Huế phải luôn luôn mới!
Chương trình Huế Countdown 2021 – lễ hội âm nhạc và đếm ngược chào đón năm mới 2021 – vẫn diễn ra sôi động dưới mưa và giá lạnh của đêm giao thừa.
Vẫn sân khấu đặt ở ngã sáu trung tâm và các con đường dẫn về giao lộ này đều phải tạm cắt đường từ đầu buổi tối 31/12, nhưng không nghe ai than vãn hay phản đối gì như hồi Countdown 2020 – lần đầu tiên một sân khấu lễ hội bày ra giữa đường phố.
Vậy là người Huế đã quen với những lễ hội tổ chức trên đường phố. Lễ hội đường phố thì không thể tổ chức trong nhà hát hay sân vận động như một chương trình ca nhạc. Họ đã hiểu, để có lễ hội thì phải có không gian cho lễ hội, nên vui vẻ nhường đường. Và thực tế, đêm chào đón năm mới 2021, thành phố Huế không hề bị kẹt xe hay ùn tắc giao thông, chỉ là đi vòng thì xa hơn một chút, nhưng cũng chưa đến mức phiền hà.
Dân gian nói “chật nhà chứ chật chi bụng”, trong trường hợp này thì “chật bụng chứ chật chi đường”. Nhường nhau một chút mà có được một lễ hội vui tươi giữa đêm mùa đông lạnh giá, cũng đáng nhường lắm chứ! Sắp tới, khi Festival Huế sẽ tổ chức suốt bốn mùa, nghệ sĩ và du khách thập phương kéo về hội hè, thì người dân của thành phố lễ hội này còn phải nhường nhiều hơn nữa.
Huế phải luôn luôn mới để đón nhận cái mới. Đó cũng là điều lắng lại sau những tranh cãi gay gắt từ việc mặc áo dài chạy marathon diễn ra ngày 27/12 vừa qua. Vì tranh cãi, không phải để chứng tỏ ai đúng, ai sai, mà để cho cả người tranh luận lẫn người lắng nghe, nhận ra điều gì cần làm cho Huế. Mà một điều bức bách là phải làm cho Huế tươi mới hơn, trẻ trung hơn, để hội nhập với thế giới hiện đại.
Cũng nhờ cuộc tranh cãi gay gắt “mặc áo dài mà chạy marathon”, nhiều người trong đó có tôi, mới hay rằng áo dài đã từng chạy trên đường đua marathon ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Mới biết rằng đó là màn cosplay, một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo, kết hợp của hai từ “costume” (trang phục) và “role play” (hóa thân). Cosplay được hiểu là hóa trang nhập vai, để truyền đi thông điệp mà người chạy (runners) muốn gửi đến cộng đồng. Chẳng hạn, người chạy mặc trang phục hình cây cối, thú rừng để truyền đi thông điệp bảo vệ rừng. Cuộc đua marathon hằng năm ở Tokyo (Nhật Bản) không thể thiếu vận động viên mặc bộ trang phục truyền thống kimono của Nhật Bản; có người còn mặc cả bộ comple, cavat, xách cặp da như một nhân viên văn phòng trên đường chạy…
Cosplay là màn hóa trang sôi động thường diễn ra trong các sân chơi thể thao đại chúng của thế giới và nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng mới xuất hiện lần đầu tiên ở Huế. Cho nên màn “cosplay áo dài ngũ thân” trên đường chạy marathon đã gây bất ngờ cho không ít người Huế, trong đó có tôi. Bởi vì, chiếc áo dài đối với người Huế thường gắn liền với những lễ nghi cung kính, với phong thái trang trọng. Dù rằng áo dài không chỉ là lễ phục mà đã là thường phục của người Việt trong suốt cả mấy thế kỷ qua, trước khi được thay thế bằng bộ Âu phục. Cho đến thập niên 1970, người Huế vẫn mặc áo dài để đi làm thợ, đi chợ, bán hàng rong, nhưng để chạy nhảy trên sân chơi thể thao thì chưa. Vì vậy, có ý kiến trái chiều là khó tránh khỏi. Song cũng cần phải tiếp thu cái mới một cách chọn lọc. Đồng thời, cần phải linh hoạt khi đưa truyền thống hội nhập với hiện đại.
“Huế luôn luôn mới”! Câu nói đó cũng cần được hiểu rằng: Huế phải luôn luôn đổi thay mới mẻ, để sống với thời đại mới của nhân loại.
Minh Tự
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)
Similar Articles
Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá
Trên thế giới, nhiều thành phố mặc nhiên được người ta biết đến là những
Bệnh dịch và số phận của con người xã hội
Bệnh dịch không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học, chúng