Văn hóa Huế | Homepage

Nương vườn Mỹ Lợi

🕔08.Jul 2018

Người ta nói “đất lành chim đậu”, thế nên ký ức của nhiều người về Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc), miền đất ven biển miền Trung đầy nắng gió là những ổ chim dột dột dưới những tán cau trong khu vườn xanh mát.

Phân rong, loại phân bón “đặc sản” ở Mỹ Lợi

Um xanh

Là ký ức của những người con Mỹ Lợi thế hệ trước. Ông Nguyễn Hải, cựu Trưởng làng Mỹ Lợi, là người nông dân nhiều năm kinh nghiệm cho biết: “Lúc trước nương vườn Mỹ Lợi rất khác. Cây cối tốt tươi, mãng cầu, đu đủ, chuối um tùm trước nhà, ngoài ngõ. Đặc biệt là cau. Giống cau Mỹ Lợi trồng đã trở thành đặc sản nổi tiếng, quả cau tròn, có lúm ở đuôi, ruột nhiều, màu hồng nhạt, thịt mềm, mùi vị đặc trưng của chất đất cát nơi đây…”.

Ông Lê Sanh, cán bộ văn hóa hơn 20 năm ở Vinh Mỹ, cho biết: “Để có được nương vườn tươi tốt, người dân Mỹ Lợi phải bỏ rất nhiều công sức. Đơn giản như phân bón, ngoài phân hữu cơ (các loại rong, rêu, phân chuồng), người Mỹ Lợi còn chuộng bổi (nhánh cây dại mọc thành lùm ở trảng cát) và rơm. Tác dụng của phân là làm cho đất giàu dinh dưỡng. Riêng đối với bổi, rơm, ngoài cung cấp dinh dưỡng chúng còn giữ ẩm cho đất”.

Bà con người làng Mỹ Lợi vẫn truyền tai nhau câu ca dao “Khoai môn Mỹ Á, mía mả Nam Trường, nương vườn Mỹ Lợi”. Người ta còn nói “lóc xóc không bằng góc vườn”, khẳng định giá trị kinh tế vườn ở khu vực này. Kinh tế vườn ở Mỹ Lợi biểu hiện ở thu nhập ổn định từ các loại cây lâu năm và cây xen ghép. Chẳng hạn một nương mãng cầu, ngoài việc thu hoạch quả khi chín, ở khu đất trống, lối đi giữa vồng bà con đều tận dụng trồng các loại rau để làm thức bán như cải, rau má, rau ngót, ngò tây, khoai lang, ớt … dưới ao (rãnh) thì trồng rau ngổ, môn các loại.

Hiện nay, nương vườn ở Mỹ Lợi ngày càng hoang hóa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Thời tiết thất thường, ngày càng khắc nghiệt là nguyên nhân chính. Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là tiền của và công sức mà người nông dân phải bỏ ra. Nhiều người tìm ngành nghề khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn ”- ông Sanh chia sẻ. Rải rác trong làng, những nương chuối, nương cau được thay thế bằng tràm (ở vùng đất cao) hoặc bỏ hoang cho cây dại mọc (ở vùng đất thấp). Theo thống kê, từ năm 1998, diện tích đất nương, vườn ở Mỹ Lợi là 62,42 ha, đến năm 2018, diện tích trên chỉ còn khoảng 40 ha.

Giữ vườn

Để gìn giữ những khu vườn cha ông để lại, không ít con dân làng Mỹ Lợi đã cải tạo nương vườn. Đi dọc tuyến đường bê tông, xuyên suốt của ngôi làng vẫn còn những khu vườn um xanh màu lá.

Dưới cái nắng chói chang, vườn sapoche (hồng xiêm) của ông Trần Hùng, thôn 2, Vinh Mỹ vẫn xanh tốt lạ kỳ. Ông cho biết: “Vườn sapoche này được trồng từ năm 1997. Đây là loại cây chịu lụt tốt, chống nắng cũng rất khá”. Để gìn giữ khu vườn, ngày nào ông Hùng và bà Lài, vợ ông cũng chăm chút, tưới bón cho từng cây.

Ông Hùng là một trong những người gìn giữ nương vườn theo phương pháp truyền thống. Nhưng đối với ông Nguyễn Vọng (thôn 4), cách phát triển kinh tế vườn của lão nông này rất khác. Đó là cải tạo vườn cũ bằng cách phát triển cây ngắn ngày như mướp đắng, đậu ve, củ cải. “Nương của tôi thường trồng chuối, song hay gãy, đổ khi gió bão. So với nương truyền thống, việc trồng các loại cây ngắn ngày cho thu nhập cao hơn”. Trên địa bàn thôn 2, thôn 1, phong trào chuyển đổi nương vườn truyền thống ngày càng rầm rộ. Đậu bắp, ngô, cải bẹ, lạc, khoai lang… được bà con trồng luân phiên. Ngày nào các mẹ, các chị cũng mang  rau củ ra chợ bán cho các thương lái.

Ông Huỳnh Đăng, sinh năm 1967 cải tạo nương bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ cây trồng cổ truyền, gia đình ông tự bỏ vốn cải tạo, bồi đất, chuyển sang trồng bưởi da xanh. Bà Nhồng, vợ ông, cho biết: “Để làm được vườn bưởi da xanh không dễ, chỉ riêng năm nay, gia đình chúng tôi đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng mua phân bón, đó là chưa kể công chăm sóc, tưới cho cây”.

Để có được vườn bưởi da xanh như hiện nay, ông Đăng sử dụng phân đầm. Đây là loại phân bón “đặc sản” của vùng quê Mỹ Lợi. Rong, rêu, rau câu được vớt lên từ ao, đầm là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho các loại cây trồng trên vùng đất cát này. Ngoài ra, bánh dầu lạc (phần bã lạc sau khi được ép dầu) cũng được người dân Mỹ Lợi ưa chuộng để bón cây.

Ngoài ông Đăng, có nhiều hộ dân đã thử nghiệm những giống cây trồng khác. Ông Trần Đống, 63 tuổi, cải tạo nương chuối kém hiệu quả thành vườn dừa xiêm dây. Ông Nguyễn Hiệt, thôn 1 chuyển đổi đất nương thành vườn quất cho thu nhập khá… Mục tiêu mà những người nông dân ở Mỹ Lợi đều hướng đến đó là có được những khu vườn, mảnh nương mang lại thu nhập và hơn thế nữa là giữ những mảnh vườn xanh màu cây lá cho con cháu đời sau.

Mai Huế
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose