Văn hóa Huế | Homepage

Lối về La Chữ

🕔09.Mar 2022

Những ngôi làng ven Huế hình như từ xa xưa đã có sự phân công nhau để gieo trồng những sản vật cho kinh đô xưa. Có làng trồng hoa, có làng cấy lúa, có làng trồng cây ăn trái… La Chữ là làng rau. Hai bên con đường độc đạo nối Quốc lộ 1 với làng La Chữ là những cánh đồng xanh với nhiều loài rau và lúa. Người dân vùng ngoại ô này vẫn tự hào rằng củ kiệu của cánh đồng mình là ngon nhất Huế.

Giáp Tết, những chiếc xe máy chở đầy củ kiệu nối đuôi nhau vô Huế cung cấp cho người ở phố mua kiệu phơi cho kịp nắng đông mà làm dưa món. Rồi cải bẹ, xà lách mùa này cứ xanh cánh đồng La Chữ. Rồi những vồng cải để giống hai bên đường ray xe lửa nở hoa đúng độ xuân về. Khi hoa cải đã tàn, chừng một tháng sau thì đến mùa hoa sen ngát hồng trên cánh đồng La Chữ. Mà làng La Chữ là làng rau nên hoa cải, hoa sen chỉ nở chơi điểm trang cho cánh đồng làng chứ chẳng ai bán hoa. Hoa cải hay hoa sen chờ kết hạt cho người.

Hoa sen La Chữ điểm tô cho vẻ đẹp làng quê. Ảnh: D.T

Có lần ra chơi nhà một người anh, tôi được nghe câu chuyện mấy anh em trong nhà bàn nhau là sẽ cùng dân làng phản đối một dự án xây dựng đô thị của một doanh nghiệp nào đó trên cánh đồng làng. Mà hình như không chỉ làng La Chữ, mà đã là dân quê thì chẳng ai muốn cánh đồng làng mình bị mất cả… Tôi thích cái không khí trên cái góc nhỏ tầng 2 ở làng La Chữ. Mỗi lần về quê, việc đầu tiên của anh là ở nhà cả một buổi chiều, bày biện đủ các món yêu thích rồi gọi vài người thân tới lai rai. Thiệt tình là anh khi mô cũng ưu tiên một chỗ cho tôi, nhưng tôi thì vì việc này, việc nọ nên khi đến đi không. Bởi vậy, mỗi lần đến chơi nhà anh thì lại thấy anh bày thêm một món ăn mới.

Gần đây nhất là món thân cây môn non nấu với loài tôm sông và lá lốt. Món này đúng là tôi mới thấy, mới ăn lần đầu tiên trong đời. Trong bữa ăn, mấy người tranh luận nhau về tên gọi của thân cây môn non này: chạc môn, dải môn, môn dảy… Chạc môn nghĩa là dây môn, dải cũng là dây môn. Nhưng môn dảy (nhảy) thì nghe lạ mà lại đúng hơn bởi vì những thân cây môn non này là những cây môn con nhảy ra từ những bụi môn ngọt, môn vôi to còn gọi là bụi mẹ. Người ta hái những cây môn non để khéo léo chế biến ra món ăn này. Theo lời của anh thì canh chạc môn này là món dành cho những người xa quê ăn vô để chống bẻ nước. Nghĩa là ai xa quê lâu ngày trở về, trước khi tắm phải ăn một tô canh chạc môn này để chống trái gió trở trời mà cảm sốt (ở quê tôi thì ăn mấy cái trứng gà luộc để chống bẻ nước). Mà mâm nhậu quê mùa nhà anh bạn thì đâu chỉ có một món như rứa. Chuẩn bị cả ngày, có thêm bà chị gái giúp một tay nữa nên anh giới thiệu hết món ni qua món khác. Món mô cũng ngon, cũng bắt mồi cả. Mà nói thiệt nhìn cái kiểu anh trân trọng từng món ăn của quê mình thôi cũng đủ thấy ngon rồi.

Đêm xuống. Cây bưởi bên nhà hoa tỏa hương trong tiếng kêu như gần như xa của mấy con ễnh ương bên ao nhà và cả tiếng loa truyền thanh thông báo về mùa vụ. Ông anh nói bà chị múc thêm một tô canh chạc môn nữa. Mắt anh long lanh nhìn mấy người bạn đang nói cười chuyện nọ chuyện kia. Tôi biết anh cũng như tôi đang bẻ lái về với tuổi thơ từ hương vị của quê nhà và niềm vui của bè bạn…

Phi Tân
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose