Văn hóa Huế | Homepage

Ký ức tang thương về trận “đại hồng thủy” của người dân xứ Huế

🕔04.Nov 2019

Năm 1999, mưa lớn liên tiếp đã khiến nhiều tỉnh thành ở các tỉnh miền Trung bị ngập lụt nặng, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Trận “đại hồng thủy” đã khiến nhiều ngôi làng ở địa phương này bị “xóa sổ”, hàng trăm người chết, thiệt hại kinh tế nặng nề.

Cứ đến dịp cuối tháng 9 âm lịch hằng năm, ông Trần Văn Thu (ở làng Rồng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) và người thân trong gia đình lại làm giỗ cho 12 người thân trong gia đình bị mất vào năm 1999.

Đã 20 năm trôi qua nhưng ông Thu và người dân địa phương không thể nào quên đi quá khứ đau thương khi cơn lũ lịch sử năm ấy đã cuốn nhà cửa và nhiều người trôi ra biển.

Ông Trần Văn Thu cùng người thân làm giỗ cho 12 người trong gia đình mất trong trận lũ năm 1999.

Thắp nén hương lên bàn thờ, ông Thu nghẹn ngào kể lại câu chuyện về trận lũ xảy ra vào năm 1999. Theo lời ông Thu, trước khi xảy ra trận lũ lịch sử 20 năm về trước, gia đình ông và các hộ dân ở làng Rồng đều sinh sống ở làng Hải Thành, thị trấn Thuận An. Thế nhưng, vì mưa lớn kéo dài không ngớt khiến nước lũ dâng cao nên tối ngày 2-11-1999, ông Thu và nhiều hộ dân khác trong thôn tiến hành dọn dẹp, di chuyển tài sản tránh lũ. Tiếp đó ông Thu chèo đò đưa vợ và 3 con nhỏ sang nhà ông bà nội để tránh trú.

Đập Hòa Duân năm xưa bị vỡ trong trận lũ nay được hàn khẩu, có QL 49B đi qua.

 

Làng Rồng ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên sau trận “đại hồng thủy” năm 1999.

“Trên đường quay trở lại nhà mình để lấy thêm ít đồ đạc thì tôi bị dòng nước lũ cuốn trôi, làm bị thương. May mắn lúc đó có thuyền của người dân đi qua nên tôi được cứu đưa vào trụ sở Bộ đội biên phòng đóng gần đó để băng bó vết thương. Trong khuya hôm ấy, một tiếng nổ lớn vàn trời khiến dân làng bàn hoàng khi nước lũ xé toạc làm vỡ đập đập Hòa Duân cuốn trôi 64 ngôi nhà và 14 người dân, trong đó có 12 người thân của tôi ra biển. Mãi sau này tôi mới tìm thấy hài cốt người thân của mình để đưa về quê an táng khi thi thể họ trôi dạt vào bờ và được người dân sống ven biển ở các địa phương chôn cất”, ông Thu xúc động kể.

Hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế chìm ngập trong biển nước trong trận lũ năm 1999. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 1 đến ngày 6-11-1999, nhiều điểm tại tỉnh có mưa dồn dập khoảng 1.000 mm trong 1 ngày, tổng lượng mưa gần bằng tổng lượng mưa trung bình cả năm cộng lại. Mưa lũ khiến tỉnh Thừa Thiên Huế có 352 người chết; hàng nghìn nhà dân bị ngập trong lũ; đã có những người phải bỏ cả tính mạng mình để cứu sống những người khác gặp hoạn nạn trong cơn lũ. Các xã vùng trũng của các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền… đều bị ngập nặng, có nơi nước lũ ngập đến 4m, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn.

Nước lũ dâng cao ngập tới nóc nhà, người dân kết chuối làm bè để di chuyển. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

 

Chợ Đông Ba ngập trong biển nước. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên Huế huy động toàn bộ lực lượng Công an, quân đội, BĐBP và các loại phương tiện kỹ thuật để thực hiện công tác cứu trợ, giúp đỡ nhân dân. Đến ngày 12-11, hơn 2.500 tấn gạo của Trung ương đã được chi viện cho tỉnh Thừa Thiên Huế để cấp phát cho người dân vùng lũ. Tỉnh cũng đã tiếp nhận 553 tấn hàng hóa cứu trợ.

Nhà cửa của người dân ở vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế bị sóng biển đánh sập, hư hại.(Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tan hoang sau khi cơn lũ đi qua. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ngày 15-11-1999, Chính phủ tổ chức một hội nghị về khắc phục hậu quả do trận lũ lụt này gây ra tại các tỉnh miền Trung. Sau hội nghị, ngày 17-11, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định gửi nhiều loại lương thực, thực phẩm, thuốc men đến các tỉnh bị thiệt hại từ Quảng Bình đến Bình Định; đồng thời cũng hỗ trợ 100 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh; 100 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng; người dân được cho vay không phải thế chấp để khắc phục hậu quả của đợt lũ.

Người dân vùng lũ nhận mì tôm cứu trợ. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Những chiếc quan tài chất ngổn ngang trước sân Bia Quốc học Huế trong trận lũ năm 1999. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhớ lại, vào thăm vùng lũ và chứng kiến sự đau thương, mất mát của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế khi toàn tỉnh có hơn 350 người chết, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ đạo các đơn vị quân đội, chính quyền địa phương khẩn trương bố trí tái định cư, xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống cho người dân sau cơn lũ lịch sử.

Người dân dọn dẹp bùn đất sau khi nước lũ rút. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế)

Sau trận đại hồng thủy năm 1999, được sự giúp đỡ từ Trung ương cùng Đảng ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức… người dân tỉnh Thừa Thiên Huế từng bước khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Giờ đây, nhiều làng quê từng bị chìm ngập trong trận “đại hồng thủy” 20 năm về trước đang dần được thay đổi diện mạo, khởi sắc từng ngày.

Anh Khoa
(Theo CAND)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose