Văn hóa Huế | Homepage

Huế gần 130 năm trước qua góc nhìn của bác sĩ người Pháp

🕔09.Aug 2020

“Cổng thành được canh giữ bởi lính Pháp. Bao quanh thành là tường lũy cao bằng gạch với rất nhiều súng đại bác bằng đồng hoặc gang bảo vệ, mỗi một cỗ đại bác được đặt dưới một mái hiên lợp ngói để che nắng che mưa”. Đó là một trong những mô tả của bác sĩ quân y người Pháp Charles – Édouard Hocquard về Kinh thành Huế gần 130 năm về trước trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”.

Hình ảnh Ngọ Môn trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”

Cuốn sách được xuất bản vào năm 1892 và vừa được cùng lúc hai công ty Omega+, Đông A Books cho dịch và xuất bản. Không dừng lại đó, Công ty sách Nhã Nam cũng đang tiến hành dịch và dự tính cho ra thị trường vào thời gian tới.

Ở đó, không chỉ thành Thăng Long và những địa danh miền Bắc như Bắc Ninh, Hưng Hóa, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, tác giả còn ghi chép khá chi tiết về thực trạng đời sống xã hội Việt Nam những năm 1884-1886, trong đó có Kinh thành Huế rất thú vị, khiến người đọc bất ngờ. Đi kèm với ghi chép cụ thể còn có hàng trăm hình ảnh minh họa được tác giả chụp lại cùng với hệ thống bản đồ. Tất cả những gì bác sĩ Hocquard ghi chép lại trong cuốn sách được xem là tư liệu quý.

Hocquard đã dành rất nhiều chương để nói về Kinh thành Huế mà trước đó chính tác giả đã vượt qua hành trình đi từ Lăng Cô, Chân Mây, lên Thuận An… Khi vào bên trong Hoàng cung, ông quan sát rất chi tiết: “Ở nơi xa nhất trong cấm thành, có một cái ao nhỏ lấy nước từ các hào bên ngoài thành, quanh bờ trồng cây. Giữa ao là một nhà sàn lớn. Đó là nhà kho, còn ao được đặt tên là hồ Cá Sấu. Trong triều người ta cho rằng cá sấu làm nhiệm vụ bảo vệ nhà kho, chống những kẻ bất lương xâm nhập. Vào lúc này thì không có loài vật ấy dưới làn nước ao phẳng lặng kia. Truyền thuyết trên có thể bắt nguồn từ mấy con cá sấu đưa từ Nam Kỳ ra tiến vua được nuôi tạm ở đây nên thành tên hồ thôi”.

Không chỉ vậy, ông còn được dự và chứng kiến quan cảnh Tết của người An Nam bên trong Hoàng cung. Bên cạnh những người đứng chầu chờ đón vua vào ngày mồng 1 Tết, ông kể lại còn có những con voi khổng lồ mà theo ghi chép: “Mình choàng vải thêu lộng lẫy, chân đeo vòng kim loại, ngà treo vòng chạm khắc lạ mắt, đứng yên không nhúc nhích, trên lưng có một người y phục sang trọng ngồi trong ghế bành dát vàng. Đó là một người đóng thế tượng trưng cho các lãnh chúa vùng biên cương đã thần phục triều đình từ xa về chầu. Sau lưng ông ta là một người hầu, đứng trên hông voi cầm lọng vàng che cho chủ”.

Khi vua Đồng Khánh xuất hiện, ông mô tả vị vua đi một đôi hia dát vàng, tay cầm hốt ngà, đầu đội mũ cùng màu với áo, đính kim cương ngọc trai và hoàng ngọc. Một loại huân chương gọi là king-canh (kim khánh) bằng vàng được đính ngọc trai to và hạt xoàn được đeo trên cổ bằng một dây chuyền vàng. Trên ngực áo đại trào thêu hai chữ Hán có nghĩa là “nghìn năm, nghìn đời” (hai chữ ấy là “vạn thọ”, có nghĩa như “muôn năm”).

“Vua Đồng Khánh vóc người tầm thước, da nâu nhạt, tương phản với màu y phục nên trắng hơn, làm nổi bật đôi mắt to, đen, rất linh lợi và rất hiền dưới đôi lông màu đẹp như vẽ, nét mặt cân đối, mũi thế là hẹp đối với người An Nam, chỉ miệng là hơi rộng, môi hơi dề” – Hocquard đặc tả chi tiết, qua bản dịch của dịch giả Đinh Khắc Pháp của Đông A Book.

Tác giả và những người đi theo đoàn còn được hoàng thượng tiếp riêng. Không gian tiếp đón được kể lại là một căn phòng giải trí của các hoàng tử được bày biện đủ các loại vũ khí. Vị vua còn cho ông và mọi người ngồi gần, bắt tay theo kiểu Pháp và đòi xem những bức ảnh đã chụp trong cung trước đó.

Người bạn Hocquard đã đề nghị vẽ chân dung nhà vua bằng màu dầu. Vua Đồng Khánh đồng ý và muốn được vẽ mặc triều phục. “Vẽ một vị vua An Nam chẳng phải là chuyện dễ dàng. Chốc chốc người mẫu vương giả lại rời vị trí đến nhận xét tác phẩm của anh bạn tôi, thêm nữa các màu nổi nhất của họa sĩ cũng không sao thể hiện được màu vàng của cái áo. Mặc khác Roullet (người vẽ) lại bị phân tâm… Sau khoảng 10 phút nhà vua mệt mỏi liền bế mạc buổi làm mẫu. Roullet hứa sẽ hoàn thành bức chân dung bằng trí nhớ và các tấm ảnh của tôi rồi gửi sang sau”. Ở đoạn cuối cuốn sách, Hocquard còn kể chuyện đi thuyền dọc theo sông Hương để thăm lăng mộ của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. “Lăng Gia Long phải hai ngày thuyền mới tới được”.

Nhật Minh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802,

Biểu tượng mùa xuân trên cổ vật của triều Nguyễn

Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Vua Thiệu Trị từng có bài thơ “Sông Hương”, tả cảnh một buổi sáng dạo

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose