Văn hóa Huế | Homepage

Con đường bồ đề

🕔15.May 2019
Tháng Tư âm lịch, những cây cầu bắc qua sông Hương được treo rất nhiều cờ. Những lá cờ Tổ quốc cùng những lá cờ Phật giáo làm cho Huế đẹp hơn. Tháng Tư về, với những người con nhà Phật luôn là một tháng có một ngày vô cùng ý nghĩa. Ngày Đức Phật đản sanh.
Huế có rất nhiều chùa chiền. Dường như, mảnh đất này có điều gì đó khiến con người thôi thúc một ý niệm nương tựa cửa chùa để tìm chút bằng an, thanh thản trong lòng. Mảnh đất của sự hướng thiện, của những con người mong muốn được cứu rỗi bằng những ý niệm tinh tấn của nhà Phật.

Và Huế, cũng có một con đường bồ đề được xem như là con đường dẫn đến đạo hạnh, dẫn đến nguồn cội của yêu thương…

Bước chân qua cầu Gia Hội, đi dọc bờ sông, con đường Bạch Đằng rợp bóng những tán cây bồ đề. Trong ngôn ngữ tiếng Phạn, cây bồ đề được gọi là Asvattha, ngày xưa, thái tử Tất-Đạt -đa đã từng ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề 49 ngày và đạt được giác ngộ trở thành Đức Phật, và từ đó, bồ đề còn có nghĩa là giác ngộ.

Những cây bồ đề xứ Huế trên con đường này có tuổi đời từ rất lâu rồi. Bằng chứng là cây nào gốc cũng to và già nua như những cây cổ thụ, tán lá xòe rộng che bóng mát cả một con đường. Mùa lá rụng, cả con đường ngập tràn xác lá. Những chiếc lá có dạng hình trái tim, dễ dàng khiến chúng ta liên tưởng đến con đường giác ngộ nhân tâm của mỗi con người.

Tôi thỉnh thoảng vẫn thường đi trên con đường này. Ngày xưa, dưới mặt sông là một xóm vạn đò với rất nhiều “gia đình đò” cư ngụ. Những bến sông rộng mà có lần đi qua tôi vẫn thấy mấy mệ, mấy o ra bến giặt quần áo như ngày xưa. Và cũng bến sông này, mẹ tôi đã từng làm nơi nhúng những bó rau muống trong một buổi sớm mai để giữ cho rau tươi lâu trong những ngày gánh rong bán dạo.

Con đường bồ đề còn gắn liền với ngôi chùa Diệu Đế lâu đời. Nơi quàn linh cữu của những thân phận xấu số không nơi nương tựa, không họ hàng thân thích trước khi về nơi chín suối. Nơi bến nước, có tiếng chuông chùa mỗi sáng mỗi chiều rơi vào thinh không làm lắng lại không biết bao nhiêu thân phận trên bước đường tất tả mưu sinh, để con người ta biết hướng tâm mình vào những điều thiện phước.

Tôi đã từng đi qua con đường này mùa những cây bồ đề đơm trái. Khi lá đã rụng hết, cây trơ ra những cành, thì cũng chính lúc ấy trái bồ đề bắt đầu trưởng thành và chín. Trên những tán cây không còn lá, dễ dàng nhìn thấy rất nhiều các loại chim đang ăn ngon lành những trái bồ đề. Lòng chợt thấy những xô bồ mệt mỏi dường như đã rơi rớt lại đâu đó trên đường mà chúng ta đã đi qua.

Bồ đề dường như là loại cây dễ sống, bất chấp mọi điều kiện khắc nghiệt thế nào. Chỉ cần hạt được vùi trong đất, cho dù là một khe nứt của bức tường thì cây vẫn có thể mọc lên và bám rễ để lớn. Cũng giống như con người khởi tâm lương thiện, thì dù cho ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào thì tâm ý đó cũng được nuôi dưỡng và phát nguyện dù cuộc đời có khắc nghiệt như thế nào đi chăng nữa…

Hôm nay, một ngày tháng Tư, tôi đi qua con đường rợp bóng cây bồ đề trong mùa Phật Đản, khi những chiếc lồng đèn, những lá cờ Phật giáo đã tung bay trên những con đường xứ Huế. Khi trên sông Hương những đóa hoa sen đã được thắp sáng giữa sông, giữa cái nắng oi nồng của mùa hè mà chợt mong muốn lòng mình thanh thản để lắng lại với tiếng chuông chùa, để gieo vào tâm mình một chút ánh sáng của từ bi, giác ngộ như những cây bồ đề, những cây giác ngộ ươm mầm và lớn lên nơi mảnh đất cố đô này.

Nam Giao
(Theo TRT)

 

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose