Văn hóa Huế | Homepage

Xin đi từ thơ ấu

🕔13.Feb 2019

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là nơi có môi trường thiên nhiên tươi đẹp, bốn mùa cây trái xanh tươi và dân làng thì học giỏi mà chân chất, hiền hòa. Làng được phù sa dòng Hương bồi đắp, êm đềm uốn quanh. Một trong những bài hát rất hay về Huế đã viết những ca từ dễ thương thế này: “Làng tôi nghiêng mình soi bóng Hương Giang/Những đêm trăng sáng long lanh dòng sông/Có cô thôn nữ bên bờ dịu dàng/Thả tiếng khoan hò theo nhịp chèo vọng xa…”. Đó là làng tôi, Nguyệt Biều, một trong bảy thôn của phường Thủy Biều ngày nay. Làng đẹp từ việc kiếm sống, ăn ở, học hành, vui chơi, lễ, Tết…

Lối vào nhà ngoại. Ảnh: Hạnh Phước

Ai đó đã nói: Một năm đẹp nhất mùa xuân; đời người đẹp nhất tuổi trẻ…

Giữa tiết trời êm ả của ngày xuân, lòng tôi hân hoan nhớ tiếc bao kỷ niệm vàng một thời xuân xanh, thuở mới cắp sách đến trường. Nói trường, nhưng thật ra đó là nhà của thầy giáo làng Khóa Liêm ở xóm Thượng. Nhà nghèo, nhưng thầy có ước nguyện giúp con em ở cái làng đã quá nổi tiếng “Đi thi Nguyệt Biều” được “hay chữ”. Tuy không giàu, thậm chí còn nhiều nhà nghèo nhưng lũ trẻ con trong làng vẫn nuôi mộng học hành. Lúc sinh thời, ông ngoại tôi nói rằng: Dưới triều Nguyễn, Nguyệt Biều có nhiều người học giỏi, đỗ cao, tiêu biểu có ông Hoàng Trọng Từ và ông Hoàng Trọng Nguyên đều đỗ tiến sĩ, được ghi tên trên Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế. Noi gương người xưa, nhiều gia đình, trong đó có gia đình ông Võ Bá Lang ở thôn Đông Phước, nhiều bữa phải ăn cơm với muối sống và ớt xanh, vẫn cho đàn con đi học.

Thầy Khóa Liêm mở lớp dạy gần như miễn phí. Không có bàn ghế, mấy chục học trò nằm sấp trên những chiếc chẹ – đệm bàng Phò Trạch mà học. Tiếng đánh vần chất giọng Nguyệt Biều trầm bổng như âm điệu của bài đồng dao. Hầu hết học trò đều chăm chỉ và ngoan. Với trò chưa ngoan, thầy ôn tồn chỉ bảo. Hình phạt cao nhất cho những trò ham chơi, lười học, thầy bắt quỳ xơ mít, thầy chọn những miếng xơ của trái mít chín, ít gai nhọn. Hình thức phạt này làm cho trò đó đau điếng hai đầu gối mà bỏ những thói hư. Đáp lại, học trò bày tỏ lòng “Tôn sư trọng đạo” không làm gì để thầy buồn, thường xuyên ôn luyện bài vở để lên lớp trên học giỏi. Có một nét đẹp rất tự nhiên là gặp thầy bất cứ ở đâu và sau này là nhiều thầy cô giáo khác, tất cả học trò đều vòng tay, kính cẩn “Dạ thưa thầy”. Nề nếp này đã được giữ gìn cho đến tận giờ. Đi qua mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, trên đại học, ra trường đi làm việc và cả đến khi nghỉ hưu, gặp thầy cô giáo cũ, nhiều người vẫn vòng tay, kính cẩn chào. Hình ảnh này về sau tôi gặp lại ở nhiều người, cả khi đang đạp xe, gặp người lớn thương kính, tay phải giữ ghi đông, tay trái vẫn vòng qua, lễ phép chào. Thật ấn tượng.

Cũng như nhiều vườn khác ở Nguyệt Biều và Lương Quán, vườn nhà ngoại tôi dành một diện tích lớn để trồng thanh trà, bưởi, thơm, mít, dâu, bần quân, khế, vả, giáng châu, bứa, chay, chuối, chè xanh, cau, trầu… Cây trong vườn được chăm bón bằng phân chuồng hoai mục. Dưới những khoảnh đất trống, ít bóng râm, bà ngoại và mẹ tôi vãi mấy luống cải, ngò, mướp đắng, mướp ngọt, rau thơm, cà tím… Sống với vườn, bà và mẹ chăm chút, thu hái quanh năm đủ để chăm lo cho cả nhà cái ăn và sự học… Nhờ cây trái trong vườn mà dân làng ít người bị đau những bệnh hiểm nghèo, thỉnh thoảng nhức đầu, sổ mũi, đau bụng… đã có nắm lá vườn và chai tiêu ban lộ là lành. Vườn rau của bà là nơi tôi hay la cà bởi mùi thơm của các loại rau, tôi mê say với hoa cải, hoa mướp trổ bông vàng hoe mỗi độ xuân về. Sắc vàng của những cánh hoa mỏng manh ấy luôn làm tôi đau đáu nỗi nhớ làng quê. Ông tôi mê hoa nên dành một khoảng sân khá rộng để trồng hoàng mai, hải đường, mộc, ngọc lan, phượng vàng, phượng đỏ, hoa chuối … Vào độ Tết, hai cây mai lão ở đầu hai hàng chè tàu nở hoa vàng rực, sáng cả một góc vườn. Khách đến thăm Tết đều dừng chân thưởng ngoạn vẻ đẹp và hương thơm thanh khiết của hoàng mai. Ông tôi thỉnh thoảng mời những người bạn thân đến uống trà, ngắm hoa và chuyện trò về thú vui làm vườn.

Ve kêu, hè về. Mùa này vườn có nhiều trái chín gọi chim về hót líu lo. Với bọn trẻ, ngoài no nê với trái ngọt, đêm đến, khi chuông chùa Thiên Mụ rung, anh em tôi cầm đèn soi ve ve, những chú ve non mới lột vỏ, chui khỏi đất, bò lên gốc cây. Ban ngày đi chọc ve ve về chiên nước mắm, góp vào mâm cơm ngày hè của ngoại bên dĩa nụ thơm hấp cơm chấm nước mắm chanh tỏi ớt. Một thú vui khác là đi tắm ở bến Đình, bến Thẻ. Tắm xong, lên bờ bẻ đôi ba trái bắp biền của dì Dưa về nướng ăn. Tắm sông, tập bơi nên đứa nào cũng bơi giỏi từ nhỏ.

Sang thu, khu vườn là cả một lời mời gọi đầy quyến rũ lũ bạn học của tôi ở Trường Đồng Khánh, xe đạp khắp các nẻo đường Huế kéo nhau lên làng những ngày nghỉ học. Dắt hai vạt áo dài trắng vào lưng quần, trèo lên những cây còn trái chín rồi quây quần dưới gốc thanh trà, gọt ăn hết những trái đã hái kèm theo những trận cười vang. Món đệ nhất ngon là thanh trà trộn mực khô nướng. Sau này, tôi đã được ăn bưởi Diễn Hà Nội, bưởi da xanh Nam bộ, bưởi Đoan Hùng Phú Thọ, bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh… nhưng tất cả đều không sánh bằng. Thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán… trái có vị ngọt thanh, độ ướt vừa phải, ăn xong không để lại vị đắng. Nguyệt Biều, Lương Quán giờ đã và đang quy hoạch phát triển cây thanh trà, bước đầu đã có thương hiệu. Mùa thu có nắng hanh vàng, đi dưới những con đường quê, vào những ngôi nhà còn phảng phất nét văn hóa cổ kính, những hàng cây thanh trà trĩu quả đung đưa, chỉ với tay là hái được. Một khung cảnh thanh bình nơi thôn dã vẫn còn đây…

Sang đông, thuở trước buồn lắm, mưa rả rích suốt ngày đêm, chưa kể nỗi buồn mùa bão lụt. Mưa, đi học đường làng trơn trợt, phải cất guốc, dép, bấm mười ngón chân xuống đất. Cái vui nhất là đi học về được ăn cơm với canh rau khoai mẹ nấu chỉ có ruốc mỡ, cải cay chấm nước mắm An Bằng, ruốc kho với thịt heo… Chỉ có vậy mà mẹ tôi phải mua loại gạo thật nở để các con được ăn no ngày đông. Đơn sơ mà hạnh phúc ngập lòng.

Thủy Biều giờ ngày một đổi thay, xã lên phường, sung túc hơn trên thế mạnh của vườn, ruộng, đất biền bãi ven sông và giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Đất vườn với cách làm mới, qui hoạch loại bỏ bớt những giống cây của vườn tạp cũ it sinh lợi, lấy cây thanh trà làm chính.

Tôi trở về làng, bồi hồi nhớ những ngày giáp tết được nghỉ học, thích nhất là theo mẹ ra vườn hái rau và hoa trái để cúng, để ăn và để bán. Mùi đất và hoa dại thơm, cây cỏ bừng lên nhựa sống, thanh trà và bưởi khắp vườn bung vô số những chùm hoa trắng muốt, ngào ngạt thơm dưới trời mưa lất phất bay. Nguyệt Biều, Lương Quán và gần đây, những làng vùng chiến khu xưa, như La Khê Trẹm, Đình Môn, Kim Ngọc, Liên Bằng… của Hương Thọ… đã có thanh trà cực ngon. Tôi nghĩ, giá như các làng ven sông Hương như Hương Hồ, Ngọc Hồ, Hương Long, Kim Long… cũng nghiên cứu trồng thanh trà làm một trong những nguồn sống. Khi ấy, mở đầu một năm mới, người dân và du khách nô nức rủ nhau du xuân giữa “dòng hoa trắng” ngát thơm hoa bưởi, thanh trà…

Hoàng Thị Thọ
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ơi những chuyến đò Cồn

Ơi những chuyến đò Cồn

Cồn Hến, địa danh từng được ví là con rồng xanh nằm chầu và bảo

Chùa trong mỗi người

Chùa trong mỗi người

1. Mẹ ốm. Một ngày trước khi lên bàn mổ, mẹ rủ tôi lên chùa.

Khúc serenata sông Hương

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose