Như sáng ni, ghé hàng mắm thính cá chuồn gặp ngay một mệ đúng chất “ngày xửa ngày xưa” đang bập bập điếu thuốc Cẩm Lệ. Ngày trước mạ tôi cũng hút thuốc Cẩm Lệ, áo quần bộ nào cũng bị lủng lỗ chỗ vì tàn thuốc. Nhớ những ngày mưa mạ thường đi chợ mua cá chuồn thính về chưng với trứng vịt, khi ăn kẹp thêm thịt heo luộc, rau thơm, vả và chuối chát xắt mỏng. Những buổi cơm ấy ăn “lủng nồi trôi rế”.
Đi chợ ngày mưa bắt gặp một hình ảnh quen thuộc, nghe trong không gian thơm lừng mùi khói thuốc Cẩm Lệ nồng nồng, tự nhiên nghĩ “những bà mạ, bà mệ quê chân chất, hiền lành và nghèo khó này, đang giữ cái hồn của người xưa, cái tình của chợ xưa”. Các mệ dần vắng bóng, vắng từng người một để rồi khi thấy xuất hiện một người mà chỉ cần nhìn cách mệ cuốn điếu thuốc Cẩm Lệ là như thấy thời gian quay ngược trở lại của bảy mươi, tám mươi năm về trước, cái thời mà hút thuốc để giữ ấm “để chống lại mùa đông lạnh lẽo” như lời mạ tôi nói. Nhưng ngày nay, nhiều người trẻ trong gia đình đã nhăn nhó và bày tỏ sự quyết liệt khi muốn người già “nói không” với thuốc lá dưới mọi hình thức. Chung quy cũng là để bảo vệ sức khỏe của người già và góp phần phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Đi chợ gặp các mệ già là cảm được sâu sắc cái tình của đàn bà Việt, đó là đức hy sinh, chịu thương chịu khó không nề hà “quanh năm buôn bán” để nuôi con. Cái tình ấy ẩn trong những nếp nhăn trên trán, trên đôi má hao gầy đã qua thời xuân sắc, thấy rõ trên vai áo bạc màu cả một sự hy sinh âm thầm, nhận ra hương thơm của tâm hồn lương thiện, cố gắng nuôi con bằng những giọt mồ hôi và công sức vất vả của mình. Nhìn dáng mệ áo hoa lui cui với mớ rau, dáng ngồi lưng còm còm của mệ tóc bạc ở gian hàng cau trầu hay mệ hàng rau củ đang đếm đếm, cân cân, chăm chú như đang làm một phép thánh mới thấy các mệ rất nghiêm túc với công việc của mình. Có mệ tình thân như người quen, lâu không đi chợ khi gặp lại chưa kịp thăm hỏi đã được mệ hỏi thăm.
Chúng tôi, những người con của những bà mạ của nhiều miền, mỗi khi gặp nhau, kể về mạ mình, bà mình vẫn luôn thấy đó là một tượng đài của gia đình, tự hỏi phải thương thế nào cho đủ đây khi trong lời ăn, tiếng nói của các mệ ngoài ca dao, tục ngữ, còn nhiều chữ lắm nào “thương”, “cho”, “trao”, “nhịn”, “lành”. Chỉ những từ ấy thôi nên có lần khi nghe tôi nói về chuyện chúng tôi được khuyên phải biết “thương thân mình trước tiên” thì mấy mệ cười ngơ ngác, kiểu “Cái con ni nói chi mấy từ nghe lạ tai”.
Đôi khi chúng ta nói nhiều về hiện đại, về nhiều thứ của đời sống mới mà quên đi những lặng thầm làm nên những mảng sáng đạo đức trong con người từ những bà mạ quê ở chợ. Ấy là khi tôi nghe mệ già hàng mắm nói đơn giản “Tu chi cho bằng tu chợ con nghe, ở chỗ chợ đò, tu là cân đúng cân đủ, không lừa lọc người khác, có chi nói nấy. Tu chợ còn khó hơn tu chùa nữa đó con”.
Chị bạn của tôi vừa có chuyến thăm thân một tháng ở Mỹ, chị kể rằng có rất nhiều bà mệ qua Mỹ rồi mà vẫn “bòn” từng mớ rau trái trong vườn, nhờ con cái chở bằng ô tô đến chợ Việt Nam bán. Trải tấm ni lông, ngồi trên chiếc đòn gỗ, mệ bán những món hàng cây nhà lá vườn để “kiếm thêm vài đồng gửi về cho cháu ở quê”. Cái đức tính thương con, thương cháu cho đến cuối đời ấy đã trở thành một phẩm chất nổi bật của những bà mạ, bà mệ Việt Nam.
Trong bóng dáng những bà mệ quê, tôi nhìn thấy mạ mình, bà mình, thấy cả bóng dáng của mạ, của bà bạn mình. Tôi thấy một chữ “thương” đầy trong mắt, một chữ “thương” run run trong đôi tay gầy… một chữ “thương” muốn che hết mưa gió cho con cháu như vừa mới gần đây tôi thấy chữ “thương” da diết của bà ngoại trao cho đứa cháu gái trong ngày vu quy…
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)