Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’
Huế được xem là vùng đất của những ngôi chùa cổ kính vừa linh thiêng vừa có lối kiến trúc độc đáo, trong đó không thể không nhắc tới Huyền Không Sơn Thượng (hay còn gọi là Huyền Không 2). Chùa nằm ở thôn Chầm (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách trung tâm TP Huế khoảng 15km về phía tây. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989.
Thượng tọa Giới Đức còn được biết đến với bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh, là một người giỏi thơ văn, am tường hội họa và thư pháp và là một cao thủ cờ tướng. Chùa Huyền Không Sơn Thượng tuy chưa có bề dày lịch sử và kiến trúc không bề thế nhưng mang vẻ đẹp cuốn hút, hài hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên.
Chùa nằm lưng chừng núi, có không gian vô cùng xinh đẹp với rừng thông Vạn Tùng Sơn cùng những dãy núi hùng vĩ bao quanh. Du khách đi khám phá Huế sẽ cảm nhận được ngay bầu không khí mát lành, trong trẻo khi vừa đặt chân đến. Men theo con đường dẫn vào chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh hài hòa, gợi nhớ về một bức tranh thủy mặc thanh tĩnh với tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng kêu lao xao. Tất cả tạo nên một nét an yên đến lạ, khiến chúng ta rũ đi bao muộn phiền, căng thẳng lại phía sau.
Với địa thế “hướng sông Hương, tựa núi Ngự”, khung cảnh ở Huyền Không Sơn Thượng mang vẻ đẹp được ví như một bức tranh thủy mặc nhờ thời tiết mát mẻ cùng không gian yên tĩnh đến độ có thể nghe thấy tiếng côn trùng râm ran, tiếng chim hót hay tiếng lá xì xào.
Quần thể chùa Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc trên diện tích khoảng 10.000m2, trong rừng thông rộng 50ha. Các hạng mục trong khuôn viên chùa đều nhỏ xinh, ẩn mình vào thiên nhiên, được chia làm hai khu vực: nội viện dành cho sư tăng và ngoại viện là nơi thờ cúng, sinh hoạt chung. Du khách có thể tham quan chánh điện, am Mây Tía, Nghinh Lương đình, nhà khách, Chúng Hòa đường, Tĩnh Trai đường, tăng xá, vườn cây cảnh và các công trình phụ trợ khác.
Các công trình chủ yếu được làm từ gỗ hài hòa với thiên nhiên. Chánh điện nằm ở giữa, đơn sơ, mượn cốt một ngôi nhà trường Huế. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, lợp ngói vảy cá mang phong cách Huế. Bên trái là nhà đọc sách, bên phải là nhà sinh hoạt, rải rác phía sau là những căn nhà gỗ nhỏ để tiếp khách, đàm đạo, luyện thư pháp. Đi tiếp theo các bậc thang đá của lối đi chính, du khách sẽ đến tháp chuông – nơi có thể nhìn toàn cảnh ngôi chùa từ trên cao.
Vì chùa nằm trên núi cao, cây rừng và hồ nước bao quanh nên không khí ở đây ôn hòa, dễ chịu quanh năm. Trong khuôn viên chùa đặt nhiều tượng Phật, trồng nhiều loại cây cảnh như hoa sứ, sử quân tử, phong lan, vạn tuế, trúc, mai, phượng, tùng… Các hồ nước trong khuôn viên chùa thả hoa súng, hoa sen. Một cây cầu cong cong duyên dáng bắc lối vào đảo trên hồ.
Do nằm trên núi cao và ẩn trong rừng nên khí hậu nơi đây luôn mát mẻ, dễ chịu. Du khách sau khi tham quan, chiêm bái có thể nghỉ chân trong không gian ngập tràn màu xanh, lắng nghe tiếng lá xào xạc, tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim hót líu lo.
Xen lẫn trong không gian của kiến trúc và cây cối là những bức thư pháp trên các chất liệu giấy, gỗ, đá của Thượng tọa Giới Đức. Những bức thư pháp đề thơ, câu đối chữ Việt với nội dung về Phật pháp, phong cảnh thiên nhiên, đạo lý… Chẳng hạn như:
“Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối,
Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn!”
Cảnh sắc thiên nhiên đẹp và khoáng đạt, không gian yên bình khiến chùa Huyền Không Sơn Thượng được ví như chốn bồng lai nơi trần thế. Nếu có dịp đến Huế, hãy thử dành một buổi sáng sớm đến với chùa Huyền Không Sơn Thượng. Ai đến đây cũng đều muốn nán lại thêm để hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không gian yên bình, tĩnh lặng.
Quỳnh Như
(Theo Người quan sát)
Similar Articles
Phủ đệ – nơi lưu giữ Huế xưa
Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng
Khám phá Tam Giang – Đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á
Ngoài đền đài, lăng tẩm..., xứ Huế còn có sản phẩm du lịch mang tên
Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế
Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không