Văn hóa Huế | Homepage

Giữ chút gì rất Huế

🕔24.Oct 2018

Ca Huế từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân xứ Huế. Đó là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian, là một nghệ thuật văn hóa đặc sắc, nổi bật. Có thể nói ca Huế đã trở thành “đặc sản” của xứ Huế mộng mơ. Trong Câu lạc bộ ca Huế – Phú Xuân, nghệ sĩ Thanh Tâm một trong số ít nghệ nhân ca Huế nổi tiếng hiện nay. Nghệ nhân Thanh Tâm sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghệ thuật cổ truyền. Đặc biệt, cha bà – ông Phan Hữu Lễ là một tay trống rất giỏi trong cung đình nhà Nguyễn. 6 – 7 tuổi, Thanh Tâm đã theo ông, theo cha vào cung, đóng vai công chúa, hoàng tử trong các vở tuồng, nghe lớp nghệ nhân kỳ cựu ngân những khúc ca Huế dặt dìu, tha thiết rồi say mê từ độ ấy. Đến năm 12 tuổi, Thanh Tâm chính thức vào nghề, ban đầu học múa, hát tuồng và học thêm ca Huế. “Nhạc cổ bấy giờ được người ta mê lắm. Tôi nhớ cứ một tuần một lần, bà Đức Từ Cung cho mở tiệc lớn đãi các nhạc công, vũ công để lấy sức buổi tối trình diễn. Chừ với chúng tôi, được diễn thì không ăn cũng được, đam mê thấm vào máu rồi, chỉ hát thôi không cần chi nữa”.

Nghệ nhân Thanh Tâm biểu diễn ca Huế trong chương trình “Hương sắc Hương Bình” tại Festival Huế. 

Nếu không say mê, siêng năng, kiên trì, cũng rất khó sống đời với ca Huế. Nghệ nhân Thanh Tâm còn nhớ những ngày đi bộ hàng giờ đến nhà thầy học hát. Thầy dạy thanh nhạc trước, từng nốt luyến láy, thăng trầm, nhấn thả phụ âm, nguyên âm phải đạt độ chuẩn chỉ mới được ca bài. Đến khi ca bài không chỉ thuộc lời ca suông, mà phải hiểu, nắm bắt ý tứ của câu chữ, biết cách truyền tải cảm xúc, rung động vào giọng, nhịp phách. “Học thầy nghiêm khắc, có những lần bị phạt quỳ vì không nắm bài. Học khó nghĩ cũng cực lắm nhưng vẫn thích, quyết không từ bỏ. Mà với ca Huế thì cứ phải học cả đời”. Đến với ca Huế vui buồn, mồ hôi, nước mắt đủ cả. Bà quý nhất là tràng pháo tay của khán giả, trân trọng nhất là lúc nhận được tình yêu mến của người hâm mộ. Nhớ lần sang Pháp biểu diễn, một mình bà ca hơn 90 phút trên sân khấu, mọi người nghe xong vỗ tay nhiệt liệt, có người còn chạy lại lấy khăn quàng lên cổ, ôm hôn… “Người nước ngoài nói bằng ngôn ngữ của họ nhưng tôi vẫn hiểu. Đó là cảm giác sung sướng khi được hát, được đón nhận. Thế thì vất vả bao nhiêu cũng cho qua hết, yêu nghề thì đặng với nghề”.

Nhìn lại cuộc đời mấy mươi năm sống với nghiệp ca, có nhiều không kể số lần nghệ nhân Thanh Tâm đã trút cả nỗi lòng cho cung khách, điệu Nam của xứ Huế được lan tỏa đến mọi người như vậy. “Với ca Huế cứ phải học cả đời”. Câu nói thể hiện quyết tâm, nhiệt huyết với nghề nhưng cũng gợi cho nghệ nhân những suy tư về việc giữ gìn, phát huy truyền thống vùng cố đô. Ở Huế bây giờ, những người nắm giữ hồn cốt của ca Huế như nghệ nhân Thanh Tâm còn lại không nhiều, phần đông đều đã già, nhiều người không còn ca hát hay truyền dạy được nữa. Từ nhiều năm trước, các bí quyết, kỹ thuật ca Huế được lớp nghệ nhân tâm huyết truyền lại cho thế hệ sau, nhưng con đường nối truyền di sản ấy đầy khó nhọc. “Cách ca hay, lẩy hay thì vô cùng lắm, chẳng học thấu được. Như tôi bây giờ vẫn nghe người khác ca mà học hỏi thêm, nhưng biết còn có ai để cho mình học nữa…”, nghệ nhân Thanh Tâm nói. Với ý nghĩ lớp nọ phải gối lớp kia để chung tay giữ gìn cái hay, cái đẹp của ca Huế, nhiều năm liền, ngoài dạy ở nhà, nghệ nhân Thanh Tâm còn nhiệt tình bồi dưỡng tài năng ca Huế cho sinh viên Học viện Âm nhạc Huế. Kế tục cách làm của nghệ nhân xưa, bà luyện cho học trò từng nhịp, lối nhả chữ, luyến láy… Có điều, ở bậc đại học, chương trình chia nhỏ cho nhiều môn, số tiết hạn chế nên việc truyền dạy ca Huế không thật bài bản. Phấn khởi vì học trò trẻ, đa tài, song cùng với đó là nỗi lo các em khó giữ đam mê, gắn bó, thiếu tinh luyện ngón nghề. Nghệ nhân chia sẻ, giọng đượm buồn: “Cái tâm, đam mê nhiều khi không chống lại nổi xu hướng đời sống mới. Học trò tôi nhiều em tài lắm nhưng không theo ca Huế, bảo rằng ca Huế không nuôi sống được nghệ sĩ… Có em mới chỉ bặp bẹ vài câu, chưa thực hiểu đã đi biểu diễn các nơi, cho đó là ca Huế. Điều ấy thực đáng buồn”.

Nghệ nhân Thanh Tâm thường dạy học trò của mình: ca Huế cho hay trước là thể hiện tôn trọng chính mình. Làm không tới, làm sai đi chính là đánh mất chất Huế trong mình vậy. Ngày càng được nhiều người biết đến thì ca Huế càng phải giữ trọn vẹn, muốn vậy, người hát phải đi sâu, một lòng vì chất cổ. “Thực trạng bây giờ, mình có nuối tiếc nhưng vẫn còn hy vọng, muốn ca Huế trở về đúng vẫn kịp. Lớp người thực hiểu, giỏi về ca Huế luôn sẵn sàng truyền nối cho thế hệ sau. Nhưng việc này cần phải ráo riết, vì chỉ vài năm nữa thôi sẽ rất khó”.

Gần tuổi 75, sức không còn dẻo dai, giọng ca cũng không thanh vang như xưa, nhưng còn hát được lúc nào, nghệ nhân Thanh Tâm vẫn cống hiến. “Chỉ hát thôi không cần chi nữa”. Hỏi có vất vả, bận lòng trước cái khó của nghệ thuật truyền thống không, bà cười: “Nhiều lúc tủi thân nhưng chuyện ấy cũng không đáng kể, được hát là vui rồi. Nhiều lúc từ nhà ra phố tự dưng ca Huế, ai nghe thì mình vui, ai chê cũng không bận lòng, vì họ không biết, không hiểu thì khó mà yêu thích. Mình ca thì lời hay, ý đẹp mình nghe trước, hát vì mình trước thôi”…

Lê Thư
(Theo CAND)

 

Similar Articles

Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế

Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế

Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Không dễ để trở thành đô thị di sản

Không dễ để trở thành đô thị di sản

Thương hiệu “đô thị di sản” mang lại danh dự, uy tín và cả cơ

Hội Hòa Lạc ở Huế

Hội Hòa Lạc ở Huế

Trong xu thế tác động ảnh hưởng của văn minh phương Tây hồi đầu thế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

1. Không phải đến tận năm 1805, ở tuổi 41, được triều đình nhà Nguyễn

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose