Văn hóa Huế | Homepage

Trên con sông di sản

🕔21.Dec 2019

Kiến tạo của thiên nhiên để lại cho Huế một dòng sông hiền hòa, lãng mạn để rồi từ đó tạo nên một sự chấm phá đầy kiêu sa cho đô thị Huế. “Nếu một ngày nào đó sông Hương đột nhiên biến mất, thì Huế có còn là Huế nữa không?!”, ai đó đã từng nói vậy, nghe qua ngẫm nghĩ cũng đúng thật.

Sông Hương – điểm nhấn đặc biệt cho đô thị Huế

1. Với người Huế, sông Hương vô tình tạo nên tính cách cho con người nơi đây. Trong bài thơ “Tạm biệt” – Thu Bồn viết: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, có lẽ đây là hai câu thơ tả rõ nét nhất về sông Hương và nói lên được tính cách Huế, con người Huế. Với văn thơ, nhạc họa thì mặc nhiên sông Hương đã là di sản. Để rồi nhà thơ Huy Tập phải thảng thốt với hai câu thơ: “Nếu như chẳng có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi”. Văn chương, nhạc họa về Huế từ bấy lâu nay, sông Hương luôn là chủ đề xuyên suốt.

Trong suốt quá trình phát triển của đô thị Huế, sông Hương là điểm nhấn đặc biệt. Sông tạo nên hình hài, tạo cho không gian đô thị Huế trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn. Nó chia đô thị Huế thành hai bờ phát triển đối ngược nhau, để rồi hình thành nên một dáng dấp đô thị di sản dọc sông.

Với người dân Huế thì những giá trị của sông Hương có lẽ không cần nói nhiều, họ cũng hiểu rõ. Với nhiều người yêu Huế, không cần phải ở Huế họ cũng hiểu được giá trị của sông Hương.

Trong những biến thiên xảy ra trên mặt nước con sông này, tôi ấn tượng với cuộc sống của cư dân thủy diện trước đây. Đây là một phần của lịch sử trong chuỗi phát triển của đô thị Huế, một phần trong mạch chảy của sông Hương. Một phần trong lịch sử văn hóa Huế.

Festival Huế 2018, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã đưa đời sống của cư dân vạn đò một thời thành một chương trình nghệ thuật với tên gọi “Âm vọng sông Hương”. Xuyên suốt chương trình là chuỗi quá trình từ lúc sinh ra lớn lên và ra đi của một phận người suốt nhiều thập kỷ lênh đênh trên sông.

Bỏ qua những giá trị về lịch sử mang tính đặc thù thì cư dân vạn đò một thời trên sông Hương đã góp phần làm nên sự đặc biệt cho con sông này. Để rồi người ta phải nhắc nhớ về một phận người từng sống trên sông. Sự nhắc nhớ đó không phải trong sử sách mà là một chương trình nghệ thuật. Âm vọng của một dòng sông đôi khi nó đến từ sự bình dị, giản đơn nhưng rồi chính những điều đó tạo nên một con sông di sản chảy giữa đô thị Huế..

2. Dõi theo những biến chuyển của lịch sử đô thị Huế, chúng ta càng thấy sông Hương đặc biệt. Cụm lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương có giá trị to lớn về nhiều mặt mà chính con sông này góp phần làm nên sự đặc biệt đó.

Trong một hội thảo quốc tế tổ chức ở Huế cách đây chưa lâu, GS.TS. Satoh Shigeru đến từ Viện nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Tokyo Metropolitan, Nhật Bản từng nói: “Khu bảo tàng lịch sử – sinh thái” ở khu vực thượng nguồn sông Hương là rất đặc biệt, để có những khu vực bảo tồn tốt như vậy ở Đông Á là rất hiếm”.

Cụm lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận là di sản thế giới bởi những yếu tố đa dạng được lồng ghép một cách toàn diện và quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương từ Kinh thành Huế đến các lăng tẩm hoàng gia và hệ thống làng mạc dân cư. Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú, bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, thế giới tinh thần được lồng ghép vào cảnh quan văn hoá lưu vực sông Hương.

Giá trị của sông Hương không chỉ nằm ở thi ca, nhạc họa mà nó là nơi mà hàng năm còn rộn lên với lễ hội điện Hòn Chén vào tháng Ba và tháng Bảy Âm lịch. Đây là dịp thiện nam tín nữ thờ cúng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, vị nữ thần Bà Mẹ Xứ Sở của Chămpa đã được Việt hoá. Những chiếc thuyền với cờ lễ, khăn áo hầu và điệu hát chầu văn theo sông Hương để đến điện Hòn Chén, ngôi điện linh thiêng nằm sát một vực sâu bên dòng sông Hương.

3. “Sông Hương cho nước mát trong”, ai đó đã khắc câu này trên một tấm bảng gỗ, dựng ngay bến Kim Long. Chạy xe giữa một ngày hè trong cái nóng oi bức, xe qua cầu Dã Viên tôi ngước mắt nhìn về dọc công viên Bến Me, rồi nhìn lên công viên Kim Long-một rừng người đang khởi động, bơi lội vẫy vùng trên dòng sông. Tự trong lòng cảm thấy an bình, nhẹ nhõm giữa phố xá đông đúc, ồn ào. Khó có nơi đâu mà ngay giữa lòng thành phố, người dân lại có thể vẫy vùng, tắm trong dòng nước mát trong như vậy.

Từ thượng nguồn sông Hương ở ngã ba Tuần cho đến vùng ngã ba Sình, ở đâu cũng có thể bắt gặp một vài hình ảnh người dân tắm, vẫy vùng trên sông mỗi mùa hè. Những đứa trẻ theo cha mẹ mưu sinh trên sông, chúng đứng trên mũi thuyền nhảy một cú thật ngoạn mục rồi hụp lặn trong dòng nước. Dòng nước bị xé toang bởi cú nhảy, tiếng cười nói của lũ trẻ lẫn trong tiếng mái chèo tạo nên một âm thanh đủ để đưa con người ta về với tuổi thơ, về với con sông quê về với sự an yên.

Với sông Hương, tôi nghĩ những người khó tính nhất nếu đứng trước dòng sông cũng phải “say” với dòng chảy của nó. Như kiểu Nguyễn Trọng Liên đã “Vốc tay say với dòng Hương/Nhón chân, ngược bước nẻo đường tìm thơ”…

Nguyễn Đắc Thành
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose