Văn hóa Huế | Homepage

Hương vị thanh trà

🕔20.Aug 2018

Sang thu, Huế mở hội thanh trà. Hai năm một lần, thu này là lần thứ 5. Tôi nghĩ, với lễ hội thanh trà vào đầu thu, người Huế đang thực hiện “lời hứa” sẽ không để du lịch Cố đô vắng lặng sau mỗi dịp Festival mà sẽ là một Huế quanh năm lễ hội, được tính theo hành trình chu kỳ của mùa và hơn thế nữa, của tháng. Chủ đề của lễ hội năm nay đơn giản là “Thanh trà – hương vị xứ Huế”.

BUOITHANHTRA2[1]
Ảnh: Internet

Thanh trà cũng chỉ là một loại bưởi. Ở nước ta, bưởi ngon nổi tiếng không thiếu, nào Đoan Hùng, Phúc Trạch (phía bắc), hay bưởi hồng da xanh Biên Hòa, Năm Roi (phía Nam)… Thế nhưng bưởi hóa thân thành thanh trà thì chỉ có ở Huế. Xưa có câu: “Nguyệt Biều – Lương Quán bao xa/Cách nhau cái hói chia ra hai làng”. Hai làng này hợp thành Thủy Biều, xưa là xã nay thành phường. Còn nôm na theo kiểu chiết tự, có người lý giải “thủy” là nước và “biều” là cái bầu hay trái bầu. Thủy Biều tức là cái bầu nước, được dòng Hương Giang lắng đọng bồi đắp phù sa và được kết tinh lại trong trái thanh trà. Đã có nhiều mô tả khi thưởng thức trái cây này, tôi thấm thía hơn cả là cách đặt tên của người xưa. Thanh trà hàm chứa tất cả, đó là hương vị ngọt thanh và đậm đà; bên ngoài xanh tươi, múi bên trong vàng nhạt mọng nước, ăn lại giòn tan, thoảng chút vị chua thơm mà không nhân nhẩn đắng như một vài loại bưởi.

Tôi đã vài lần tham dự lễ hội thanh trà. Nó không hoành tráng với nhiều trái ngon quả lạ cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi động đi kèm và được tổ chức ở phố như các lễ hội trái cây Nam bộ hay lễ hội thanh long của Bình Thuận. Lễ hội thanh trà được tổ chức ngay ở Nguyệt Biều là cái nôi và đến với lễ hội là để thưởng thức loại trái ngon nức tiếng này nên không lạ chi khi nổi bật trong chương trình là các không gian trưng bày, trình diễn, là hội thi và đặc biệt là lễ “cung tiến” thanh trà. Hơn thế tôi hiểu, đằng sau chuyện khoe sắc và khoe vị thanh trà, lễ hội là lời mời gọi du khách đến với vùng đất bén duyên của loại bưởi kỳ lạ này.

Hàng trăm năm đi qua nhưng điều kỳ diệu là Nguyệt Biều – Lương Quán vẫn gần như giữ nguyên bộ mặt của một làng quê thơ mộng ven đô như thời Chúa Nguyễn vào Nam mở đất hay khi kinh đô Phú Xuân đương lúc hoàng kim. Những khu vườn ngăn nắp, gần như không rào. Những nếp nhà yên bình cư ngụ trong một thiên nhiên xanh rờn cây trái. Đặc biệt, không hề có chiếc lá rụng trên đường làng (!). Mùa xuân trắng xóa một màu hoa bưởi. Sang thu, thanh trà trĩu quả, lủng lẵng và đong đưa. Có người mơ ước, giả sử một ngày nào đó đôi bờ sông Hương trở thành Nguyệt Biều – Lương Quán; xuân tới, thanh trà đồng loạt mãn khai để Hương Giang phô diễn “hai bờ tuyết trắng”.

Đi theo mùi hương thanh trà, có lần tôi lên thẳng tận động Bàu Hồ, một dãy núi đất liên hoàn với đồi Vọng Cảnh và ngăn cách bởi một thung lũng. Động Bàu Hồ gợi nhớ tới điểm cao Lang Biang ở Đà Lạt hay The Peak tại Hồng Kông mà tôi có dịp ghé thăm. Đó là những nơi đang thu hút rất nhiều khách du lịch muốn thỏa mãn ước nguyện ngắm Đà Lạt hay Hồng Kông từ trên cao. Và cao hơn cả Vọng Cảnh, đứng trên động Bàu Hồ, có thể nhìn phóng đến Thuận An, đến phá Tam Giang và ra đến tận biển. Bên kia sông là Long Hồ, Ngọc Hồ xanh mướt. Còn thấp thoáng là điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ và cả Thành Nội, cầu Trường Tiền nữa. Núi Kim Phụng gần như hiện hữu trong mọi hướng, và xa hơn, ở cuối tầm nhìn là trùng điệp Trường Sơn. Đó là mới chính là điểm nhìn của Huế.

Đến với thanh trà không chỉ là đến với một lễ hội cây trái mà hơn thế, đó là cách để khám phá vẻ đẹp còn đang giấu kín của vùng đất Nguyệt Biều – Lương Quán. Nó chỉ có ở vùng đất giàu tiềm năng và bề dày văn hóa.

Đan Duy
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose