Văn hóa Huế | Homepage

Bánh gói lá đon của mạ

🕔09.Aug 2020

Những đợt giỗ kỵ hay những bữa cơm đoàn viên, lễ Tết, trên mâm cơm nhà chồng tôi không bao giờ thiếu những dĩa bánh gói Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) xanh mướt.

Để có những mẻ bánh gói lá đon (từ địa phương, tên thường gọi là lá dong), mạ chồng tôi đã phải chuẩn bị từ một đến hai hôm trước mới kịp. Trong khu vườn nhỏ được mạ và ông nội chăm chút kỹ càng, từng đám lá đon mọc lên mơn mởn, phiến lá xanh và to một cách kiêu kỳ. Mạ đội nón ra vườn, tay cầm dao, thoăn thoắt cắt từng chiếc lá. Đủ lá rồi, mạ đem vào rửa thật sạch. Sau đó gọt bớt đường sống giữa của lá đon để dễ gấp khi gói bánh.

Bột bánh là một công đoạn cầu kỳ khi phải pha tỉ lệ bột gạo và bột lọc sao cho thật chuẩn, đạt độ mềm, dai và thơm khi bánh được hấp chín. Thêm vào đó, lượng nước cho vào cũng phải khéo để không bị đặc hoặc lỏng quá, dẫn đến thành phẩm kém ngon. Khuấy cái nồi bột cũng không khác gì “luyện công”, tay phải đều, phải dẻo để bột tơi, hòa quyện cùng nước cho ra chất bột sánh mịn, sền sệt vừa đủ.

Với nhân bánh, mạ sẽ đi chợ vào buổi sáng sớm, lựa những mẻ tôm sáo còn nhảy tanh tách vì thịt tôm sẽ ngọt, chắc, khi rim lên sẽ không bị teo lại. Với thịt heo, mạ lựa vạc vai heo để làm nhân bánh. Sau khi sơ chế, thịt heo được đem đi luộc, tôm thì xào chín rồi bóc vỏ. Tiếp đó, cả hai cùng được cho lên thớt vằm mịn. Xong đâu đó, mạ phi hành thơm nức, đổ tôm, thịt vào xào với “đồ màu”, thêm hành lá cho thơm và tăng sự bắt mắt của màu sắc.

Những ngày cả gia đình có đông đủ thành viên, tôi và bé em chồng sẽ ngồi gói bánh giúp mạ. Mạ bày tôi quét dầu lên lá, đặt bột ở đoạn nào trong lá đon, bỏ chừng nào nhân bánh là vừa, rồi vặn ba vòng đầu này, gấp đầu kia phiến lá sao cho chiếc bánh ra hình hài mái ngói. Vậy mới đúng chuẩn đẹp mắt và bánh chắc tay, không bị quấn lá trở ngược ra khi hấp. Bánh đã gói xong được mạ xếp ngăn nắp vào nồi đem đi hấp. Tôi hay quấn quanh mạ ở dưới bếp nên thường được ăn những cái bánh đầu tiên, vừa mới “ra lò”, còn nóng hôi hổi.

Cái lệ khi ăn bánh gói là phải dùng nước mắm ruốc ngon, dằm vô ít trái ớt xanh, đỏ cay cay và thơm nồng. Khi lần giở chiếc bánh gói, đầu tiên sẽ bắt gặp màu xanh nhạt của lá đon còn ươn ướt, nằm trên bề mặt bánh, sau đó là lớp bánh màu trắng, nhìn thấy được màu đỏ của tôm sáo vùng đầm phá, màu nâu trắng của thịt nạc mỡ đã được vằm vào nhau. Mùi thơm đặc trưng của lá đon trở dậy, xộc thẳng vào mũi kích thích khứu giác, tiếp đến là mùi thơm của bột và mùi bùi ngậy của nhân bánh. Trên bàn ăn, khi có bánh gói sẽ không bao giờ thiếu một đĩa thịt ba chỉ luộc vừa tới. Tôi thường không chấm bánh trực tiếp vào nước mắm, mà sau khi lột bánh bỏ vào chén sẽ gắp miếng thịt luộc rồi mới chấm nước mắm ruốc, sau đó, quét miếng thịt đó trải dài chiếc bánh để vị mặn mà, cay the vương đều trên bánh. Mỗi miếng bánh đưa vào miệng là vị mềm mịn của bột bánh hòa quyện vị béo ngậy của nhân bánh, thêm một chút mỡ màng của miếng thịt luộc và vị cay nồng của nước chấm.

Mỗi bận vợ chồng tôi trở vào Nam, mạ lại nhét thêm gói bánh vào hành lý. Ở xa quê, những khi hấp bánh ăn, chúng tôi lại như được nhìn thấy bụi lá đon phe phẩy trong gió trước hiên nhà, thấy bóng dáng mạ tất tả đi chợ, hì hục làm bột, làm nhân bánh. Tôi cũng không biết mạ đang gói những chiếc bánh nhỏ hay là gói ghém yêu thương vào trong ngọn lá đon màu xanh ngăn ngắt đó nữa!

Phước Ly
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose