Văn hóa Huế | Homepage

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

🕔12.Nov 2019

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi cònGắn với trận lũ lụt 1999 là những con số thiệt hại biết nói, là những mất mát đau thương không kể hết. Nhưng sau tất cả, con người đã gượng dậy như cây mọc từ khô cằn, lại tiếp tục hành trình sống, ươm mầm, không nguôi hy vọng…

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. “Hãi hùng nhất là cảnh bùn đóng thành lớp trên mái nhà; xác súc vật treo trên ngọn tre”, ông Mễ nói về nỗi ám ảnh sau trận lụt 1999.

Mưa lớn từ hôm trước và sáng 2/11, nước bắt đầu tràn về thành phố. Trước đó, chuồn chuồn từng đàn bay thấp. Phía  Đông, mây mọc lên có đọt như búp măng… Linh cảm điều không lành từ kinh nghiệm dân gian, ông Mễ đến cơ quan sớm. Tới trụ sở UBND tỉnh, nước dâng nhanh đột ngột. Đến trưa thì tin xấu từ khắp nơi báo về. Những nhân viên được cử đi nắm tình hình bị nước lớn lật thuyền mất tích…

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

“Lúc ấy, tôi chỉ kịp gọi điện báo cho ông Đoàn Mạnh Giao (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) xin trung ương phương án giúp Huế. Ngay sau đó, mọi phương tiện thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn”, ông Mễ  nhớ lại.

Mưa tiếp tục trút như thác. Số liệu từ Trung tâm dự báo Thủy văn ghi: Những ngày lũ, lượng mưa có nơi chạm đỉnh 2.000mm. Một hiện tượng thiên văn chưa từng xẩy ra ở Huế trong hơn một thế kỷ.

Mưa lớn ròng rã trong 7 ngày (từ 1-7/11/1999) nhấn chìm 90% khu dân cư vùng gò đồi. Trên sông Hương và sông Bồ-hai con sông lớn của Huế-mực nước có khi dâng cao 8-9m.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

…Ngày 26 tháng 9 âm lịch năm nay, khu phố Đá Bạc có một ngày giỗ chung dành cho 13 người dân chết thảm do bị núi vùi ở đèo Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc). Mọi người đều đến miếu thờ chung thắp nén nhang tưởng nhớ những nạn nhân xấu số.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Bà Hoàng Thị Nhiều năm nay đã ở tuổi gần đất xa trời vẫn đau đớn khi nhắc tới cái chết thương tâm của cậu con trai út.

Chỉ tay về giếng nước lưng chừng đèo Mũi Né, bà Nhiều nghẹn giọng: “Đó chính là nơi ngôi nhà của bác Thảo (chủ nhà bị núi lở vùi), hôm 3/11/1999, người dân trong xóm đều đến nhà này tránh lũ. Tôi gửi con trai út đang học cấp 3 lên đó rồi hai vợ chồng quay về nhà. Khoảng 8h tối, bỗng nghe tiếng ầm ầm của cây gãy đổ và cả những tiếng kêu lạc giọng. Mọi người chạy tới nơi thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. 14 người và thằng út nhà tôi bị vùi sâu dưới đất đá cây cối”.

Trong ánh đèn pin yếu ớt, tiếng kêu gào, khóc than, những bàn tay tuyệt vọng bới đất đá…

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Phép màu chỉ xảy ra với một nữ sinh nhờ đất đá không chôn vùi hết người em. Anh Nguyễn Đức Phương (hiện công tác tại huyện Phú Lộc), anh trai của cô gái may mắn này khó nhọc khi gợi lại những ký ức đau buồn bởi trong số những người tử nạn có cả cha mẹ anh. Chứng kiến thảm cảnh đó, em gái anh Phương bị khủng hoảng tinh thần suốt thời gian dài.

“Đến hôm nay, đã qua 20 năm, không ai dám nhắc lại câu chuyện đau lòng vì em vẫn còn hoảng loạn. Mỗi lần giỗ bố mẹ đều có cái bánh sinh nhật cho em bởi đó là ngày em được tái sinh”, anh Phương rơm rớm.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Ở rốn lũ đầu nguồn sông Hương, người dân thôn Bằng Lãng đến nay vẫn bàng hoàng khi hồi tưởng về ngày tháng đó.

Bà Ngô Thị Lợi ở thôn Bằng Lẵng (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) nhớ lại: “Nước về nhanh không kịp trở tay. Chúng tôi chỉ kịp trèo lên nóc nhà với hy vọng có ai đó đến cứu. May sao, hàng trăm người kẹt giữa biển nước đã được giải cứu bằng thuyền”.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Tại xã gò đồi Hương Thọ (T.X Hương Trà), người dân tháo chạy lên các mô đất cao để thoát  thân. Nhưng 57 thầy trò Trường THCS Hương Thọ thì không kịp. Ông Lê Văn Hồng, nguyên bảo vệ trường nhớ lại: “Nước lên quá nhanh, ngập đến tận mái nhà nên chúng tôi dùng rựa phá mái ngói chui lên. Xung quanh nước cuồn cuộn cuốn phăng từng ngôi nhà, rặng cây nghe xèo xèo. Tất cả mất hút trong biển nước”.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Sau những ngày bám víu vào nóc nhà ngấp nghé nước, 57 con người kẹt lũ trong đói khát và tuyệt vọng ấy đã được cứu.

Thoát chết trong gang tấc, chị Bùi Thị Trang ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã trải qua nỗi sợ hãi ấy. Thấy nước dâng cao, 60 người dân sơ tán đến trụ sở UBND xã. Hai giờ sáng, nước ập vào. “Có rất nhiều tiếng ha hét khi trụ sở lung lay. Mọi người định lấy dây buộc nhau để nếu chết thì còn tìm được xác”, chị Trang cho hay.

Trong khoảnh khắc vô vọng, chị Trang và 59 người khác đã được những người dân chèo thuyền đến cứu, trước khi dòng nước hung hãn cuốn phăng trụ sở UBND xã Quảng Phú trong nháy mắt.

Ở TP. Huế, con số thương vong về người ở Phú Bình, Thuận Lộc, Kim Long…  tăng nhanh. Tại Đài Tưởng niệm chiến sĩ trận vong trước Trường THPT Quốc Học, từng dãy quan tài nằm đó cùng những người tử nạn.

373 người chết, 200 người bị thương là hậu quả khủng khiếp mà cơn lũ 1999 gây ra.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Ngay sau lũ, cầu hàng không được thiết lập để phục vụ công tác cứu trợ. Theo hồi ức của thành viên ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh, khi nước rút, cảnh tượng tan hoang… Nhà cửa, cây cối đều bị san phẳng. Các làng quê xơ xác. Mất mát quá lớn nhưng ai cũng gượng dậy, bắt đầu từ những gì còn sót lại.

Bên trong nỗ lực, bên ngoài chung tay. Tất cả tạo nên sức mạnh, niềm tin để khôi phục. Người giúp người, làng giúp làng, gầy lại cuộc sống.

Làng Rồng được “khai sinh” sau cơn đại hồng thủy 1999 ở tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Tên làng được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt, thể hiện sức mạnh, ý chí, khát vọng lươn lên của người dân. Họ là 64 hộ dân thôn Hải Thành, được tái định cư sau đại hồng thủy. Ngày 2/11 cách đây 20 năm, mưa lũ cuốn trôi 64 ngôi nhà ở thôn Hải Thành của họ.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

20 năm định cư trên vùng đất mới, Làng Rồng đã mọc lên nhiều ngôi nhà khang trang. Không còn hộ đói, hộ nghèo. Người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản truyền thống mà cha ông để lại.

Ông Trần Văn Thu là một trong những người sống sót trong trận lũ nhưng 12 người thân của ông không còn. Vợ con và cha mẹ đều bị lũ cuốn trôi, chỉ còn mình ông và em gái sống sót.

Lũ qua, ông Thu như chiếc bóng trơ trọi. Ký ức đau buồn khiến ông nhiều lần không muốn sống.

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Nhưng ông đã gượng dậy, trong sự đùm bọc, sẻ chia của dân làng và người em gái. Ông lại đưa thuyền ra khơi, hết mùa biển này, đến mùa biển khác. Và ông đã tìm được bến đỗ mới, sinh con, đẻ cái… Hết mùa biển, ông Thu lại cùng vợ vào nam làm ăn.

“Bây giờ hai đứa con đầu đã có công việc ổn định. Kinh tế gia đình căn cơ, chắc chắn lắm”, ông Lê Văn An, tổ trưởng tổ dân phố An Hải xởi lởi khi nói về cuộc sống mới của ông Thu hôm nay.

Khi chúng tôi về làng Rồng. Thời điểm này, cả gia đình ông Thu đang ở trong Nam. Nhưng người làng Rồng vẫn kể về ông, như một biểu tưởng về sức mạnh, ý chí, niềm tin của con người vào cuộc sống….

20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose