Đọc lại chương Ái dân trong Minh Mệnh chính yếu
Đọc lại chương Ái dân trong “Minh Mệnh chính yếu” chúng ta có thể rút ra được một số nét về vua Minh Mệnh như sau:
Nhà vua có một quan niệm khá đúng đắn về lòng thương dân.
“Trẫm nối nghiệp gian lao to lớn của đấng Tiên đế ngày đêm quên ăn quên ngủ, mỗi khi dân cùng khổ ngộ tai biến thì gia bội sự tu tỉnh bản thân, chỉ suy nghĩ việc thi ơn huệ, nuôi dưỡng con dân, ngày đêm tư lự không dám nghỉ ngơi, há lại tự hưởng giàu sang mà không thương dân hay sao?”
Nhà vua thấy nguyên nhân cùng khổ của dân là do bọn quan lại tham nhũng “Quan lại tham nhũng là giặc sâu mọt của dân, mà trộm cướp nổi lên cũng vì đó vậy. Điều đó là điều trẫm ghét cay ghét đắng”. Vua đã sai Phó đô thống chế Nguyễn Văn Hiếu, Hình bộ thượng thư Hoàng Kim Xán làm kinh lược Sơn Nam và Nam Định. Bọn ông Hiếu đến hai trấn ấy xét hỏi về sự tật khổ của dân, thẩm xét việc kiện cáo ngục hình, kiểm soát những quan lại tham tàn, không ai không kinh sợ.
Nhân những ngày khánh tiết lớn (ngày đại khánh tiết Từ khương Hoàng Thái Hậu thất tuần) – vua tha thuế cho các hạt trong ngoài trong năm ấy, cùng tất cả thuế tiền lúc còn thiếu từ các năm trước; phân biệt ban cấp cho các người già cả từ 80 tuổi trở lên tiền gạo, vải lụa. Có khi nhà vua quan tâm đến cả nắm xương khô ở dưới mồ. Năm Minh Mệnh thứ 20 gặp đại lễ Nam Giao xa giá vua đến vái cúng, vua thấy nhân dân tranh nhau xô đạp lên các ngôi mộ hai bên đường. Đến lúc xa giá vua về, vua xuống dụ nội các rằng: “Đầu năm tế lễ vốn là vì dân cầu xin thần nhân ban phước lành và vui vẻ cho dân mà dưới nghĩa trủng các nắm xương khô bị chà đạp lên như thế, mắt được trông thấy không khỏi động lòng trắc ẩn. Vậy ra lệnh cho các phủ thần Thừa Thiên: trước hết nên hiển sức cho dân biết là mỗi khi vua giá ngự đi qua nhân dân quây quần để xem, không được leo lên các ngôi mộ dẫm đạp, nếu trái lệnh sẽ bị đánh một trăm trượng và phạt đóng gông một tháng”.
Những lúc các địa phương gặp thiên tai hạn hán nhà vua chủ trương cấp phát cho các địa phương. Lúc đi Bắc tuần qua tỉnh Nghệ An, vua dụ rằng: “Tỉnh Nghệ An đất xấu dân nghèo, sự quẫn bách hơn cả các hạt. Nay lại gặp tai biến: như vậy trẫm rất thương xót. Ôi! Vua đối với dân, cũng như cha hiền đối với đứa con trẻ vậy, chưa lạnh đã nghĩ đến áo mặc, chưa đói đã nghĩ đến cho ăn no, há lại đợi cho đến lúc khóc hu hu rồi mới cho ăn hay sao?” Bèn khiến giảm thuế vụ mùa cho dân.
Đối với dân miền biển nhà vua xuống chiếu “Các cửa bể hay gặp tai biến nên dự trù tiền gạo để phòng giúp người bị tai nạn”.
Lúc nhân dân Quảng Trị phần nhiều bị cảnh điêu linh, vua truyền mở kho thóc, giảm giá, cấp phát cho dân. Thóc một hộc trị giá tám tiền, binh lính và dân được một hộc, những người góa bụa, cô độc được một nửa. Lúc các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh Thanh và Định Tường chứng ôn dịch làm dữ. Vua dụ các quan sở tại làm lễ kỳ yên. Người bị bệnh thì được cấp thuốc thang. Những người chết bất cần trai, gái, trẻ, già, đều cấp tiền tuất ba quan vải một tấm. Nếu hài cốt bộc lộ thì trích của công chôn cất.
Tại thôn Mậu Lương hạt Sơn Nam, nhà dân bị lửa cháy thiêu rụi hơn 80 nóc nhà, chết trên mười người, binh dân vì thế mà trốn chạy tán lạc. Quan Bắc Thành cho rằng lửa cháy chưa đầy một trăm nhà nên không đem việc ấy tâu lên. Vua nghe chuyện phán rằng: “Việc dân đau khổ tai biến như thế, mà cứ câu chấp thường lệ, thì sự uẩn khúc của dân làm sao đạt lên trên được?”
Nhà vua cũng nghiêm khắc trừng phạt những kẻ làm hại dân. Trấn Sơn Nam thuộc Bắc Thành bị vỡ đê. Lúc ấy con đê cũ của xã Lưu Khê bị Phó tổng Đặng Văn Mai đào trộm để bắt cá, khiến cho nước lụt vỡ đê, việc ấy đến tai vua. Nhà vua bèn chuẩn cho kịp thời lượng phát tiền gạo chẩn cấp cho những nhà dân bị tai nạn. Về ruộng lúa bị tổn hại thì đợi có khán án tâu lên sẽ được xét cho giảm thuế. Tội nhân Đặng Văn Mai bị chém ngang lưng, buông thây xuống sông. Lại chuẩn bị phái thêm binh lính cùng với dân chúng đắp lại con đê. Dân phu đều được cấp tiền gạo. Lại treo giải thưởng một ngàn lạng bạc, giao hẹn mùa thu năm nay mà gìn giữ đê điều chu đáo cho dân sự được yên lòng thì sẽ đem số bạc thưởng ấy quân cấp cho binh dân. Khi biết hạt Hưng Yên có cả nhà giàu quyên giúp cho dân nghèo khó được hai ngàn quan tiền, hơn sáu trăm hộc lúa, nhà vua đã quyết định ban khen cho một người có số quyên được nhiều – một bộ áo mão cửu phẩm, trọn đời được miễn thuế thân cùng công tác sai dịch, khen cho hai người đàn bà bốn chữ “lạc quyên nghĩa phụ”. Lại còn ban ân cho con hoặc một người cháu được trọn đời miễn thuế thân cùng các công tác sai dịch.
Đối với dân tộc ít người nhà vua cũng có những mối quan tâm thích đáng. Khi biết dân nước Chân Lạp bị đói, đến nỗi có người phải ăn tấm cám, nhà vua bèn dụ cho Trương Minh Giảng chuẩn cho hai tỉnh Vĩnh Long, Định Tường chuyên chở một vạn vuông gạo đến nơi phát chẩn để dân ấy khỏi bị xiêu tán.
Về việc giá cả nhà vua đã chú ý nâng giá đường cát cho hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Vua dụ rằng: “mua giá phải chăng, là việc ích quốc lợi dân, không nên tính toán so cò vậy. Thiết nghĩ những nhà sản xuất đường cát, suốt năm phải siêng năng vận động vật dụng và sức lực, rất là khó nhọc, nên cấp cho giá bán, để họ kiếm được đồng lãi khiến cho người dân vui vẻ đưa đường đến nộp”.
Nhìn chung, lòng thương dân của vua Minh Mệnh nằm trong khuôn khổ chế độ phong kiến. Nhà vua ban ơn cho nhân dân theo kiểu “phụ mẫu chi dân”. Nhà vua chưa tìm cách đưa dân thoát khỏi đói nghèo bằng con đường cải cách kinh tế. Tuy vậy chúng ta cũng thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà vua.
Trà Lê
(Theo Tạp chí Sông Hương)
Similar Articles
Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại
Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn
Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm
Trong chiến dịch tiến đánh Phú Xuân năm Giáp Ngọ 1774, Chúa Trịnh Sâm và
Việc vua Minh Mạng giết chị dâu vẫn còn là một nghi án?
Hoàng tử Cảnh (1780 -1801) là con trưởng của vua Gia Long. Trong thời gian
Chợt nhớ chuyện quan Phủ doãn từ chức
Một chiều thu, khi cùng anh bạn từ Hà Nội vào chơi, đi qua trụ