Văn hóa Huế | Homepage

Tết về nhớ bài tới

🕔20.Jan 2020

Nhìn bài tới là nhớ tết quê. Bởi những tết năm cũ ở quê tôi ra đường, tới chợ là chơi bầu cua cá còn về nhà là bài tới. Bài tới vốn dễ đánh bởi chẳng phải tính toán, suy đoán chi cả nên chơi rất vui và từ bà già tới con nít đều đánh được. Và đã nói tới bài tới là nói tới thú vui của mạ tôi, của mệ nội tôi và mấy mệ, mấy o, mấy dì trong làng.

Hội bài chòi ngày Tết ở cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: L.Tuệ 

Sau những ngày tất tả ngược xuôi, gồng gánh chạy chợ để lo cho gia đình có thức ngon, vật đẹp trong ba ngày tết; rồi lại bận bịu tay chân với mâm cỗ tất niên, mâm cúng giao thừa, những ngày đầu năm mới, cánh phụ nữ làng quê mới có được chút thời giờ rảnh rang để ngồi lại với nhau. Và họ rủ nhau trải chiếu trên bộ phản trong nhà chơi bài tới.

Hồi nhỏ tôi cũng từng chơi bài tới khi mà mấy mụ, mấy o thiếu tay. Thiệt tình là họ cũng chẳng thích một thằng con nít ngồi vô chiếu bài, bởi sợ mệ nội tôi la là mấy người dụ con nít nhà người ta lấy tiền, nhưng ngặt một nỗi là thiếu tay thì không thể xoay nên sòng bài nên đành rứa thôi. Cũng từ đó, tôi đã có được một thú vui trong những ngày tết là chơi bài tới…

Tôi nhớ lại những ván bài tới ngày xưa bởi vì bạn tôi một người xa quê ở bên kia bán cầu đã xúc động tâm sự với tôi rằng: “Màu thời gian đã phủ lên những lớp bụi mờ. Mình muốn mua những ký ức ngày xưa nhưng không ai bán cả. Thôi thì mình đành mua trong nỗi nhớ khi nghe ai nhắc lại, mua trong một miền ký ức nhỏ nhoi khi trống vắng trên xứ xa…

Ngày còn thơ thèm tết để sáng mồng một được mặc áo mới, đi về ngoại lên khỏi bến đò là thấy hai dãy ghế mấy ôn mấy mệ cứ xoè mấy con bài mà hò. Đó là bài chòi, nhưng mạ mình nói đó là “bài ghế” vì ngồi trên ghế bằng mấy cây tre đâu lại đóng dài bằng phẳng của mấy bác, mấy ôn trong xóm chuẩn bị những ngày cuối năm khi làm lễ “thượng nêu” chứ mô có ngồi trên chòi.

Chừ ngồi ngẫm lại thấy nhớ, thấy buồn. Một nỗi mất mát không bù đắp được và chỉ biết một điều tất cả nằm trong kho tàng của ký ức mà chẳng thể nào tìm được lối vào…”

3731579491201[1]

Ừ nhớ bài tới là nhớ tết xưa của tuổi thơ tôi và bạn. Ngày xưa sáng mồng 1 là mấy anh em tôi kéo nhau về nhà ngoại ở thôn Nhất Đông. Nhà ngoại của tôi có cái sân đất thật rộng. Trước sân có cây mai nở vàng rực. Ở giữa sân, dì Thuận khi mô cũng bày ra một chiếc chiếu để xóc cua bầu cá cho mấy đứa con nít, mấy anh thanh niên trong xóm  chơi. Còn trong nhà là sòng bài tới của mấy mệ, mấy o, mấy dì… Tôi nhớ mạ tôi khi mô về nhà ngoại thắp hương bàn thờ gia tiên xong là tham gia chơi mấy ván bài tới. Mạ đi con tuyết mà cứ nói là con hoa, rồi lại đi con nọc đượng và cười thật vui làm ai cũng cười theo.

Có một cái tết, khi còn tiểu học, làng tôi tổ chức hội chợ và có tổ chức chơi bài chòi ở lùm cây mù u sau đình làng. Các lá bài tới và bài chòi là một? Chỉ có khác là chơi bài chòi thì phải thuộc thơ ca hò vè mỗi khi đi bài. Dạo đó tôi còn nhỏ xíu, cứ nhìn người ta vừa chạy lui chạy tới vừa la hét vui nhộn lắm khi chơi bài mà không hiểu mô tê chi cả. Có người còn làm một bài thơ về bài tới rất hay rằng:

Mời anh vô đánh hội bài
Em đang có sẵn năm tay đủ sòng
Đầu tiên đi chợ con bồng
Xe qua gióng lại lòng vòng giày sưa
Bên anh đã thấy gối chưa
Em đi con ngủ cho vừa lòng anh…

Phi Tân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose