Ông Phan Thiên Định – Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này đang vận động cơ quan, doanh nghiệp trên đường Lê Lợi tự tháo dỡ hàng rào xung quanh các đơn vị này.Theo ông Định, Thừa Thiên Huế  đã quy hoạch đường Lê Lợi dọc bờ sông Hương là phố bảo tàng, do tuyến đường này có nhiều trụ sở bảo tàng gồm: Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị; Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng; Bảo tàng Văn hóa Huế…
Bảo tàng Văn hóa Huế trên đường Lê Lợi. Ảnh: H.V.M
Bảo tàng Văn hóa Huế trên đường Lê Lợi. Ảnh: H.V.M

Ngoài các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng trong nhà, trên đường Lê Lợi dọc sông Hương còn có những bảo tàng ngoài trời là những vườn tượng ở công viên, nơi trưng bày tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Cô gái Việt Nam”, tượng cụ Phan Bội Châu của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn.

Trong các công viên còn trưng bày hàng chục tác phẩm điêu khắc của rất nhiều nhà điêu khắc quốc tế và Việt Nam sang tác trong những kỳ Festival Huế.

Tượng “Cô gái  Việt Nam” của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn trên đường Lê Lợi. Ảnh: H.V.M
Tượng “Cô gái  Việt Nam” của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn trên đường Lê Lợi. Ảnh: H.V.M

Việc các đơn vị tháo dỡ hàng rào sẽ tạo không gian thông thoáng cho người dân, du khách từ đường Lê Lợi đi xuống dọc bờ sông Hương, đồng thời kết nối các bảo tàng.

Theo ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thì tỉnh sẽ vận động các cơ quan dọc bờ sông Hương tháo dỡ hàng rào trước; riêng hàng rào trường Đại học Sư phạm Huế sẽ không tháo dỡ mà nghiên cứu làm mềm hóa bằng cách vẽ tranh bích họa.

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - một trong ít điểm trên đường Lê Lợi không có hàng rào cứng. Ảnh: H.V.M
Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị – một trong ít điểm trên đường Lê Lợi không có hàng rào cứng. Ảnh: H.V.M

Trước đó năm 2017, thành phố Huế đã tháo dỡ các hàng rào công viên Thương Bạc, công viên Phú Xuân, công viên 3/2 dọc bờ sông Hương và mở rộng vỉa hè cho người đi bộ.

Theo Lao động