Văn hóa Huế | Homepage

Mưa Huế

🕔16.Nov 2020

Sống hơn nửa đời người ở Huế, tôi mới chợt hiểu ra rằng, mưa Huế là cái gì thật khó nói. Khi ai đó kêu lên “mưa chi mà dữ rứa, thúi đất thúi trời” là lúc mưa lạnh kéo dài khiến cho bao công việc bê trễ. Ruộng đồng bỏ không mà nhà nông lại ngồi bó gối. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải chậm lại, thậm chí trì hoãn và đình đốn mà trời lại vẫn cứ mưa. Còn khi dân gian cứ mãi truyền tụng hai câu thơ bất hủ “Tứ thời giai hạ thị- Nhất vũ biến vi đông” (Bốn mùa đều là mùa hạ/ Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông) là đã chạm đến sự riêng tư. Mưa đã là thứ “đặc sản” của Huế. Và nói một cách hình ảnh như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, phải ngắm Huế trong màn mưa mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người Huế mình.

Tôi ở quê, một vùng ven đô Huế, nhà làm ruộng, xưa gia cảnh khó khăn nên sợ nhất là mưa. Đã mưa còn rét. Tháng Chạp, giêng hai mưa lạnh buốt chân, cóng tay, thương mẹ phải suốt buổi lâm thâm ngoài ruộng cấy. Buổi sáng đạp xe đến trường ướt át lại càng thấy lạnh lẽo hơn. Đêm ngủ, cái chăn mỏng tanh, nằm co rúm như con tôm luộc, mỏi nhừ. Nghe tiếng mưa rơi đì độp trên mái hiên tồn. Nghe tiếng gió rít nơi bụi tre đầu ngõ. Cứ mơ, giá Huế mình đừng mưa, đừng lạnh, đừng rét như thế… Vậy nhưng rồi, điều đọng lại trong ký ức nhiều nhất, thâm trầm và sâu sắc nhất với Huế lại vẫn là mưa. Gặp bạn bè một thuở ở xa, ký ức nhiều, kỷ niệm ùa về vẫn là cái gì đó ít nhiều có dính dáng đến mưa Huế, một buổi chiều lội lụt, một đêm đi chống lũ, một buổi tối giá rét tiễn bạn ở ga Huế ngồi quây quần bên ly trà nóng.

Người đời tính rằng mỗi năm Thừa Thiên Huế có lượng mưa 2.700 mm- 4.000mm, lớn nhất nước và số ngày mưa cũng kéo dài nhất nước, từ 200 đến 220 ngày. Người ta cũng đã chỉ rõ dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy song song bờ biển đến Huế – Thừa Thiên đột nhiên rẽ nhánh đâm ngang ra biển Đông, chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc khiến không khí lạnh tràn xuống bị chặn là nguyên nhân khiến cho vùng đất Cố đô mưa gần như quanh năm suốt tháng. Mưa nhiều là ở Huế. Mưa lê thê, mưa dầm dề kèm theo rét dai, rét đậm lại càng Huế hơn.
Xây dựng hệ thống các trường lang, cầu có mái che trong kiến trúc cung đình Huế hay phong cách sống xem trọng mái ấm gia đình là sự thích nghi của người xưa về mưa dầm xứ Huế. Với những ca khúc nổi tiếng lấy cảm hứng từ mưa Huế, những nhạc sĩ tài hoa của quê hương như Trịnh Công Sơn, Châu Kỳ muốn gửi tới bạn bè cùng kẻ tâm giao lời tâm sự, sự chia sẻ và nỗi niềm của xứ Huế nhiều mưa. Còn tôi đã nghĩ đó như một sự tích tụ, dồn nén để hình thành nên ý tưởng bất ngờ và thú vị khi người Huế tuyên bố khai thác mưa Huế như một đặc sản gắn với những sản phẩm du lịch trong mưa. Cả hàng tháng trời tầm tã mưa rơi là sự bức bối, bực bội nhưng bất chợt chẳng hạn có một buổi chiều cùng ai đó nhâm nhi tách cà phê ở quán Sông Xanh, nhìn ra phía bên ngoài mưa rơi, đập Đá chìm trong nước dâng. Đó là một trải nghiệm thú vị về mưa Huế.
Người Huế thường lãng mạn và đôi khi không được thực tế. Biết làm sao được khi như bây giờ đây bên ngoài trời vẫn cứ đổ mưa…

Đan Duy
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose