Văn hóa Huế | Homepage

Nhường đường cho du khách

🕔05.Nov 2018

Vào giờ cao điểm trong ngày, nếu có mặt trong dòng xe cộ đi vào cửa Ngăn, bạn sẽ cảm thấy thành phố mình sao mà chật chội, nếu bạn đi ô tô thì càng thấy mệt mỏi hơn khi phải nhích từng mét trên con đường nhỏ chật kín xe và người. Nhưng nếu bạn là du khách đi vào tham quan khu di tích Đại Nội hoặc trên đường trở lại bãi xe Nguyễn Hoàng, chắc hẳn bạn sẽ khó chịu hơn khi phải chen nhau đường đi với đoàn xe máy, ô tô bấm còi inh ỏi, phun khói cay cả mắt mũi. Có những đoàn khách châu Âu vốn đã quen với giao thông trật tự, nên không thể nào băng qua đường khi mà những chiếc xe cứ chực đâm vào họ.

Đó là thời điểm đầu và cuối mỗi buổi, cao điểm nhất là khoảng cuối buổi, từ 11g đến 11g30  và 16g30 đến 17g30 chiều, khi cả ngàn người dân Thành Nội đồng loạt rời cơ quan, trường học trở về nhà; cùng lúc đó, các đoàn du khách lại vừa tham quan xong Đại Nội theo con đường cửa Ngăn để ra lại bãi xe Nguyễn Hoàng. Những ngày lễ, tết hoặc Festival thì tình hình căng thẳng hơn rất nhiều.

Tôi đã kẹt dính trong đoàn ô tô, xe máy bóp còi inh ỏi đó, và ngửi luôn làn khói xe của mình. Ai cũng muốn thoát nhanh khỏi đám đông đó, nên còi xe cứ bóp còi đến nhức óc. Nhưng xấu hổ nhất là khi nhìn thấy nét mặt thất vọng và cái lắc đầu ngao ngán của du khách khi phải chen lấn mới ra được cổng thành và phải liều mình thì mới có thể băng qua đường. Những lúc như thế, tôi mong muốn dành con đường này cho du khách.

Nếu tuyến đường này được nhường cho du khách vào giờ cao điểm thì ngành du lịch Huế sẽ có thêm điểm cộng (Ảnh: Song Khánh)

Đã có nhiều phương án được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng tranh chấp giao thông ở cửa Ngăn: lắp một chiếc cầu gỗ riêng cho du khách đi qua hộ thành hào rồi làm cầu thang đi lên thượng thành để vào trong thành; làm đường cáp treo để đưa khách từ bãi xe Nguyễn Hoàng vào thẳng trong thành; thậm chí, có người còn đưa giải pháp đục tường thành để mở một cửa riêng cho du khách… Tất nhiên, các giải pháp này đều bất khả thi, nhất là việc can thiệp vào di tích kinh thành. Vậy thì giải pháp nào là khả thi?

Trên Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần 28-10, tác giả Diên Thống đã đưa ra giải pháp phân luồng giao thông qua 10 cổng thành vào thời gian cao điểm trong ngày. Lúc cao điểm trong ngày, phải quy định cổng nào dành riêng cho ô tô, cổng nào dành riêng cho xe máy, xe thô sơ, theo hướng di chuyển phù hợp thực tế. Đó là giải pháp cấp thời nhưng cần thiết, trong khi chờ đợi một giải pháp căn cơ, lâu dài.

Tôi xin góp thêm ý kiến để giải quyết kịp thời cuộc tranh chấp không nên có giữa chủ và khách ở “điểm nóng” cửa Ngăn. Cách tốt nhất vẫn là: dành đường cửa Ngăn cho du khách trong thời gian mà khách vào ra con đường này nhiều nhất! Đại Nội là điểm đến số 1 của Huế, nên du khách vào ra cửa Ngăn gần như suốt ngày, trừ giờ ăn, với số lượng rất đông. Vì vậy, từ 7g sáng đến 12g trưa, từ 13g trưa đến 18g chiều, nên cấm toàn bộ phương tiện cơ giới (ô tô, xe máy) đi qua cửa Ngăn. Như vậy, xe cộ sẽ đi qua cửa Ngăn vào giờ không có nhiều du khách (giữa trưa, ban đêm). Cụ thể, từ sau 6g chiều cho đến trước 7g sáng hôm sau, và một khoảng giữa trưa từ 12g đến 13g. Trong thời gian dành cho du khách, xe cộ đi vào kinh thành bằng cửa Quảng Đức cạnh đó, hoặc các cửa Đông Ba, Chánh Tây, An Hòa, cửa Hậu, và ra bằng cửa Thượng Tứ, Nhà Đồ, cửa Hữu.

Chúng ta sẽ đi vòng xa hơn một chút (vào giờ cao điểm của du khách), nhưng sẽ không còn cảnh xe cộ của người dân Huế – chủ nhà – lại tranh giành đường đi của du khách, và chen lấn bóp còi inh ỏi. Sự vất vả của chúng ta sẽ mang lại an toàn, thoải mái và hài lòng cho du khách. Nếu biết chủ nhà dành con đường đó cho mình, du khách sẽ cảm mến người Huế bội phần. Sự hy sinh đó, tất nhiên, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế khi mà du lịch đã được chọn là mũi nhọn kinh tế của tỉnh nhà. Chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và ông tán thành với giải pháp này.

Vào những đêm cuối tuần, khi phố đi bộ hoạt động, người dân sống trong khu phố Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu- Chu Văn An phải gửi xe ở các bãi xe bên ngoài để vào nhà mình. Bù lại, các dịch vụ sẽ thu thêm được nhiều tiền nhờ sự hấp dẫn của phố đi bộ. Sự phát triển nào cũng cần sự chia sẻ và hợp lực của người dân.

Một trong những giải pháp căn cơ và lâu dài cho giao thông kinh thành Huế là giãn dân, thì phải đợi thêm ít nhất  10 năm nữa, khi thực hiện xong đề án di dời khoảng 2 vạn dân ra khỏi kinh thành. Trong khi chờ thì phải có giải pháp cấp thời, phân luồng vào giờ cao điểm, và tinh thần “nhường nhau một chút”.

Chủ nhà nên nhường đường cho du khách, và chỉ nhường trong thời gian cao điểm mà thôi!

Minh Đăng
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose