Văn hóa Huế | Homepage

Ngày an yên

🕔16.Jun 2019

Thiệt tình là mình nhớ nơi đó. Một vùng không mấy xa thành phố. Cỏ thì xanh và ngày quá chừng yên tĩnh. Ngay cả gió cũng chỉ se sẽ lướt trên mặt hồ. Những chú sẻ nâu lích chích trên vòm cây. Khi ngồi dưới tán lá, với một ly đen đá, mình đã ngó mãi ra mặt hồ. Không nghĩ gì đâu. Chỉ ước giá được như thế mãi…

Là vì mình biết, chẳng mấy chốc nữa, chúng ta sẽ phải rời đi. Mình gửi ánh mắt ra mặt hồ, giấu đi cái đang len lén, chùng chình. Có lẽ vì thế mà bị giật thột bởi tiếng xe máy rồ lên ở con đường nhỏ ở mé bên kia. Rồi tiếng người nghe không quen âm loảng choảng làm không gian như bị vỡ ra. Ờ thì cũng đến lúc. Cái bàn mình chọn hôm đó bằng gỗ mộc. Nó có lẽ là chỗ ngồi dành cho những người uống vang, hoặc whisky thì đúng hơn. Ly café của mình hôm đó đã tan ra đến nỗi tạo thành một vệt sẫm ướt. Mình suýt ngã khi bước xuống để rời đi. Ờ thì mình quên mất cái bàn quá cao, làm lòng mình chới với.

Mình cũng không biết đó là ngày thứ bao nhiêu, lần thứ bao nhiêu, không phải trong cuộc đời của một người đàn bà như câu chuyện ngôn tình nào đó đâu. Chỉ là cái cảm giác vừa dễ chịu, vừa nuối tiếc đó mình vẫn luôn vướng phải. Đương nhiên không phải ở đâu, chỗ nào cũng như nhau. Nên mình cảm ơn an yên đã có và chia sẻ đã từng…

Mà có khi, an yên là những nẻo đường xa ngái, chỉ hoa chuỗi ngọc nở bên đường là nhắc nhở về màu tím mỏng bên hiên nhà. Có những khi, là rừng sa mộc vùi mình dưới cơn mưa trắng và nụ cười của các bé người Mông khi tha thẩn chờ bán mấy chiếc túi, khăn thêu nhỏ và mỏng cho khách đến từ những đâu. Lũ nhỏ không ngại mưa, cũng như mình cũng đã cố giữ chiếc dù thật chặt để khỏi lật bay trong gió khi nhao người ra khỏi xe, tìm một chỗ ngắm thung lũng. An yên có khi là nụ cười khúc khích của những người đàn bà tụm năm tụm ba bên mé nhà sàn khi khách hỏi. Những dải màu và họa tiết lắm sắc cũng rung rinh dưới đôi tay màu chàm. Có bà mẹ bước đi trên một quãng dài, miệng gọi con mà tay vẫn thoăn thoắt đưa kim. Gió hôm đó cũng chạy ồn ào trên đỉnh đèo và mình thì cố níu vào thanh chắn để nhoài người chụp bằng được mấy kiểu ảnh một chuyến đi vùng cao.

Có ngày, cung đường xa ngái làm mình thích. Nhớ mình hình như đã rất trẻ con khi bảo, đấy nhé, ở nơi tưởng như sâu thẳm này, người ta vẫn treo bảng Bún bò Huế. Khi rủ rê mọi người hôm nào đi Huế, mình sẽ đưa mọi người đi ăn bún gánh là lúc mình thấy thèm hẳn luôn một tô bún vừa múc, cay sực (quê nhà đôi khi là nỗi nhớ chẳng hề thi vị thì phải).

Ký ức của mình còn là chiều bình yên bên một con sông xa ngái. Lúc ấy sông hiền như dòng sông quê mình. Chỉ khác mỗi con phà luống tuổi, cam phận mà người ta mua lại rồi đặt hờ bên mép sông. Hình như mình đã bảo, rồi chúng ta cũng luống tuổi và chúng ta có chịu đựng sự cam phận ấy không để không có câu trả lời nào.

Mình thì nghĩ nhiều về điều đó, nên thường học cách thở nhẹ.

Lúc chạy khỏi cơn nắng gắt và lũ gió phơn tây nam hập nóng ngoài phố rồi tấp vào căn phòng yên tĩnh, mình đã nhoi nhói nhớ về những nơi chốn đã qua. Giá làm được, à mà cứ nghĩ vậy đi, là mình đã cất giữ thật kỹ chuỗi an yên. Như một điều dễ thương để lúc nào cũng có thể nghĩ về nó và thở nhẹ…

Khang Nhiên
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose