Văn hóa Huế | Homepage

Nhớ Huế

🕔03.Feb 2019

Gửi S. và B.

Nửa đêm, bạn điện thoại: ra Huế chơi đi, mọi người đang nhắc đây nè! Trời ạ, mãi mới ngủ được, cú điện thoại của bạn đã làm tôi thức suốt đêm…

Ừ, Huế… cũng lâu rồi tôi chưa ghé Huế. Bạn đừng vội tự ái khi tôi nói: chưa ghé Huế mà không phải là đến/ trở về/ ra với Huế! Bạn còn lạ gì nghề của tôi, cái nghề đi suốt nhưng không ở đâu lâu được quá vài tuần, có khi chỉ vài ngày… Mỗi nơi đã đến nói cho cùng cũng chỉ là ghé qua, liệu tôi có đủ “tư cách” để gọi là “trở về” dù không ít những kỷ niệm, nhưng cũng không thể chỉ là “đến” một cách lạnh lùng như một người khách lạ. Huế với tôi cũng vậy.

Xuôi ngược dải đất miền Trung không biết bao nhiêu lần bằng xe hơi, xe lửa (chưa kể những lần… bay ngang vùng trời miền Trung), hầu như lần nào tôi cũng ghé Huế. Có lần vì công việc, nhưng cũng nhiều lần chỉ ghé vào chơi với bạn bè, ngồi với nhau một ly cà phê hay vài ly rượu, rồi lại tiếp tục ra Bắc hay vào Nam… Cũng có lần ở Huế đôi ba ngày nhưng chỉ loanh quanh Thành Nội, bảo tàng, vài ngôi chùa, xa hơn là Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng… từ khi còn chưa được quan tâm chăm sóc như bây giờ.

Tôi biết Huế lần đầu vào một đêm tháng 5 năm 1975. Đoàn xe đi từ Hà Nội vô Sài Gòn ngay sau những ngày mới giải phóng đến Huế sau… 4 ngày đi đường vất vả! Xẩm tối xe vào đến thành phố, mọi người ồ lên khi nhận ra cầu Trường Tiền vắt ngang hai bờ sông Hương ngày ấy còn rất vắng lặng. Đêm ấy đoàn xe nghỉ lại ngay bên bờ sông, mọi người tản ra mắc võng rải rác quanh xe… Còn tôi, cô gái Hà Nội 17 tuổi không thấy lạ lẫm gì mà cứ loanh quanh dọc bờ sông, nhìn mấy con đò neo lại gần bờ, nghe giọng Huế nhẹ nhàng nửa lạ nửa quen, cố tìm trong đêm xem núi Ngự đang ngự nơi nào… Đêm qua mau, sáng sớm đoàn xe tiếp tục hành trình về Nam.

Ảnh: Hạnh Phước

Lần đầu Huế để lại trong tôi một cảm giác buồn…

Không hiểu sao những lần sau cũng vậy… Dù tôi luôn có những kỷ niệm vui ở Huế. Ví như, tôi đố bạn tìm ra một quán “Bún bò Huế” tại Huế, bạn bảo dễ ợt! Nhưng rồi bạn phải mất một chầu cà phê hoành tráng vì quả thật chỉ có những quán “Bún bò” mà không có quán nào kèm thêm chữ “Huế” như ở Sài Gòn và nhiều nơi khác! Hay, sau khi tấm tắc khen các loại bánh của Huế quá ngon, tôi hỏi, bạn có biết tại sao các loại bánh Huế ngon không? Bạn lập tức thuyết trình như một chuyên gia ẩm thực lành nghề… Nhưng tôi lại tỉnh bơ giải thích: bánh Huế ngon vì… quá ít! Không lẽ ăn nhiều thì… mắc cỡ (vì trước mặt đã là một đống lá, một chồng chén, hũ nước mắm vơi đi thấy rõ), mà ăn ít thì cứ thòm thèm mãi… vậy là bánh Huế lúc nào cũng ngon! “Mi thiệt quá đáng!” – nhiều lần bạn mắng yêu tôi như thế… Bạn luôn chê tôi không biết ăn cay, nhưng đi ăn gì bạn cũng nhớ dặn “một tô không ớt nghen!”, rồi nhìn tôi vừa ăn vừa sụt sịt nước mắt nước mũi bạn xót xa, lại tự chê món Huế “cay hổng giống ai!”…

Bạn ngạc nhiên khi thấy tôi không bao giờ ra Huế dịp lễ hội… Nhưng bạn không trách vì biết tôi không thích đến những lễ hội kiểu “quốc doanh” như hồi đó. Vài năm nay bạn lại rủ rê, “ra chơi festival nghen?”, tôi “chảnh”: để xem đã! Bạn chẳng giận vì bạn biết rằng tôi luôn yêu Huế.

***

Sâu thẳm trong tôi Huế có gì đó “rất liên quan” mà không sao lý giải được.

Sau năm 1975 nhiều lần tôi nghe nhận xét của bà con nội ngoại ở miền Tây “nhỏ này không nói tiếng Việt mình mà nói tiếng nước Huế”. Sao lại tiếng nước Huế? Thắc mắc khiến tôi phải tìm hiểu nhiều hơn về thời Chúa Nguyễn, triều Nguyễn… giai đoạn lịch sử và những nhân vật mà thời tôi học phổ thông hầu như không được nghe nói đến, hoặc chỉ biết rằng đó là một “triều đại phản động, bán nước”. Nhưng, đi điền dã khắp Nam bộ nơi đâu cũng thấy di tích thờ cúng những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa thời Nguyễn. Tâm thức dân gian, như ở những người bà con của tôi chẳng hẹn, thì chỉ “hồi cố” đến thời Chúa Nguyễn: “Hồi đó, ông bà mình theo Chúa Nguyễn lưu lạc vô đây…”. Chúa nào, không ai biết cụ thể chỉ biết là Chúa Nguyễn ở đâu tuốt ngoài xứ Huế. Vậy là, “nói tiếng nước Huế” là người ở xa lơ xa lắc, xa mà không lạ, như lịch sử mà ông bà thường kể lại cho con cháu để nhớ về nguồn gốc.

Nhiều năm sau, qua công việc tôi thân thiết với nhiều bạn bè ở Huế, nhờ vậy vùng đất Huế – Phú Xuân ngày càng trở nên thân thuộc hơn. Sự hiểu biết ít ỏi của tôi về Huế vẫn chủ yếu qua sách vở, nhưng dù có cả một “rừng sách” về Huế thì sự na ná giống nhau của nhiều cuốn sách đã không mấy hấp dẫn tôi…

Có lẽ sự hiểu biết và tình yêu với Huế của tôi đến từ những người bạn Huế. Những người bạn Huế thân thiết của tôi làm việc ở nhiều lĩnh vực: bảo tàng, di tích, mỹ thuật, nghiên cứu giảng dạy, sưu tầm cổ vật… Mỗi người là một cá tính nhưng đều “rất Huế”! Các bạn giúp tôi có thêm hiểu biết về lịch sử – văn hóa Huế cũng là về gốc gác bao đời của tôi. Đành rằng, dân Ngũ Quảng phần lớn chắc cũng từ vùng Thanh – Nghệ theo Vua Lê vô Nam, nhưng có công mở mang đưa lưu dân vô tới Nam bộ thì nhờ các đời chúa Nguyễn. Phải chăng “sự liên quan” của tôi với Huế là từ đó, xa lơ xa lắc vẫn có một giọt máu đào…

Mỗi khi gặp các bạn Huế của tôi ở Huế, ở Sài Gòn, Hà Nội hay bất cứ nơi đâu, tôi thường “tắt đài” để nghe họ nói, mà có nói cũng không lại với họ! À, trong nghề chúng tôi thường hay nói vui với nhau: Hội họp ở Huế thì buổi sáng các bác Hà Nội lên nói lý luận, buổi trưa mấy anh Hai Sài Gòn kéo nhau đi nhậu, buổi chiều chỉ còn các “mệ”  Huế ngồi lại “hội thảo” với nhau. Có sao đâu, đồng nghiệp của tôi, người Huế hay Sài Gòn hay Hà Nội đã gắn bó với nhau hơn nửa đời người.

Cứ như vậy nhé các bạn của tôi! Như lời ca của một nhạc sĩ người Huế mà tôi yêu thích “sống trong đời cần có một tấm lòng”, chúng ta có gì để đến với nhau, ngoài sự chân tình của những người không màng “khanh tướng”.

Bài: Nguyễn Thị Hậu
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose