Văn hóa Huế | Homepage

Tết ở trong lòng

🕔30.Jan 2019

Bây giờ nhắm mắt lại tôi thấy mình của những năm thơ ấu. Bắt đầu từ hăm ba tháng Chạp chúng tôi được nghỉ học ở trường. Thấy Tết sầm sập về đến ngõ, lòng háo hức vô cùng.

Sáng nào tôi cũng chơi quanh quẩn trong sân, giúp bà tưới cho đám cúc vạn thọ trước nhà, đuổi gà, nhổ cỏ rau… nhưng mắt thì luôn hướng ra ngoài ngõ chờ mẹ đi chợ Tết về. Chẳng quà bánh gì đâu, có khi chỉ là mớ lá dong đã úa vàng. Lúc bố lắc đầu chê, mẹ cười bảo “thấy bà cụ ngồi bán ở góc chợ tội quá. Lá dong vàng chẳng ai mua cả. Thôi thì em mua”. Năm ấy, bóc chiếc bánh chưng ra không thấy có màu xanh biếc nữa. Thay vào đó là vàng úa của lá dong hiện trên từng hạt gạo. Nhưng đâu có sao, bánh vẫn dẻo thơm là được.

Mẹ là thế, lúc nào cũng thương người. Nên có vài mối nợ chẳng chịu trả mẹ cũng không nỡ đòi. Tết đến nhà không còn tiền mua sắm, đã mấy lần mẹ cắp nón sang nhà người ta rồi đến cổng lại cắp nón về. “Tết nhất đến nơi, nhà họ cũng bao thứ phải lo. Mình đòi tiền, biết đâu mấy đứa nhỏ nhà người ta mất Tết”.

Có năm chỉ vì mẹ thương người qua đường mà cả nhà không có tiền ăn Tết. Trên đường đi chợ về mẹ gặp một người đàn ông bế đứa nhỏ trên tay khóc mếu. “Ông ta nói con bị bệnh mà không có tiền chữa bệnh nên bế đi xin xỏ khắp nơi. Mẹ thấy thương, có bao nhiêu tiền bán gà mẹ dúi cho ông ấy hết. Coi như làm phúc. Nhịn ăn nhịn tiêu mà cứu được mạng người thì tốt quá chứ sao”.

Bố lèm bèm mẹ mấy câu nhưng giận thì không giận. Tôi biết bố cả đời chưa bao giờ hết yêu mẹ cũng là vì cái tính thương người. Năm đó nhà tôi chỉ ăn Tết với cá dưới ao, và ít bánh mứt mẹ tự tay làm. Dĩ nhiên chúng tôi không được mua áo mới. Nhưng tôi nghĩ đến đứa nhỏ bất hạnh đau ốm trên tay người đàn ông mẹ kể, là thấy mình còn may mắn lắm. Bây giờ, nhìn thế giới thật giả xung quanh cũng có lúc tôi hoài nghi về hoàn cảnh năm xưa mẹ gặp trên đường. Nhưng chỉ thoáng qua thôi, bởi tôi không muốn lòng tốt của mẹ đặt nhầm người.

Chẳng biết có phải vì là con của mẹ nên tôi thường thấy Tết nhẹ nhàng. Không cầu kỳ sắm sửa, không chúc tụng hoa mỹ, không tiệc tùng ầm ĩ. Mẹ thường bảo “Tết ở trong lòng. Thấy vui là Tết”. Trên bàn thờ có khi thiếu thứ này thứ khác. Dưới bếp có thể bớt món này món kia. Lì xì có nhiều mừng nhiều, có ít mừng ít, không có cũng chẳng sao. Miễn vợ chồng thương nhau, con cái thuận hòa, hàng xóm láng giềng vui vẻ.

Khi chúng tôi có gia đình nhỏ, mẹ vẫn thường bảo dâu rể trong nhà “đừng câu nệ quà cáp, biếu xén. Tết đừng vì lo nghĩ chuyện tiền nong mà tự tạo áp lực cho mình. Mẹ thấy nhiều người hay sợ Tết. Ấy là vì cứ quá cầu toàn”. Người ta mua dưa bạc triệu, những gốc đào giá bằng nửa cái nhà. Mẹ thì có khi hái quả ngoài vườn, đào xin hàng xóm. Mấy năm nay Tết với mẹ càng trở nên đơn giản. Thứ gì cũng mua sắm vừa phải bởi thịt thà, kẹo bánh ngày nào chẳng bán. Ra ngay đầu ngõ là thấy chợ đâu có thiếu thứ gì. Chị dâu thuộc típ phụ nữ hiện đại, Tết đến là mong muốn được thảnh thơi. Nên thay vì quẩn quanh trong bếp chị thường mua sẵn đồ ngoài chợ. Từ giò chả, dưa hành, mứt kẹo đến bánh chưng cũng đặt trên mạng. Mẹ không phản đối “miễn các con vui”. Không phải vất vả nấu nướng thì mẹ dành thời gian chơi với các cháu nhiều hơn.

Nắng xuân vàng hiên nhà, mấy bà cháu ngồi quây quần bên nhau. Có khi nhấm nháp nắm hạt bí, có khi chụm đầu xem con chó ngồi ngủ gật, có khi bà đọc truyện tranh cho cháu nghe. Cũng có khi tụi nhỏ buông mái tóc của bà xuống lưng đùa nghịch. Những sợi tóc bạc trên đầu bà trốn tìm trong kẽ tay tụi nhỏ. Chiếc đài lại lẹt xẹt dò sóng. Mẹ ngồi ôm lũ trẻ vào lòng kể những chuyện ngày xưa. Cảnh tượng đó không có màu của Tết mà sao tràn ngập Tết…

Vũ Thị Huyền Trang
(Theo TheSaigonTimes.vn)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose