Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế
Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử và kiến trúc độc đáo mà còn phong phú về các làn điệu dân ca. Trong đó, Hò Huế trên sông Hương là một bản giao hưởng sống động, gắn kết thiên nhiên với con người.
Hò Mái nhì, Mái đẩy: Âm vang sông nước
Hò Mái Nhì là một điệu hò sông nước đậm chất dân tộc, mang phong cách rất đặc trưng của Huế. Điệu hò này có thể được trình diễn đơn lẻ hoặc trong các cuộc (hò đối đáp), đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của người dân, đồng thời là phương tiện để người hò gửi gắm tâm tư tình cảm của mình. Trên dòng sông Hương lặng lẽ trôi qua thành phố Huế, điệu hò Mái Nhì kéo dài bất tận, lửng lơ trong không gian, hòa quyện với thiên nhiên tạo nên một sức mạnh riêng, làm say đắm lòng người.
Ai đã từng qua Huế, đã từng đi trên dòng Hương mà không xao xuyến bồi hồi khi từ trời nước mênh mang, vọng lại câu hò:
Đò từ Đông Ba, đò qua đập Đá, đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình,
Lờ đò, bóng ngả, trăng chênh, giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non.
Mà không nao lòng trước một lời than:
Thuyền ai trôi trước
Cho tôi lướt đến cùng
Chiều đã về trời đất mông lung
Cô phải duyên thì xích lại
Đỡ não nùng tiếng sương.
Hò Mái Nhì là điệu hò nổi tiếng nhất, với âm điệu buông lơi, man mác, thường khởi đầu bằng lời ướm hỏi dịu dàng của một người (hò gần). Khi có người đáp lại, cuộc hò kéo dài dọc theo dòng sông, tùy theo cảm xúc và tình cảm của những người tham gia. Cuộc hò chia làm ba phần: Lời chào hỏi, lời trao đổi tâm tình và những câu hò hẹn. Giai điệu trầm bổng, mang đậm ý tứ sâu sắc.
Trai:
Em về ngược gió sang mưa
Thuận buồm xuôi gió biệt mông xa chừng
Em về anh cũng muốn về theo
Lên truông cát nóng lội đèo đá dăm.
Gái:
Cát nóng em đưa lưng em cõng
Đá dăm em lượm sạch đường anh đi.
Gần gũi với Hò Mái Nhì là Hò Mái Đẩy, một điệu hò rắn rỏi và dồn nén, thường vang vọng trên những khúc sông nước xiết hay đầm phá sóng to, gió lớn. Điệu hò này thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát, phản ánh sự vững vàng của người lái đò trên dòng sông đầy thử thách.
Những điệu hò trên đất kinh kỳ
Hò Bài Chòi, hay còn được biết đến với tên gọi Hô Bài Chòi, là một hình thức vui chơi mang tính văn nghệ độc đáo và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Thừa Thiên – Huế vào dịp Tết Nguyên đán. Trước đây, tại phiên chợ Tết Gia Lạc (ngoại ô Huế) diễn ra vào mồng một Tết, tiếng Hò Bài Chòi rộn ràng luôn chào đón bà con đến chơi Xuân tại bến đò Gia Lạc.
Mười một cái chòi được dựng lên theo hình chữ U, mỗi chòi cao ngất ngưởng và được treo một tấm mành tre kín đáo, cho phép người chơi bài vừa theo dõi ván bài vừa thưởng thức mứt gừng, mè xửng hoặc nhấm nháp rượu với nem chua. Tiếng đàn, sáo phụ họa theo tiếng rao bài tạo nên không khí vui tươi, sôi động.
Mỗi lần có người thắng cuộc (tức là ù), dàn nhạc gồm đàn, sáo, trống, kèn lại rộn ràng nổi lên cùng với tiếng pháo nổ chào mừng. Người rao chòi trịnh trọng mang phần thưởng trên chiếc khay nạm khảm xà cừ đến tận chòi người ù, và cắm lên đó một lá cờ đuôi nheo bằng giấy hồng. Tiếng pháo lại nổ vang khi người thắng cuộc tự đốt giấy, báo hiệu cho các chòi bạn và người xem sự vui mừng của mình. Giữa làn khói tỏa, đội múa lân cùng với ông Địa tiến ra giữa khu chòi, nhảy múa rộn ràng để chúc mừng người thắng cuộc trong tiếng trống liên hồi giục giã.
Nếu coi câu hò là nhịp cầu giao cảm giữa những tâm hồn đồng điệu, thì hò giã gạo chính là thể loại tiêu biểu nhất. Hò giã gạo không chỉ lôi cuốn người đang giã gạo mà còn thu hút cả những người đứng xung quanh cối giã. Những cuộc hò này thường diễn ra vào đêm trăng thanh gió mát, khi mọi công việc trong nhà, ngoài đồng và việc làng đã hoàn tất. Hò giã gạo có thể diễn ra một cách hồn nhiên hoặc có tổ chức (thường có treo giải thưởng) và bao gồm ba giai đoạn: Hò mời – hò chào, hò vào cuộc và hò xa cách. Hò mời là lời xướng đầu tiên, thúc giục và kêu gọi các nhóm cùng tham gia. Hò chào là để làm quen và dẫn dắt đến phần chính của cuộc hò, tức là hò vào cuộc, bao gồm hò gần (hò hỏi), hò đám bát, hò đổ và hò ân tình. Phần diễn xướng chủ yếu của cuộc hò giã gạo là hò dám bắt và hoàn tình. Vì vậy, phần này luôn sôi động, khiến đám đông người nghe hào hứng, bình phẩm rôm rả, và càng về khuya càng trở nên sôi nổi hơn, cuốn hút người nghe say sưa và mải mê trong cuộc.
Hò đưa linh, còn được gọi là hò bả trạo, hò chèo cạn đưa linh hay hò đưa linh tập chèo, là một điệu hò nghi lễ gần gũi với vòng đời con người. Trong hành trình âm nhạc của cuộc đời, từ tiếng hò ru con êm dịu, cuối cùng sẽ khép lại bằng những điệu hò đưa linh. Điệu hò này kết hợp với tiếng kèn, trống và những điệu múa để xoa dịu nỗi đau của cảnh sinh ly tử biệt, bằng những lời tâm sự cuối cùng mang đậm tính nghệ thuật của người sống tiễn đưa người đã khuất đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
Về trình tự, hò đưa linh gồm ba giai đoạn: Hò trong nhà buổi tối trước ngày đưa tang, hò trong lúc đưa tang (trên đường đi và lúc dừng lại để tế tại một ngã ba đường, còn gọi là tế đạo trung) và hò lúc hạ huyệt. Hò đưa linh bao gồm nhiều điệu, nhiều khúc thức mang tính chất kể lể, lâm ly, ai oán.
Trong lúc hò, có múa kèm theo. Một nhóm múa gồm từ 4 đến 8 người cầm bơi chèo dưới sự chỉ huy của một người cầm đầu gọi là ông cai giang, vừa hò vừa múa với những động tác nhịp nhàng mô phỏng động tác chèo thuyền quanh chiếc quan tài, được hình dung như đang trôi trên một con thuyền với 1 hoặc 8 người chèo, và đám bạn chèo là người cầm lái.
Hò Huế là sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc dân gian và văn hóa Huế, tạo nên một bản giao hưởng sống động và đầy cảm xúc. Từ những điệu Hò Mái Nhì, Mái Đẩy mạnh mẽ, đến những tiếng Hò Giã Gạo vui tươi, hay Hò Đưa Linh ai oán, tất cả đều phản ánh sâu sắc tâm hồn và cuộc sống của người dân Huế.
Năm 2015, Hò Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 08 tháng 6 năm 2015. Đây là một cột mốc quan trọng, khẳng định giá trị văn hóa đặc biệt của Hò Huế và những nỗ lực bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống này.
Nguyễn Hữu Mạnh
(Theo Lao động)
Similar Articles
Gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại
Suốt quá trình lịch sử, các thế hệ gia đình Huế đã hình thành và
Phiên chợ lâu đời nhất xứ Huế, tồn tại hơn 170 năm dù đã có lúc thất truyền
Phiên chợ Gia Lạc mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt, gợi nhớ về
Khám phá Tam Giang – Đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á
Ngoài đền đài, lăng tẩm..., xứ Huế còn có sản phẩm du lịch mang tên