Văn hóa Huế | Homepage

Qua đình, ngả nón…

🕔15.Jun 2021

Mỗi khi dừng chân trên cầu Vân Dương, tôi luôn thấy trái tim mình như được mở rộng hết cỡ. Tôi luôn tự bình chọn với niềm tin chắc chắn, trải qua bao biến thiên của thời gian, ở khúc sông Như Ý rực rỡ, vời vợi bao sắc mây trời, có ngôi đình Vân Dương cổ kính này, vẫn xứng là một trong những nơi xinh đẹp, thơ mộng nhất của thành Huế. Tôi vẫn hằng ngưỡng mộ tiền nhân đã đổ bao giọt mồ hôi, tâm huyết để lưu lại mái đình, cây đa bến nước trước ngã ba sông – nơi gặp gỡ, tiếp giáp ba miền đất Xuân Phú, Vỹ Dạ và làng Vân Dương cổ xưa.

Như Ý là một con sông đào dựa theo những ao hồ, kênh rạch có sẵn trong tự nhiên. Đây là hệ thống thuỷ nông của nhà Nguyễn trong việc kiến tạo một miền quê trù phú, an vui. Sông nhận nước từ dòng sông mẹ là sông Hương, bắt đầu dòng chảy từ Đập Đá, trôi nhẹ êm khoảng gần hai cây số để về tới làng Vân Dương. Như một con người nặng tình, sông mở lòng thành một ngã ba sông, rẽ dòng theo hai hướng đông bắc, đông nam đem nước về tưới tẩm đều khắp cho các làng quê miền hạ, giữ gìn nguồn sống an vui no đủ cho các ngôi làng cổ Vỹ Dạ, Vân Dương, Thuỷ An, Thuỷ Thanh… tạo nên những miền quê xanh mướt xanh, hiền hoà, xinh đẹp như ca dao.

Ngày đêm, lòng sông mở hết biên độ, thu nhận bằng hết ánh sáng rực rỡ của đôi vầng nhật nguyệt, tỏa chiếu vượng khí chan hoà, khiến cho làng quê thêm êm đềm, hưng thịnh. Đã bao lần, tôi ngẩn ngơ trước trời mây nước biếc thì cũng đã bấy nhiêu lần, tôi bâng khuâng tự hỏi có phải vì mây trời rực rỡ, đem lại vượng khí cho con người mà có tên đất, tên làng, tên ngôi đình… có tên là Vân Dương. Và, dòng sông nhờ thế, có tên  Như Ý (tên chữ là Thiên Lộc giang, sông Lộc Trời). Cảm xúc ấy luôn mới mẻ, tràn đầy mỗi lần tôi có dịp về ngang chốn đây. Ngôi đình đẹp trầm lắng, uy nghi hướng mặt ra ngã ba sông lồng lộng trời mây. Bây chừ đây tiếc là đã luôn đóng cửa, nhưng vị trí, kiến trúc vẫn như ánh hào quang rực rỡ cuốn hút, níu giữ hồn người. Sẽ là một câu chuyện dài nữa, nếu nói về vẻ đẹp của đình làng Vân Dương bên dòng Như Ý trong khu đô thị mới mang tên An Vân Dương.

Nhưng thôi, tôi phải viết về những nỗi niềm khác. Như một sự thôi thúc, chẳng đặng đừng. Chỉ cách khoảng tầm 15m, về phía trái ngôi đình, vốn có một con đường nho nhỏ ven bờ tây sông Như Ý, từ đình làng hướng vào phố. Cách đây chưa đầy 20 năm vẫn còn đi lại được. Bây chừ đã bị vùi lấp hết. Cỏ dại, nhà cửa chắn mất lối. Mỗi lúc nhìn, lòng bỗng chạnh nỗi niềm. Thêm nữa, lại giật mình, ngơ ngác vì rác đổ xuống nơi đây vô tội vạ!

Cả con đường đầy chất thơ vẫn âm thầm ngày lại ngày ngập dần rác rưởi. Chỉ vì một lý do đơn giản rằng, nơi đây giờ khuất vắng, lượng người qua lại thưa. Cứ quẳng rác xuống, chả ai thấy. Nguyên nhân chính vẫn là do người thiếu nhận thức, thiếu văn hoá, thiếu cả lòng tự trọng, cố tình lờ quên. Thật tình, tôi sợ rác thì ít, bởi rác có thể quét dọn được. Sợ nhất là thứ rác tồn đọng trong ý thức con người, không tự thanh lọc được.

Nhớ người xưa “Qua đình, ngả nón…”, tôi viết ra những dòng này với ước mong chỉ nay mai thôi, con đường trước đình làng Vân Dương lại xanh, sạch, đẹp xứng đáng với công đức tạo dựng của cha ông, đúng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Mong sao chốn linh thiêng xưa luôn được sạch đẹp yên vui, thanh bình trong một không gian phố hiện đại và cả trong lòng mỗi người hôm nay.

Triền Thảo
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose