Văn hóa Huế | Homepage

Trước mỗi mùa xuân

🕔15.Jan 2020

Tháng ngày như thoi đưa, mình đi đi về về mà không hay những bức tường rêu trong con hẻm đã khoác áo mới, sơn lại tinh tươm. Có nghĩa là, mọi thứ đều bắt đầu được làm mới để xác lập các thời khắc minh niên. Nếu để ý lắm, sẽ nhận ra làn khói bếp của nhà mệ Trọng nằm sát ngôi chợ xép. Trong làn khói này cố mang theo mùi bánh tét để tỏa ra khắp xóm, báo hiệu cái không khí rộn ràng của những ngày giáp tết.

Mệ Trọng người ở Sịa, lên trọ ở phố núi này ngót nghét hai chục năm. Ngày thường mệ bán xôi bắp, bánh rán. Tháng Chạp mệ bắt đầu gói bánh cho người con gái mang ra chợ bán. Mệ bảo, thời buổi này người ta bận rộn lo kiếm ăn. Có khi tối 29, 30 mới về tới nhà nên không có thời gian ngồi gói bánh. Mệ gói bánh bán cho họ như bán cái hương vị xuân cho muôn nhà! Nghĩ cũng phải. Thời cơ chế thị trường, ai lo việc đó. Thay vì ra tay tự làm lấy thì xách giỏ đi chợ là cách làm tối ưu.

Mạ mình bán quầy hàng ở ngôi chợ xép cạnh nhà cũng gần 30 năm. Những tháng ngày tuổi thơ mình thường được bọn trẻ làng khác gọi là dân chợ đò vì rảnh là có mặt ở chợ. Mỗi mùa xuân, những ngày nghỉ học là ra chợ ngồi với mạ. Tiếng là để phụ bán hàng chứ chủ yếu để chơi. Các thời khắc sặc sỡ, náo nhiệt của chợ là những ngày giáp tết. Người ở đâu cứ đổ về ken kín các lối đi. Những người bán hàng với khuôn mặt lạ lẫm xuất hiện càng nhiều vào những buổi chợ như thế này.

Có thể họ từ phương xa tới, hoặc có thể là một người thuần nông. Nhưng để có tấm áo mới cho con, mấy thứ linh tinh trong dăm ngày tết họ phải tự mình đưa thứ ở vườn ra chợ thay vì trước đây bán nó qua người trung gian.

Năm nào gần tết, mạ cũng giục ăn cơm tối sớm hơn để tranh thủ đi đòi nợ. Buôn bán quanh năm, dịp tết là cơ hội để tổng kết được, mất và là thời cơ để thu hồi nợ. Không biết nợ bao nhiêu, nhưng năm nào mình chở mạ đi đòi nhà ông Nhân ở khóm C. hay mụ Hoa ở T. nhưng chẳng có đồng nào. Mỗi năm gặp nhau một lần, mạ mình tay bắt mặt mừng với họ vì lâu ngày gặp nhau. Vốn là dân buôn bán cùng nhau, giờ làm nghề khác nhưng gặp nhau họ vẫn quý. Họ kể cho nhau nghe về tình hình con cái, kết quả làm ăn. Về mụ X, con Y ngồi dưới chợ nay đã giàu có, đổi nghề không cần ngồi nhặt bạc lẻ ở chợ. Sơ sơ cũng hết cả tiếng đồng hồ mà chẳng vào vấn đề. Nấn ná mãi mạ mình vẫn không mở lời đòi nợ. Mạ giục mình ra về sau khi nghe tiếng ho khàn khàn của ông chồng mụ Hoa. Ông bị hen suyễn, đau ốm quanh năm. Mụ Hoa dựa vào khu vườn nhỏ trồng rau đủ ăn chứ có dư đâu mà trả nợ. Và năm nào cũng thế, vẫn câu chuyện ấy, tiếng ho khàn khàn ấy…

Từ biệt tuổi thơ để làm một người khác, để bước vào cuộc sống đầy sắc màu. Tuy nhiên, mỗi mùa xuân mình đi qua con hẻm lúc nào cũng dừng lại ít phút trước làn khói bếp của mệ Trọng. Hay rảnh rỗi chạy ra ngồi bên mạ, ngó ra dòng người đang chen chúc ở chợ. Thì ra, trước một cái tết, con người ta thấy mình trẻ lại với ký ức xa xăm.

Yên Mã Sơn
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose