Những ngôi biệt thự trăm năm tuổi sáng lên trong màu vàng của ráng chiều. Bảo tàng mở cửa, du khách sau buổi xem tranh đều không thể bỏ qua sự mời mọc của một không gian tràn ngập ánh sáng mùi hương mát lành của ngọn gió sông Hương.
Đang mùa hoa ngô đồng nở. Những mái điện, tường thành bên sông Hương được phủ tràn sắc hồng phấn mơ màng kiêu sa và quyến rũ. Đây là loài hoa quý được Vua Minh Mạng yêu thích mang về trồng trong cung điện và khắc lên Cửu Đỉnh đặt trước sân Thế Miếu. Loài hoa vương giả này đã vượt cấm thành ra bến Thương Bạc, Phu Văn Lâu. Và ngay nơi chúng tôi đang đứng, cây ngô đồng trong công viên Tứ Tượng đang mùa ra bông. Sắc hồng tím phớt mong manh như tấm khăn hoa dịu dàng tô điểm bờ sông những mảng màu trìu mến.
Ngang qua cây phượng già thần thánh góc cầu Trường Tiền, nghe vọng từ phía nhà Kèn giàn nhạc đang chơi hòa tấu. Hơn 100 năm trước đội kèn hơi đầu tiên của nhà binh Pháp trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ đã chơi ở đây. Cho đến năm 2018 đội kèn đã được phục dựng và phát triển trở lại.
Tôi gặp bản Toccata mở đầu chương trình thật ấn tượng. Bản này tôi đã nghe Paul Mauriat chơi trên đĩa CD nhiều lần. Tiếng Ý “Toccare” nghĩa là “Chạm nhẹ”. Buổi chiều tà bên sông, sương như khói kéo về mang mang mặt sóng. Đàn bồ câu thân thiện sà xuống sân chơi cạnh những người đứng nghe nhạc.
Chiều tà là khoảng thời gian Huế thiệt Huế nhất. Tôi từng nghĩ thế khi ngắm mặt trời đang từ từ lặn. Một màn sương khói lễnh loãng đâu đó từ phía Thiên An, Vọng Cảnh. Mùi hương mộc nhài lan hoa từ những khu vườn thâm u kín cổng, cả nén trầm thơm tinh dầu gỗ ai vừa đốt lên. Sông Hương đằm trong sắc tím huyền hoặc. Người trên phố dưới thuyền thong thả đón chiều về như đang được nghe một bản nhạc êm dịu mà trời đất nơi đây tấu hòa ban tặng.
Qua chiếc cầu gỗ lim, hơi thở như chạm thấu mùi rong rêu hương thạch xương bồ và đây đó cả mùi mồ hôi mưu sinh trên áo người cầm lái thu lưới xuôi dòng cập bến. Có tiếng sáo vút lên phía chân cầu Trường Tiền. Và trăng đang lên. Mảnh trăng vàng cong cong vượt qua ngọn hàng cây đoác rù rì. Nhắm mắt hít luồng gió thơm tho từ dòng sông, tôi nghe tiếng đồng quê gọi về. Nhớ những vạt áo dài gánh mưa nắng ngày hai buổi qua chợ Đông Ba, An Cựu. Nhớ những đứa trẻ xách thùng gỗ đánh giày hay bán carem của mấy mươi năm trước. Và từng có những mùa dài nước mắt ai đó rơi xuống lan can rỉ sét chiếc cầu kia.
Tiếng sáo bên sông Hương đêm đêm là của một chàng sinh viên xa quê. Cậu được nhận món tiền ít ỏi của du khách trân trọng đặt trong chiếc hộp. Nhưng niềm vui của em là được cất lên giai điệu man mác vỗ về giữa trời đất sông nước dòng Hương buổi chiều tà. Khúc nhạc như tiếng đồng quê, như một cánh chim bay vút lên từ mặt sóng. Người ngang qua thoáng bâng khuâng…
Chiều về dọc bờ sông chừng hơn cây số đã có ba bốn địa điểm chơi nhạc. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu có băng nhạc trẻ đang chơi những ca khúc thịnh hành. Vòng trong vòng ngoài luân phiên cầm mic. Họ rạng rỡ say mê cất tiếng. Đầu cầu gỗ lim ngay bậc cấp chạm mặt nước mấy cây ghi ta bập bùng hòa tấu. Giai điệu vui nhộn hòa cùng bước chân du khách dưới ánh trăng.
Tôi nghe những giai âm hòa quyện trong bầu không khí dìu dịu mát lành. Tiếng búng nước của bầy trắm, bống hoa qua màn rong rêu. Tiếng cỏ cây đôi bờ nhú chồi trích nụ. Có điều gì đó thật giản dị ấm áp cùng với âm nhạc mang lại. Thứ âm nhạc do con người trình tấu hòa quyện cùng trái tim thiên nhiên là những giai điệu có mặt khắp mọi nơi. Ở đó, chúng ta thấy mình được nâng niu, được chữa lành cùng với những tin yêu và hy vọng.