Văn hóa Huế | Homepage

Áo dài cho Huế

🕔11.Sep 2018
1. Cô họ của tôi qua Mỹ cùng gia đình định cư từ năm 10 tuổi. Gần hai mươi năm xa cách mới trở về đón tết quê nhà. Về Huế, sáng mồng một tết gặp những tà áo dài của mấy phụ nữ Huế trên đường đi lễ chùa ngày đầu xuân, o tôi cứ xuýt xoa hoài và chợt nhớ ra rằng mình chưa bao giờ được mặc áo dài truyền thống.
Thế là vợ chồng tôi được o gửi gắm cái mong ước giản dị chân thành là may gấp cho o bộ áo dài màu tím Huế mà phải là may ở một nhà may nổi tiếng của Huế. Cũng may là vợ tôi là cô giáo vốn là khách hàng quen thân của mấy tiệm áo dài có tiếng trong thành phố nên chỉ trong vòng hai ngày sau khi nhà may T mở hàng là đã hoàn thành bộ áo màu tím dài ưng ý cho o. Diện bộ áo dài vô o liền nhờ tôi chở đến mấy địa điểm nổi tiếng của Huế như cầu Trường Tiền, Đại Nội, trường Quốc học…Và album ảnh “ Mình là gái Huế!” của o cũng nhanh chóng được đưa lên facebook với bao nhiêu là lượt like, comment…Khỏi nói o mãn nguyện ra sao khi  lần đầu tiên được mặc áo dài ngay trên xứ Huế quê nhà của mình. Rời Huế o còn để lại lời nhắn là: “ Mai mốt o gởi số đo của hai đứa con gái về Huế; nhờ cháu đưa đi may cho hai đứa mấy bộ áo dài để cho chúng nó biết áo dài  Huế, áo dài Việt Nam mình đẹp như thế nào…”
2.Thỉnh thoảng bắt gặp những bức ảnh của Huế xưa và Huế cũ thấy cảnh mấy o, mấy dì, mấy mệ ngồi, đứng bán hàng mà mặc áo dài, đi guốc mộc và có khi cả đi chân đất nữa thấy nền nã lắm. Những chiếc áo dài sang trọng, đài cát vốn là của giới phụ nữ quý tộc cung đình đã dần dần bước ra đời sống của phụ nữ bình dân và trở thành một nét văn hóa “ thời trang” của tất cả phụ nữ Cố đô thuở trước. Tôi nghe một người bạn vong niên kể rằng: Hồi trước, ở chợ Đông Ba có một mệ bán chè vẫn quang gánh với  chiếc áo dài hàng ngày. Đó là nếp nhà đã quen mà mệ không bỏ được cho dù nhiều phụ nữ khác đã trút bỏ hẳn thói quen rất Huế này. Chiếc áo dài của mệ già như một chấm sáng lẻ loi, như một nốt trầm xao xuyến giữa chốn chợ lao xao làm không ít người ngạc nhiên khi lần đầu được thấy. Tiếc là khi mệ không còn bán buôn được nữa vì già yếu ( cũng có thể mệ đã quy tiên rồi(?) thì ngôi chợ nổi tiếng nhất của xứ Huế đã không còn hình bóng chiếc áo dài nào nữa…
3. “Lễ hội áo dài” là một chương trình sân khấu hóa được tổ chức tại các kỳ Festival Huế luôn thu hút đông đảo người xem kể từ Festival 2004. Có lẽ ấn tượng nhất là “lễ hội áo dài Festival 2006” khi sân khấu được chọn là cầu Trường Tiền và dòng sông Hương kết hợp cùng những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hình ảnh những nữ sinh Huế trong trang phục áo dài truyền thống đạp xe qua cầu Trường Tiền vừa gần gũi vừa lãng mạn như làm sống lại không gian của Huế xưa: “ Trường Tiền biết mấy là yêu- Tuổi thơ áo trắng sớm chiều bướm bay”. Trước đó một năm, tại Festival nghề truyền thống Huế 2005,  quang cảnh của bến đò Thừa Phủ năm nao đã được tái hiện lại trên sông Hương là những nữ sinh Đồng Khánh áo dài trắng ở bên tê bờ qua bến đò ngang sông Hương đến trường. Thú vị hơn là cả  người phụ nữ chèo đò cũng mặc áo dài. Những chiếc áo dài làm cho sông Hương như trẻ ra cùng tiếng cười trong trẻo của tuổi học trò.Thật tiếc là những kỳ Festival sau câu chuyện về bến đò ngang Thừa Phủ và những tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa đã không còn được “kể” lại nữa…
4.. Bữa bạn bè cấp 3 của tôi gặp mặt thầy cô giáo cũ ở Huế, cô giáo cũ đã về hưu đưa mấy lát mứt hơi lạ rồi nói: “Mấy đứa em nếm thử rồi biết mứt chi!”. Đó là mứt vỏ trái thanh trà, có ngọt ngọt, the the, cay cay mà theo lời cô: “Mứt ni ăn không chỉ cho vui mà chống cảm, ho và cả chóng cái lạnh nữa” … Ăn mứt vỏ thanh trà cứ làm tôi nhớ lại mấy thứ vỏ quả, củ mà ngày trước mẹ hay muối chua để nấu canh. Cô giáo là con gái Huế rặt, dạy môn Sử. Tiết học của cô luôn được học trò chờ đợi. Cô dạy hay là một lẽ, cô còn là “sứ giả” của văn hóa Huế, ẩm thực Huế đối với lũ học trò ở một vùng quê xa ngái như chúng tôi. Cô là cô giáo đầu tiên mặc áo dài lên lớp vào những năm khốn khó của đất nước. Cô kể: “Áo dài cô mặc đầu tiên năm 1984 như một sự kiện lạ lùng của học sinh rứa, nhớ lại mà vui và cảm động rứa. Đám cưới ngày đó còn mượn nhau chiếc dù để phù dâu đó mấy em…”.  Hay có lần cô đọc  bài vè về các món ăn bình dân Huế: “ Hai tay bóc bánh lọc tôm- con mắt thì nhắm cái mồm hả ra…” là nói về chuyện ăn cay của người Huế, cay đến nhắm mắt nhắm mũi nhưng vẫn thèm. Nếm cái vị mứt vỏ thanh trà từ tay cô làm,nghe cô kể: “Cô vẫn thường gội đầu bằng nồi nước tổng hợp  hoa lá trong vườn nhà, có mùi thơm, vị cay nồng thiệt dễ chịu, bởi rứa nghỉ hưu rồi, con cái đã lớn nhưng đi mô xa mấy ngày là cứ muốn về Huế ngay  !”.Chợt nhớ câu chuyện áo dài, bài vè bánh lọc ngày trước của cô giáo tôi  mới nhận ra một điều: cô giáo của lớp tôi đã làm hấp dẫn môn Sử vốn khô khan bằng chất văn của một nữ sinh Đồng Khánh- Huế  ngày xưa…
Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose