Văn hóa Huế | Homepage

Đường bằng lăng

🕔08.Nov 2018

Khi máy bay bắt đầu cất cánh, mình gắn kính mát vào mắt, nhưng rồi bất lực dù đã cố dỗ dành giấc ngủ. Chuyến này không bị delay, nhưng khoang máy bay râm rỉ tiếng trẻ con khóc, đòi ăn vặt và tiếng rì rầm của những người phụ nữ ngay phía sau lưng.

Ngoài khung cửa máy bay, trời xanh lắm và trong veo. Thế mà dưới mặt đất, nóng đến âm ỉ. Nóng đến cảm giác như người cũng héo đi, dù ngồi trong nhà với rất nhiều bóng cây. Con gái lớn cứ tha thẩn lên xuống tầng lầu, miệng than nóng. Hay là con chỉ tìm cớ thôi, khi cứ hỏi hoài mấy giờ mẹ đi, khi mô mẹ về…

Khi ly cafe đã vơi đi (từ bao giờ nhỉ, mình đã thích có một ly cafe để nhâm nhi khi di chuyển trên xe) thì cũng vừa đến Hương Thuỷ. Thị xã chỉ cách Huế một quãng đường và cũng vẫn đang trên đường hình thành một diện mạo phố thị. Nhưng không phải là một vài kiến trúc đẹp, hay những tấm biển hiệu đang nhoài ra phía nắng để chào mời, những pano, áp phích trên các cột điện, những salon xe máy, xe hơi cáu cạnh mà là một cảm giác dịu dàng với màu hoa tím ngan ngát suốt dọc tuyến đường. Những hàng cây này, mình nhớ, nó đã được đặt xuống đất khi người ta chuẩn bị cho Hương Thuỷ một định danh mới. Cho dù để xứng đáng với định danh ấy, với Hương Thuỷ sẽ còn là một quá trình khá dài lâu. Nhưng bằng lăng thì đã kịp lớn, đã kịp gọi những mùa đẹp. Suốt hai bên đường, màu xanh của cây và màu tím của hoa đã trở thành những chiếc dù che bóng cho phố, làm mềm đi những mái tôn, che bớt những gam màu nóng của các biển quảng cáo, che bóng cho những lưng người nhấp nhoải và những gánh hàng rong, những quán nước giải khát, dừa tươi có chỗ tá túc. Màu hoa và màu cây mang đến cho Hương Thuỷ một vẻ hiền dung dị.
Mình đã không ít lần chạy xe dưới nắng và dưới hoa. Lúc ấy tuyệt nhiên không phải là một cảm giác thi vị nào. Có hôm cái nắng như hắt vào mặt dù đội thêm một chiếc mũ lưỡi trai. Dù thật ra lúc ấy mình đang mặc áo dài. Có lẽ trông rất ngố. Khi lái xe, mình chỉ nghĩ, nếu không có bóng cây và màu hoa tím bằng lăng trên tuyến đường chính ấy, Hương Thuỷ liệu có gì khác biệt? Ngay khi xe vừa qua lúc nãy, mình cũng nghĩ, với sự hiện diện dịu dàng như thế này, sẽ chẳng thể nào có một sự thay cây thô bạo như ở Hà Nội.
Con đường bằng lăng ở Huế giờ đã thành con đường osaka. Mình, và có lẽ nhiều người khác nữa cũng đang làm quen với một định dạng mới. Nơi mà những ký ức cũ cũng khó trở về hơn khi vóc dáng đường Lý Thường Kiệt đã mang vẻ hiện đại, nơi mà những biệt thự kiểu Pháp đã được thay thế bằng những kiến trúc mới, chưa hẳn đã đẹp hơn. Hay vì mình đã thành một người cũ? Nhưng có lẽ vì thế mà mình có chút gì để nhớ khi về Hương Thuỷ trong mùa nắng. Và cũng ngùi ngẫm không ít khi nom thấy những vầng hoa tím đã phai đến lạc màu…
Những dòng này mình gõ khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Mặt đất dưới cánh bay chắc là ung ả nóng. Nắng đến như thế kia mà. Lại lẩn mẩn nghĩ, cái hàng cây dẫn vào sân bay Phú Bài, sao hoài không chịu lớn. Mà cũng không biết nó là cây gì vì vẫn còn trơ trụi lắm. Sao người ta không trồng bằng lăng luôn đi, có phải là đẹp hơn không?
Nguyễn Bình Phương
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose