong những nghề ven bờ ăn sâu vào tâm thức, như là nét văn hóa của người dân vùng biển.

Khác với những nghề khác, kéo mực địu chỉ diễn ra vào ban đêm ở vùng nước có độ sâu chừng thắt lưng. Đây không phải là nghề chính của ngư dân mà chỉ là… “nghề chơi” những lúc thuyền bè đang trong kỳ tu sửa.

Nhớ ngày xưa, đến mùa mực địu, biển làng tôi về đêm đông như hội, bởi lúc này đang mãn mùa cá, ngư dân còn rảnh rỗi, vả lại đây là nghề mà ai cũng có thể làm được. Người lớn kéo mực dưới mặt nước, trên bờ, đám con nít lẽo đẽo đi cùng.

Kéo mực địu có thể mô tả ngắn gọn thế này: Một tay lưới mắt dày, dài độ hơn chục sải tay người lớn, cấu tạo khá đơn giản. Lưới được phân thành hai đầu với hai cánh lưới, ở giữa có một cái túi, ngoài ra còn có dây kéo, que ngáng cố định mỗi đầu cánh lưới và phao, chì để tạo lực nổi-chìm. Kéo mực địu chỉ cần 2 người và không phải canh con nước. Khi màn đêm buông xuống, chỉ cần dùng que ngáng định hình mỗi đầu cánh lưới, rồi lấy dây một đầu buộc vào cánh lưới, đầu còn lại cột vào thân người; xuống nước, hai người đi song song, dọc theo con sóng, mực địu cứ thế được kéo vào cái túi nằm giữa hai đầu cánh lưới. Lúc di chuyển, người kéo lưới có thể vô tình giẫm được vài con mực địu và chỉ cần dùng tay để bắt. Kéo đến khi mỏi chân thì tấp vào bờ kiểm tra thành quả.

Nhắc đến mực địu, dân làng biển thường nhớ đến những món ăn dân dã ngay trên bãi cát. Đó là hình ảnh những con mực địu tươi ngon, còn sống được thả vào nồi nước sôi sùng sục; hay bếp than hồng ngay giữa đêm trăng với món mực địu nướng…

Mực địu rất dễ sơ chế, chỉ cần lộn ngược phần bụng, lấy mật, rửa cho sạch cát rồi có thể nấu được nhiều món ăn như, hấp, nướng, xào sả ớt… Với tôi, món mực địu ngon nhất là khi nó còn sống thả vào nồi nước đang sôi chừng 10 phút rồi vớt ra, màu mực chuyển đỏ au chấm với mắm ruốc đặc ớt bột phải gọi là “nhức răng”. Vị giòn ngọt của mực kết hợp với hương vị đậm đà của mắm ruốc tạo nên  món ăn đặc trưng của làng biển.

Nếu đến những làng ven biển bãi ngang mùa này, bạn có thể cùng ngư dân trải nghiệm kéo mực địu rồi tự tay chế biến những món ăn đơn giản từ loại hải sản này sẽ cảm nhận được nét văn hóa bình dị của vùng ven chân sóng.

L. Thọ
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Cháo gà đêm Bến Ngự

Cháo gà đêm Bến Ngự

Huế vẫn luôn là một điểm ẩm thực hấp dẫn với nhiều món ngon, đặc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose