Văn hóa Huế | Homepage

Cầu Lòn & người Huế đặt tên cầu

🕔18.May 2020

Ở Huế có cầu Lòn, gần cầu Bạch Hổ. Sử chép, từ năm 1881, người Pháp bắt đầu xây dựng con đường sắt xuyên Đông Dương (Trans – Indochinois).

1-1476107498928[1]
Nguồn: Internet

Năm 1906, Ga Huế được xây dựng. Hai năm sau đó, người Pháp đã cho làm cầu Bạch Hổ để lưu thông tuyến đường sắt qua sông Hương và cũng trong thời gian này, chiếc cầu Lòn vừa nhắc đồng thời ra đời.

Nổi tiếng có sông, có đầm phá… Huế cũng nổi tiếng có nhiều cầu. Cầu bắc qua sông, qua khe suối và gần đây có thêm nhiều cầu dài vượt phá để nối nhịp bờ vui. Điều khác lạ của cầu Lòn nằm ngay ở tên gọi và đó là chiếc cầu có đường sắt ở trên và đường bộ trải nhựa phía dưới. Ở Quảng Trị cũng có chiếc cầu Lòn nằm ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Khác với cầu Lòn ở Huế, cầu Lòn ở Quảng Trị, đường sắt chạy lại ở dưới và đường bộ ở trên. Gần đây, Huế có cầu Vượt Thủy Dương cũng với cái thế tương tự cầu Lòn ở Quảng Trị kia.

Trở lại với cầu Lòn ở Huế. Sinh sống quanh cầu Lòn xưa có 1 xóm dân ở phường Phường Đúc mang tên xóm cầu Lòn và con đường bộ nằm ở dưới cầu cũng có tên là đường Cầu Lòn. Đường hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nguyên dạng con đường đất nhỏ, qua thời các vua Nguyễn, đường được sửa sang mở rộng tạo lối đi dễ dàng cho các đoàn hộ giá,

nghinh rước vua quan và các đội tượng mã lên đấu trường Hổ Quyền.

Trước 1945, người Pháp đặt tên là đường Arènes (Rue des Arènes). Riêng đoạn từ cầu Ga đến Nhà máy nước cũ, thường được gọi là đường Bồ – ghè (Rue Bogaert). Sau năm 1956 đặt lại tên là đường Huyền Trân Công Chúa (chỉ kéo dài từ cầu Ga đến cầu Lòn, song dân gian thường cứ gọi là đường Huyền Trân, kéo lên tận nhà thờ Tổ nghề Đúc Đồng). Tháng 1/1977, đường được đặt lại tên mới là Bùi Thị Xuân.

Tên cầu Lòn gợi nhớ về cách đặt tên cầu của người Huế. Xưa nay có nhiều tiêu chí và phổ biến nhất vẫn là lấy địa danh. Ví như bắc qua sông Hương, cầu Trường Tiền lúc đầu được đặt tên là cầu Thành Thái. Thế nhưng, dân gian vẫn gọi là Trường Tiền, vì ở bên cạnh xưởng đúc tiền và nó đã thay thế bến đò Trường Tiền. Hay chiếc cầu ở phía hạ lưu sông Hương được đặt tên là Chợ Dinh, do ở cạnh chợ Dinh và thay thế đò ngang chợ Dinh. Phía thượng nguồn có cầu Tuần, vì nó ở bên cạnh chợ Tuần, và thay thế phà Tuần.

Đầu thế kỷ 21, một loạt cầu được xây dựng, vượt đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; trong đó, có cầu Tam Giang vẫn thường gọi bằng cái tên thao thiết là cầu Ca Cút. Sinh thời, nhà thơ Ngô Minh viết, cái tên Ca Cút bắt đầu từ một nỗi nhớ. Dân ở Sịa kể, xưa có người vợ tần tảo lo bới cơm xách cho chồng về kinh thi hội. Nhưng khi người vợ đến bến thì đò đã ra giữa phá. Vừa thương chồng vừa ân hận, người vợ kêu đò, kêu mãi kêu mãi, hết ngày lại đến đêm rồi chết rũ bên bến mà thành loài chim “ca cút”… cứ kêu hoài: “Đò ơi, đò ơi…”.

Không gắn liền với một địa danh, một địa chỉ văn hoá vùng đất, tên gọi cầu Lòn ngắn ngọn và chân chất, nhưng đầy tượng hình. Thế nhưng, nó lại cho ta một ngẫm nghĩ thú vị về tư duy và văn hóa đặt tên đa dạng, giàu sắc màu của người Huế mình. Có thể rồi đây với một dự án cải tạo được triển khai, không gian này sẽ không còn như lâu nay nhưng cái tên cầu Lòn kia sẽ là một hoài niệm đẹp đối với bao người.

Đan Duy
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose