Văn hóa Huế | Homepage

Sống cùng hoa cỏ dại

🕔04.Aug 2019

Ngày nhỏ tôi rất sợ sâu và ghét cỏ dại. Vì là con nhà nông nên tôi thường xuyên phải tiếp xúc với hai “đối tượng phá hoại” này. Nhổ mạ, làm cỏ lúa, hái đậu… tôi đều phải đối mặt với những ả sâu xanh bò nhũn nhĩn lên chân hay những gã sâu róm loè loẹt, lông xồm xoàm trông rất ghê, đụng vào là sưng tấy và rất ngứa.

Có lần khi đi chăn bò, trông thấy một cái cây là lạ, lá cứ trơn trụi màu xam xám, cành cây cong đánh thành một hình vòng cung như cánh cổng thấp. Nhìn thấy vòm cây hay hay, tôi hí hửng chui qua chứ không đi vòng qua gốc cây để tiếp tục con đường. Khi qua khỏi “chiếc cổng”, quay lại nhìn thì nổi da gà: toàn bộ cái cây ấy không có chiếc lá nào. Đám vật thể trơn trụi mà tôi thấy, thật ra toàn bộ là sâu đo.

Cỏ dại không gây nỗi ám ảnh như loài sâu bọ, nhưng khiến tôi phải vất vả mỗi ngày để nhổ hoặc dùng cuốc dẫy bỏ đi. Mẹ dặn, nhổ cỏ phải nhổ lên cả rễ, nếu đứt ngang thân thì nó sẽ lại mọc lên mạnh hơn nữa. Những buổi trưa nắng chang chang mà gặp đám cỏ cứng đầu thì ghét quá đi ấy chứ!

Sâu bọ và cỏ dại bị coi là khắc tinh của mùa màng nên người nông dân luôn tìm cách loại trừ. Nhưng lúc ấy chưa có nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ như bây giờ. Mỗi sáng mỗi chiều tôi vẫn hái những bông cỏ dại trong vườn để chơi đồ hàng, và tung tăng đuổi chơi theo đàn bướm đủ màu đẹp đẽ vốn thoát xác từ đám sâu gớm ghiếc. Sâu bọ, cào cào, châu chấu còn nhiều nên đàn chim sẻ và đám gà trong sân vẫn có cái bỏ bụng dù nhằm khi mùa vụ thất bát, gia chủ không có nhiều thóc lép gạo hư để vỗ béo. Đất đai còn tơi xốp và sạch lành nên còn rất nhiều đám trùn béo ú cho lũ vịt no nê.

Khi rời quê lên phố, quanh năm chỉ đối mặt bê tông, tôi nhớ rấm rứt đồng cỏ quê nhà, thương từng bông hoa dại và nhớ cả từng con sâu đã ám ảnh tuổi thơ. Trong những chậu rau và hoa trên ban công, thỉnh thoảng lại nảy nòi ra một bụi cỏ dại, nhưng tôi không nỡ nhổ đi, cứ để nó lớn cùng rau và hoa, rồi trổ bông cho tôi nhìn mà đỡ nhớ nhà quê. Đôi khi tôi cũng nhắm mắt làm ngơ cho một chú sâu xanh lạc loài, ngẩng đầu ngơ ngác nhìn thành phố. Rồi lại có những sáng những chiều, xuất hiện chú bướm vờn trên dây mướp đang trổ bông vàng ruộm, tôi như nhìn thấy lại một góc quê xưa.

Rồi một ngày về lại quê xưa đó, tôi như chú nghé được thả về đồng, háo hức chạy đi tìm đồng cỏ xanh, những bụi hoa dại ven rừng, những người bạn ấu thơ: cào cào, châu chấu và cả những chú sâu xanh, sâu róm…

Nhưng đồng quê bây giờ đâu như trước nữa. Thuốc diệt cỏ diệt sạch sẽ tận gốc, người nông dân nhàn tênh vì không còn cặm cụi nhổ cỏ, cuốc đất. Thuốc trừ sâu phun mọi ngóc ngách, côn trùng, sâu bọ, ong bướm vắng bóng, khiến cho những bông bầu, bông bí trơ trọi trên giàn. Giờ đây người nông dân phải gom hoa màu vào trong nhà kính để tránh nắng tránh gió, tránh các loại thuốc trừ sâu trừ cỏ, và thụ phấn bằng tay mới mong có trái để thu hoạch.

Chợt nhớ một bản tin cho biết cả một vườn táo ở Trung Quốc nở bông trắng xóa, nhưng người nông dân phải trèo lên cây thụ phấn cho từng bông nhỏ. Vì ong bướm đã bỏ loài người mà đi hết rồi, với cường độ độc dược con người xả vào thiên nhiên càng lúc càng tăng.

Lại nhớ câu chuyện người nông dân Nhật trồng vườn táo 11 năm mới hái được quả ngọt. Từng ấy năm đó ông thả cho cây sống cùng cỏ dại, mặc tình sâu bọ ong bướm viếng thăm. Vườn táo của ông đã vật lộn với độc dược, với thảm họa phá hoại hệ sinh thái do loài người gây ra, để hồi sinh lại bản chất tốt đẹp nguyên sơ của mình.

Hai vườn táo với hai kết quả thật khiến người ta phải nhìn nhận lại mình về cách ứng xử với thiên nhiên.

Thiên nhiên tự có cách dung hòa cuộc sống của vạn vật. Cỏ dại chen lấn, ăn phần của hoa màu, nhưng chính cỏ dại cũng cộng sinh cùng muôn loài mà sinh trưởng. Sâu bọ tuy có nhấm nháp tí mùa màng nhưng cũng là những kẻ giúp việc tận tụy để mang đến mùa trái ngọt, lại là thức ăn nuôi sống sinh vật khác.

Nếu loài người nhân nhượng một chút, chia sẻ một chút, thì cỏ vẫn xanh, sâu bọ vẫn cần mẫn nhiệm vụ và rau trái vẫn sạch lành. Thì loài người bây giờ không nơm nớp lo sợ những căn bệnh ung thư gõ cửa.

Nhớ đồng quê, thương cỏ dại và sâu bọ, ong bướm, hay tiếc nuối một thời hòa ái giữa con người với thiên nhiên?

Trương Huỳnh Như Trân
(Theo Saigon Times)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose