Văn hóa Huế | Homepage

Để lại một “di sản xanh” cho hậu thế

🕔05.Feb 2021

Dạo trước, thấy ngoài Huế xôn xao với cuộc vận động và ý tưởng xây dựng “Thành phố 4 mùa hoa” với mong ước hoa sẽ được trồng trên khắp đường phố, công viên, công sở, trường học, bệnh viện… Tôi ở Đà Nẵng, không có đất cắm dùi nhưng cũng rạo rực hưởng ứng bằng cách thiết kế cho mình một khu vườn đặc trưng Huế trên sân thượng với những trà my, hàm tiếu, hồng cổ Huế… và gọi vui là thượng uyển.

Người dân đi dạo trong không gian xanh ven sông Hương (Ảnh: Võ Thạnh)

Trồng để ước mơ, như ông Phan Thiên Định – Bí thư Thành ủy Huế từng ví von trên trang cá nhân của mình: “Mỗi sáng ở châu Phi có một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị chết. Mỗi sáng ở châu Phi có một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, nếu không nó sẽ bị chết đói. Còn mỗi sáng ở Huế, bạn nên dậy thật sớm, đi thật nhẹ, hít thở thật chậm, thật sâu để lĩnh hội cho mình một sinh khí dịu dàng đến độ từ bi…”.

Vườn thượng uyển” nhà tôi có một loài cỏ quen mà lạ là thạch xương bồ – loài cỏ tạo nên tên tuổi và mùi thơm của dòng Hương trong truyền thuyết. Thạch xương bồ lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy, mọc rất nhiều ở hai bên bờ thượng nguồn sông Hương. Dạo trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông sau khi mất nhiều công sức tìm thấy loài cỏ huyền thoại này đã mang một ít thạch xương bồ về trồng, nhân giống và “phân phát” rộng rãi cho những ai lưu luyến. Thế là thạch xương bồ lần đầu tiên – là tôi chủ quan thế – vượt đèo Hải Vân về Đà Nẵng ngụ trong “vườn thượng uyển” của tôi với chút an ủi rằng “mình đang mang dòng Hương, mang Huế về nhà mình”.

Trong vườn tôi còn có một chậu thông gốc lớn sần sùi. Đây là thông Huế, loài 2 lá chứ không phải 3 lá như thông Đà Lạt hay thông đỏ quý hiếm trên núi thiêng Yên Tử ở phía Bắc. Là loài thông mà hơn trăm năm trước, trong một lễ tế Giao, vua Minh Mạng đã đồng ý cho các hoàng tử xuất cung theo đoàn Ngự đạo mỗi người được trồng một cây thông ở Trai cung phía sau đàn Nam Giao. Để rồi 20 năm sau quay lại Trai cung, hoàng tử Miên Trinh, lúc này đã là Tuy Lý Vương khi nhận ra cây thông mình trồng vẫn còn sống đã vui mừng làm một bài thơ cảm thán đại ý: Ông thấy vui vì cây thông vẫn sống kiên cường, bản lĩnh và cốt cách. Nhưng buồn vì bản thân mình sống không được như thông nên đành hẹn kiếp sau hóa thành hạc bay về chung sống…

Vườn tôi còn có cây ngô đồng cũng mang từ Huế về. Ngô đồng vương giả, bắt đầu từ một truyền thuyết vua Phục Hy bên Tàu thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây và chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua Phục Hy biết cây là gỗ quý, hấp thụ tinh hoa trời đất, có thể làm đồ nhã nhạc, liền sai người đốn cây xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên, Ðịa, Nhân. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được, liền đem ra giữa dòng sông nước chảy ngâm 72 ngày đêm, rồi lấy lên phơi khô, chọn ngày tốt, thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm.

Theo “Đại Nam nhất thống chí”, có lần vua Minh Mạng nhận được món quà từ Quảng Đông (Trung Quốc) là hai cây ngô đồng. Nhà vua rất thích nên cho trồng ở đôi bên góc điện Cần Chánh trong Đại Nội. Sau đó, vì say mê loài hoa tuyệt đẹp này mà nhà vua lệnh cho Bộ Công chọn người thông hiểu cây cỏ đi lùng sục khắp vùng rừng núi Trường Sơn tìm bằng được cây bản xứ. Hóa ra, loài cây quý hiếm này ở Việt Nam mình rừng nào cũng có. Sau đó vua Minh Mạng cho đem giống ngô đồng nội địa về trồng khắp ở các cung điện, lăng tẩm. Không những thế, khi cho đúc cửu đỉnh, để “tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại”… nhằm tượng trưng cho đế nghiệp bền vững của nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc trên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình – tức là Nhân đỉnh – các họa tiết thể hiện cây ngô đồng.

Tất nhiên, tôi không thể mang hết cỏ cây của Huế về nhà mình, bởi Huế hiện nay là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước với hơn 64.000 cây xanh đường phố với hàng trăm chủng loại, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1. Huế cũng là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước với hơn 750 ha trong tổng số 7.100 ha diện tích đất công cộng, đạt 18,5 m2/người (chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan). Huế cũng đã được Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) công nhận là “Thành phố Xanh quốc gia” đầu tiên của Việt Nam vào năm 2016 trong một cuộc thi có đến 125 thành phố của 21 quốc gia trên thế giới tham dự.

Huế đã và đang hướng đến xây dựng một hệ sinh thái rừng trong phố nhằm tạo sự khác biệt. Nói như ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong một bức thư gửi người dân mới đây: “Có thể một thời gian nữa nền kinh tế của tỉnh nhà mới theo kịp các địa phương bạn, nhưng điều mà chúng ta có thể tự hào và sánh vai với bất cứ đô thị nào về những giá trị văn hóa, lịch sử, con người và SẠCH, tại sao không?”. Và ông Phan Ngọc Thọ còn có một giấc mơ lớn hơn: “Một đô thị phát triển với nhà cao tầng có thể là một điểm nhấn trong thời đại này và nó như là một thước đo cho sự văn minh, hiện đại của một địa phương. Nhưng, một đô thị xanh, sạch sẽ là một sự khác biệt, sự đặc biệt trong chuỗi hành trình phát triển. Nếu lựa chọn sự khác biệt, nếu biết thích ứng với môi trường, Huế sẽ để lại được di sản tốt cho mai sau: Di sản xanh”.

Nhưng ước mơ về những khu rừng trong phố, một di sản xanh cho hậu thế không chỉ có mỗi dọn rác và trồng hoa như Huế đã và đang tiếp tục. Sự khác biệt và độc đáo sẽ tăng lên nếu Huế khôi phục lại những tuyến đường, “vùng trời” và loài cây đã hợp thổ nghi trong quá khứ từng vào thơ ca như mù u, ngô đồng, liễu rủ… Đến một hôm nào đó, tôi tùy hứng có thể phá khu “vườn thượng uyển” của mình đi và thay vào đó là những loài cây khác. Nhưng “di sản xanh” cho Huế thì phải là chuyện truyền đời…

Hoàng Văn Minh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose