Bái vọng Gia Miêu
Sử cùng nhiều tài liệu còn rành rẽ. Chiều ngày 31/8/1945, trong lúc Bảo Đại còn đang hoàn thành việc bàn giao thì ông Tôn Quang Phiệt – Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế – chuyển đến cho cựu hoàng một bức điện khẩn: “Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết để ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất. Ký tên: Hồ Chí Minh”.
Ông Tôn Quang Phiệt kể lại, Bảo Đại đọc đi đọc lại bức điện, mặt tái đi. Sau này cựu hoàng bộc bạch rằng ông sợ đây là một cuộc đi đày trá hình!
Năm giờ sáng ngày 2/9/1945, hai ngày sau lễ thoái vị, công dân Vĩnh Thuỵ rời Huế ra Hà Nội, với chức vụ cố vấn của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chờ ông. Nhà nước mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có xe. Đoàn phải mượn hai chiếc xe riêng của cựu hoàng.
Xe thứ nhất chở Vĩnh Thuỵ, được Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến tháp tùng. Xe kia chở hoàng thân Vĩnh Cẩn (phái đoàn Trần Huy Liệu sau khi nhận ấn, kiếm đã lên đường ra Hà Nội từ hôm trước). Hành trình 600 cây số từ Huế ra Hà Nội đã được thực hiện trên hai chiếc xe tiện nghi nhất lúc đó, hiệu Mercury và Packard.
Trên đường ra Bắc, phái đoàn được dân chúng nhiều nơi nghênh đón thịnh tình. Có lẽ dân ta không phải chỉ nhằm đón chào ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến, vốn là cựu chính trị phạm Kontum, mà là cả cựu hoàng Bảo Đại – từ nay được gọi là Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ.
Đoàn phải liên tục dừng lại dọc đường, ngày cũng như đêm, để gặp gỡ nói chuyện với đồng bào chặn đón, uý lạo ở các địa phương dọc đường. Người ta khênh cả kiệu bát cống, kiệu long đình, bày hương án, giăng cờ đại, cờ đuôi nheo chỉ dùng trong các dịp tế, lễ trọng để chào mừng đoàn xe đại diện của Việt Minh chở Bảo Đại ra Hà Nội.
Bảo Đại không giấu được vẻ tò mò và có phần thích thú được ngắm nhìn dân chúng hồ hởi vẫy tay chào đón mình. Khác hẳn đám quan lại, chức dịch chỉ sụp lạy không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt vua.
Đoàn xe đã tới địa phận Thanh Hóa. Rồi một ngã ba gần Bỉm Sơn lối rẽ vào Gia Miêu Ngoại trang (sau này là xã Hà Long huyện Hà Trung, Thanh Hóa) của huyện Tống Sơn có Miếu Triệu Tường – nơi ghi dấu phát tích nhà Nguyễn.
Chừng như sực nhớ ra các tiền nhân nhà Nguyễn, những Gia Long, Minh Mạng rồi vua cha Khải Định… mỗi lần ra Thăng Long đều ghé nơi phát tích dâng hương, nên vua Bảo Đại, bây giờ là công dân Vĩnh Thụy, cho rẽ vào Gia Miêu. Nhưng đoàn xe vừa chớm vào lối rẽ thì một đội Tự vệ của chế độ mới chỉnh tề gươm súng đã ách lại.
Nguyên miếu (miếu Triệu Tường) – nơi thờ tổ tiên nhà Nguyễn ở Gia Miêu Ngoại Trang xưa. Ảnh tư liệu. |
Mặc dù có mặt của ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến ra sức giải thích rằng vua Bảo Đại- công dân Vĩnh Thụy chỉ ghé qua Gia Miêu dâng hương thôi nhưng đội tự vệ khăng khăng rằng không có lệnh của trên thì không được! Mọi sự liên lạc thỉnh thị ra Hà Nội lúc này thì không thể nên cứ dùng dắng hồi lâu…
Rồi một sáng kiến được đưa ra là Bảo Đại chỉ làm thủ tục bái vọng thôi!
(Về quyết định này, người thì nói của Bảo Đại, người thì bảo của ông Lê Văn Hiến? Cũng cần nói thêm, mãi sau này, người phụ trách Đội tự vệ này của địa phương tận năm 1963 mới bộc bạch trên tờ Báo Thanh Hóa đổi mới rằng, thấy Đoàn xe của Bảo Đại ghé vô Gia Miêu, ông đã đề cao tinh thần cảnh giác nghĩ ngay đến một âm mưu (?!) của bọn gián điệp Pháp và phong kiến nhà Nguyễn cấu kết với ông vua Bảo Đại vừa thoái vị liệu có ý đồ gì chăng nên đã quyết liệt ngăn cản?)
Không hiểu khi ấy kiếm đâu ra chiếc chiếu cạp điều cùng ít hoa quả. Chiếu được rải ra. Ông Bảo Đại cởi giày quỳ sụp xuống chiếu. Rồi cũng mau chóng xong thủ tục bái vọng liệt tông nhà Nguyễn.
Có lẽ lần bái vọng liệt tông ấy của cựu hoàng Bảo Đại là lần cuối cùng ở nơi phát tích nhà Nguyễn tại đất quý hương Gia Miêu ngoại trang.
Châu phê bằng ba thứ tiếng
GS. Trần Quốc Vượng luôn lưu ý những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về triều Nguyễn, đại ý rằng phải phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn. Thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn. Và trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng và các vua cuối triều Nguyễn như Tự Đức. Ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Lại càng nên phân biệt chính trị triều Nguyễn và học thuật của nền Quốc học Nguyễn.
Triều Nguyễn có thứ vô cùng độc đáo, duy nhất có ở quốc gia phong kiến phương Đông. Đó là Châu bản. Châu bản, năm 2014, được UNESCO công nhận là Di sản nhân loại.
Châu bản là những văn kiện dùng vào việc quản lý hành chánh điều hành đất nước từ năm 1802 đến năm 1945 của 13 triều vua từ Gia Long đến Bảo Đại. Châu bản, nghĩa đen là bản chữ son. Từ trào Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725) do kỵ húy mà chữ chu được gọi là châu. Chu là son. Châu bản là những bản tấu sớ đã được vua châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên hay châu mạt.
Điểm – phê – khuyên – mạt là những động thái của vua thể hiện thái độ chấp thuận hay từ chối trước một bản tấu của các quan về một việc nào đó.
Văn bản (bản tấu) gửi lên vua thường bắt đầu bằng một chữ tấu. Vua đồng ý chấp thuận hết thì chấm một chấm son lên đầu chữ tấu. Động thái ấy gọi là châu điểm.
Nếu vua không đồng ý hoặc chỉ chấp thuận một phần nào, hoặc cần thêm thông tin để quyết định việc thưởng phạt thì vua sẽ tự tay viết vào bản tấu gọi là châu phê.
Bản tấu ở dưới dâng lên về một danh sách về nhân sự hoặc vật phẩm này khác để vua lựa chọn. Nếu vua đồng ý người hay vật phẩm nào đó thì vua dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ trước tên người hoặc vật phẩm. Động thái ấy gọi là châu khuyên.
Cuối cùng, những bản tấu mà vua không đồng ý người và việc thì dùng bút son quệt lên tên người hoặc việc gọi là châu mạt hay châu cải. (Mạt nghĩa là bôi, xóa, gạch bỏ)
Trở lại Bảo Đại, vị hoàng đế không có tầm của tiền nhân như Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng Tự Đức (vua Tự Đức chữ đã tốt, văn lại hay, lời châu phê có khi lại dài hơn cả lời của bản tấu. Ai cũng kinh cái tài của ngài – Lời của Lệ thần Trần Trọng Kim).
Độc đáo duy nhất là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, vua Bảo Đại đã sử dụng ba loại chữ: Quốc ngữ, Pháp và Hán để phê duyệt tấu chương
Ngự phê bằng chữ Hán của vua Bảo Đại |
Ngự phê bằng chữ Hán của vua Bảo Đại |
Ngự phê bằng chữ Pháp của vua Bảo Đại |
Ngự phê bằng chữ Quốc ngữ của vua Bảo Đại |
Nội dung phút phê của vua Bảo Đại chỉ bàn về những việc liên quan đến tế lễ ban sắc bằng huy chương cho quan lại.
Mới đây, người viết bài này đã may mắn được Trung tâm lưu trữ Quốc Gia I cho sẻ chia và chiêm quan hàng chục tờ châu bản lưu lại bút tích của các vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức.
Ấn tượng bởi lời lưu bút trong 10 tờ châu bản có bút tích ngự phê của Bảo Đại bằng chữ Hán và 1 tờ bằng chữ Pháp cùng 1 tờ bằng Quốc ngữ như toát yếu trình độ cùng tính cách? Như chưa hẳn một ông vua mà người ta từng đồn thổi lẫn mặc định rằng chỉ biết săn bắn ăn chơi không quan tâm chi đến đời sống cùng thế sự?
Như tờ kính tâu của Viện trưởng Viện cơ mật, đại thần Nguyễn Hữu Bài, ngày 19 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 8 (13-2-1933) với nội dung: Nay vua (Bảo Đại) đi tuần thú Nam tuần bằng xe ô tô (không đi kiệu) thì văn võ hộ giá xe ô tô có nên theo đường ngự đạo từ giữa cửa Đại cung đến Ngọ Môn? Xin đợi huấn thị để tránh sai lầm.
Tôn trọng quyết định của quần thần thuộc hạ, vua Bảo Đại chỉ châu phê và châu điểm hai chữ “Đặc chuẩn”.
Đáng chú ý, trong các bản tấu của Viện Cơ mật và các quan về việc Dự trù ngân sách cho Nam Triều, sự kiện Toàn quyền vào Kinh, việc duyệt thành phần tham dự Lễ tế Nam Giao, sự kiện tiễn Khâm sứ đại thần Châtel về Pháp. .. cho tới những việc nhỏ như các thôn dâng tập điều trần, việc thăng thưởng nhân dịp năm mới, xin bổ chức Thủ hộ Phó sứ, xin thăng chức cho quan viên, thay Công sứ ở Đà Nẵng vv… lập luận, ngôn ngữ của những bản trình tấu bằng Hán văn từng qua tay những viên quan văn rất thạo ngữ nghĩa.
Vua Bảo Đại quyết định thoái vị, trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn |
Nếu không có trình độ tương ứng hoặc nếu không muốn nói là hơn thì làm sao trong những dòng ngự phê của mình, nhà vua có những lập luận sắc sảo để bắt bẻ, để phản bác? Như bản tấu của Viện Cơ mật về việc thay Công sứ Đà Nẵng, vua Bảo Đại đã có lời ngự phê gay gắt:
“Căn cứ bản sao dâng lên… thì việc đã để chậm trễ hai tháng. Chậm trễ lười nhác là thế, há cứ để yên? Trẫm rất không bằng lòng! Nếu mọi việc công cứ loanh quanh như thế thì chính thể Nam Triều sẽ ra sao?”.
(Nguyên văn chữ Hán có đoạn: Trẫm thậm bất bình. Nhược chư công vụ như thử nhân tuần cô tức Nam triều chính thể vị hà?)
Trước nay đã xôm tụ, đã cố hữu những sách vở cùng thông tin về một ông hoàng Bảo Đại với những cuộc tuần du đậm đặc thú ăn chơi khác người. Nhưng ngó qua trình độ Hán văn và những lập luận nhận xét đánh giá, qua những lời ngự phê, thấy dường như có một cựu hoàng Bảo Đại khang khác?
Tôi may mắn được thưởng lãm hai bản tấu chương bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ cùng những lời ngự phê. Nó phần nào toát yếu lên một vị vua không quan liêu. Như bản chữ Pháp của Chánh ngự tiền văn phòng về việc nhập quốc tịch Pháp của công dân Nguyễn Văn Chiêu nào đó.
Bản tấu, ghi “Theo quy định Sắc lệnh ngày 23-7-1937 người Đông Dương được người Pháp bảo hộ thì được nhập quốc tịch Pháp nếu được hoàng đế chuẩn y. Vậy kính xin Hoàng đế tài định. Nay kính tâu!”
Hóa ra vụ việc này sau khi nhận bản tấu, hoàng thượng đã cho điều tra kỹ. Sắc lệnh ấy không thể áp dụng chung chung! Dòng châu phê bằng tiếng Pháp của Bảo Đại như sau:
“ Nous décidons de rejeter la demande changement de nationaleté de NguyenVănChieu” (Bác đơn xin đổi quốc tịch của Nguyễn Văn Chiêu)
Bản tấu chương duy nhất bằng chữ quốc ngữ, có lẽ bản tấu và ngự phê cuối cùng (ngày 1/8/1945) tâu trình việc sử dụng tư thất của cựu Giám đốc Canh nông người Pháp để làm phòng giấy cho Nha Canh nông. Lời ngự phê cũng cụ thể, biểu hiện sự thông tỏ:
“Chuẩn tạm y cho để kịp mở trường nhưng Bộ Kinh tế nên trù liệu đưa Sở Thú y và Canh nông ra ngoài thành”.
Cụ Hồ cho người tìm
Như sử đã chép, trong thời gian làm cố vấn cho cụ Hồ, ngày 16/3/1946, cố vấn Vĩnh Thụy được cử tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh đi công cán.
Nhưng sau đó ông đã tách khỏi đoàn để tới Côn Minh rồi Hồng Kông. Tại Hồng Kông, ông đã thường lui tới các sòng bạc và sàn nhảy. Bảo Đại đã nhiều lần khiến các sòng bạc phải kinh ngạc vì những khoản tiền cược rất lớn trong các ván bạc.
Cụ Hồ và cố vấn Bảo Đại (bên phải ảnh) năm 1945. |
Dù biết các việc này nhưng Cụ Hồ vẫn nhẫn như không. Đầu tháng 12/1946, Cụ Hồ còn cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền và vàng qua Hồng Kông cho cố vấn Vĩnh Thụy chi tiêu. Kèm một bức thư.
“Ngài chớ quên rằng Ngài là đại diện cho nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ngài phải làm thế nào để đời sống của Ngài xứng đáng với cái tên mà Ngài đang mang, xứng đáng với Tổ quốc chung, với nền độc lập của chúng ta đến nay mới giành lại được”, thư viết.
Sau đó, Cụ Hồ lại trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài.
“Nhiều thành viên trong Chính phủ và bản thân tôi, tất cả đều là bạn của ông cố vấn Vĩnh Thụy, chúng tôi rất mong muốn gặp lại ông cố vấn và cầu mong ông cố vấn sớm trở về để cùng nhau lo việc nước. Nhưng cố vấn Vĩnh Thụy hiện nay (7/1947-XB) không thể rời Hồng Kông được. Chúng tôi xa mặt chứ không cách lòng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của cố vấn Vĩnh Thụy hiện đang ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho Chính phủ quốc gia mà cố vấn vẫn là thành viên”. (Trích lại của Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940-1952, Eïdition du Seuil, 1952, p.402).
…
Mạn khuất chỗ con hồ Ba Mẫu gần lối công viên Thống Nhất có một căn hộ xây cất giản dị. Đã bao lần ghé căn hộ ấy, chẳng hay người khác thế nào nhưng tôi đã phải ngập ngừng, rón rén.
Bởi đấy như là một góc của sử, một chứng nhân hiếm hoi (mà may mắn còn sống) của sử!
Chủ nhân căn hộ tuổi đã ngoại cửu tuần, cụ Bùi Nghĩa, người con út của cụ Bùi Bằng Đoàn.
Khó mà dứt mỗi khi được ngồi chuyện với cụ. Cứ như một cuốn sử dày dặn đã bện quện chằng chịt bao nhiêu là sự kiện? Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn – vị Thượng thư triều Nguyễn ra gánh việc nước. Lần mời thứ ba, cụ Bùi đã nhận lời.
Anh con trai út Bùi Nghĩa được cụ Đoàn cho theo hầu trong những ngày trên chiến khu Việt Bắc. Bùi Nghĩa được giao việc làm thư ký cho cha, Chủ tịch Quốc hội và cụ Tôn Đức Thắng – Phó cho cụ Bùi.
Khó hình dung chàng trai Bùi Nghĩa từng là sĩ quan pháo binh. Rồi theo nguyện vọng cụ Bùi, Bùi Nghĩa được chuyển sang dân sự đi học Trưởng Y Việt Bắc và sau này chững chạc vị thế cán bộ Y đầu ngành ở Bệnh viện Ung bướu Quốc gia cho mãi đến lúc hưu.
Cụ Bùi Nghĩa (bên phải) và tác giả Xuân Ba (năm 2019) |
Nhiều lần tôi nghĩ lẩn thẩn cùng tiêng tiếc, giá như cụ Bùi Nghĩa viết hồi ký nhỉ? Hồi ký, tại sao không? Là những dòng hồi ức của cậu con út Bùi Nghĩa dĩnh ngộ, mau mắn, thông minh từng được theo cha mình Bùi Bằng Đoàn, khi đóng chức Án sát Bắc Ninh, khi Tuần phủ Cao Bằng, Ninh Bình…
Tuổi hoa niên được cha cho đi học tại những vùng trị nhậm ấy. Lại được cho hầu trà tại nhiều cuộc thù tiếp. 12 năm ở Huế được ăn ở, học hành với cha là Thượng thư Bộ Hình là thành viên Cơ Mật viện. Lại được hầu cha những năm tháng khi cụ Bùi là Cố vấn của Cụ Hồ kiêm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi từng là Thư ký là giúp việc cho cha là Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng v.v…
Thử trích cái đoạn chuyện cụ Nghĩa mà có lẽ sử chưa kịp chép. Đó là một đêm xuân năm 1945, kinh thành Huế lúc chộn rộn, khi tĩnh lặng trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Người bên nội thị kinh thành Huế đưa sang tư gia Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn một chiếu thư của vua Bảo Đại. Bức chiếu ấy đặt hờ hững trên án thư nên cậu con trai Bùi Nghĩa mau chóng biết được nội dung: “Buổi chầu ngày mai chỉ có khanh và Trẫm…”
Tầm bảy rưỡi, cụ Bùi sai con trai Bùi Nghĩa cắp tráp theo. Đôi khi cụ vẫn cho cậu con trai út cái đặc ân theo hầu cụ dự những buổi chầu.
Vua Bảo Đại đang ngự trên ngai thân xuống cầm lấy tay viên đại thần Cơ Mật viện kiêm Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn. Buổi ấy tha thẩn trên nền điện rộng thênh là hoàng tử Bảo Long hơn Bùi Nghĩa 2 tuổi. Vua Bảo Đại khoát tay nói hai đứa ra ngoài chơi…
Mãi sau này Bùi Nghĩa mới biết bữa ấy đã diễn ra một sự kiện lịch sử của nước Nam. Triều đình Huế ra Lời tuyên bố Việt Nam độc lập và tờ phiếu xin từ chức của toàn thể Cơ Mật viện.
Sau này, vua Bảo Đại đã trở thành ông cố vấn Vĩnh Thụy. Một bữa ở Phủ Chủ tịch, ngài Bảo Đại đã cao hứng kể lại chuyện này cho cụ Hồ và chỉ về phía vị cố vấn Bùi Bằng Đoàn rằng, có vị này làm bằng.
Bùi Nghĩa khi ấy đương có mặt chứng kiến cảnh Cụ Hồ vẫy cụ Bùi và Cố vấn Vĩnh Thụy lại. Rồi cụ Hồ ngồi giữa, hai người ngồi hai bên. Hai tay Cụ Hồ giơ ra nắm lấy tay hai người.
Nếu có cuốn hồi ký, thì thể nào cũng có một khúc nhôi hấp dẫn.
Tiếc sử cũng chưa kịp làm cái việc ấy…
Sau Tết Sửu năm 1947, ở ATK Việt Bắc, Cụ Hồ thân đến gặp cụ Bùi (khi đó cụ Bùi vẫn khỏe, chưa bị bạo bệnh), Cụ Hồ đã ngỏ với cụ Bùi một việc cơ mật. Qua BS Phạm Ngọc Thạch, cụ Hồ biết cố vấn Vĩnh Thụy rất muốn gặp riêng cụ Bùi. Ông cố vấn Vĩnh Thụy muốn chuyện trò với cụ Bùi. Và chỉ có cụ Bùi mới góp phần quyết việc ông cố vấn có về lại Việt Nam hay không.
Anh con trai út Bùi Nghĩa khi ấy không biết được hai cụ đã trao đổi những gì. Nhưng cụ Bùi chỉ vắn tắt với con trai là có chuyến công tác sang tận Hồng Công. Sau đó cụ mới ngỏ hết là cái việc phải đi đón ông cố vấn Vĩnh Thụy về.
Chuyện biên ra thì dài. Có lẽ xin khất bạn đọc vào một dịp thích hợp. Nhưng vắn tắt là hai ông con, cụ Bùi Bằng Đoàn và Bùi Nghĩa, từ ATK Việt Bắc đã mất rất nhiều công sức để đến được đất Trung Hoa. Nhưng nhân mối cùng lộ trình đã bị lỡ dở bởi sự thám thính bủa vây cùng phá hoại của quân Tưởng Giới Thạch. Nhận được tin báo, thấy nguy hiểm, từ ATK chiến khu, Cụ Hồ nhắn hai ông con trở về Việt Bắc./.
Xuân Ba
(Theo VietTimes)