Văn hóa Huế | Homepage

Tháng Chạp

🕔18.Jan 2019
Với người Huế thì Tết đã bắt đầu từ ngày mồng 2 tháng Chạp khi mà các làng, các họ tộc bắt đầu bước vào công việc chạp mộ, chăm sóc và hương khói cho “ngôi nhà” của người đã khuất. Cũng từ những ngày đầu tháng Chạp các phường thợ, phường nghề tổ chức lễ cúng Tổ cho dù công việc cuối năm vô cùng bận rộn nhất là với những thợ may, thợ mộc hay thợ hồ…Cúng Tổ là dịp để những người thợ tri ân ông Tổ đã có công khai sáng ra nghề cho những thế hệ con cháu sau này hành nghề mà làm ăn sinh sống. Ở đường Chi Lăng- TP Huế có một di tích lịch sử văn hóa là Thanh Bình Từ Đường.Nơi đây không chỉ thờ các nghệ nhân của nghệ thuật hát bội mà 12 vị tổ của 12 ngành nghề phổ biến của người Việt nói chung, người Huế nói riêng (thợ rèn, thợ may, thợ mộc, thợ nề ( hồ), thợ vàng…) cũng có hương án ở đây.

Đứa em trai của tôi làm nghề thợ may ở Sài Gòn đã mấy chục năm qua.Năm mô cũng rứa, cứ đến ngày 12 tháng Chạp là nhận được điện thoại của nó cùng với những bạn bè, anh em đồng hương đang quây quần ngồi với nhau sau lễ cúng Tổ nghề may. Họ lao xao cười nói thật rộn rã sau một năm quần quật với cuộc mưu sinh khó nhọc nơi chốn thị thành. Đó cũng là phút giây đầm ấm nhất trong năm của những người xa quê…Họ ngồi lại cùng nhau để nói về nghề của mình về  một năm đã qua với bao được mất và cả những dự định và ước muốn tốt lành cho năm mới sắp đến…

Ghé nhà người bạn ở phố Hàng Bè nay là đường Huỳnh Thúc Kháng- Huế,  nghe bạn nói hôm nay có mấy nhà hàng xóm làm lễ cúng Tổ nghề mổ heo, rồi bạn hỏi tôi: “ Có ông tổ nghề mổ heo không?”. Thú thực là tôi chưa nghe trong văn hóa Việt có ông tổ nghề mổ heo đành trả lời cho qua với bạn là  nghề mô mà chẳng có gốc gác. Nói đến đó chợt nhớ đến những truyện ngắn trứ danh “ Tối ba mươi” của  Thạch Lam hay “ Ngựa người và người ngựa” của Nguyễn Công Hoan. Những áng văn chỉ cần đọc một lần  thôi là nhớ mãi và cả ám ảnh nữa nhất là trong những ngày năm sắp hết Tết sắp đến; bởi đó là câu chuyện buồn  thật dài của bao kiếp nhân sinh dưới vòm trời này…Những phận người bé nhỏ, cả tủi hèn nữa nhưng  vẫn luôn có những khát vọng, những ao ước về một mái ấm gia đình bình dị và êm đềm và luôn chờ đón Tết …

Những ngày tháng Chạp chợ Tết đã nhiều sắc màu hơn. Sáng sớm trời se se lạnh, ngang qua chợ Bến Ngự đã thấy phảng phất màu chợ Tết với vàng hoa cúc, trắng hoa huệ, hoa vạn thọ màu cam và những nải chuối xanh chớm vàng…Thấy mệ già đang ngồi trước cái mẹt chuối cau tôi ghé mua. Chuối cau của Huế trái nhỏ, chín màu vàng hươm và thoang thoảng hương thơm dịu. Hỏi: “Mệ ơi nải chuối ni mấy rứa?” Mệ cười: “Chuối nhà mệ đó cậu, hai chục ngàn nải ni đẹp nì!”. “ Rứa mệ không bớt cho con à?”. “Đàn ôn, đàn ang mệ nói thiệt cho rồi, bớt cậu ba ngàn…”. Đưa mệ tờ năm chục ngàn, thấy mệ khó nhọc, tay run run  lần qua mấy lớp áo, mở cái kim băng rồi lấy cái bị ra thối lại tiền đủ ba ba ngàn… “Con trả cho vui rứa thôi mà, biếu mệ ba ngàn ăn trầu!” . “Cậu ni thiệt là hay hè, mệ cám ơn hí!”.  Mệ cười nhăn nheo, trìu mến; ánh mắt già chợt ánh lên, vui như mùa Tết đang về…

Mà tháng Chạp đã về là tôi lại thèm gió lạnh và mưa phùn. Chỉ trong tiết trời se sắt như rứa mới cảm được hơi ấm của những mâm cúng Tổ, rồi cúng tất niên đặt trước sân nhà ai phảng phất mùi khói của hương trầm hay nghe được những bước chân vội vã trên các ngã đường, con phố  đón xe để  kịp mang bao yêu thương về quê cũ. Cái lạnh chúm chím trong từng nụ hoa mầm lá đang  ấp ủ trong những nhành cây với bao sắc màu trắng xanh vàng đỏ chờ Tết để bung nở…Cứ tháng Chạp về  là lòng cứ nôn nao muốn trút áo thị thành để về với làng quê mở lòng ra đón Tết…

Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose