Văn hóa Huế | Homepage
Những bằng chứng chủ quyền quốc gia trong “Mộc bản triều Nguyễn”

Những bằng chứng chủ quyền quốc gia trong “Mộc bản triều Nguyễn”

🕔16.Sep 2013

Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt – Lâm Đồng) gồm 34.619 tấm, là một nguồn tư liệu có tính chính xác cao. Trong nhiều vấn đề xã hội mà khối Mộc bản triều Nguyễn đang hàm chứa có phản ánh rõ ràng về việc vua Gia Long thực hiện chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Mộc bản đã phản ánh những việc làm cụ thể của vương triều Nguyễn trong thời Gia Long là Hoàng đế về những việc làm trong quá trình khảo sát thủy trình ra Hoàng Sa. Trong 18 năm trị vì đất nước (1802-1820), dù có nhiều công việc phải làm để củng cố vương triều, nhưng vua Gia Long cũng không quên việc phái quân ra biển, đảo để khẳng định chủ quyền của vương triều đối với các đảo và quần đảo, nổi bật là những việc làm tại quần đảo Hoàng Sa.
mộc bản triều nguyễn
Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” nói về việc vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh và đội Hoàng Sa ra thăm dò đường biển. Ảnh tư liệu

Hải đội Hoàng Sa vốn được thành lập từ thời các chúa Nguyễn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải và khai thác các sản vật trên biển. Trước thời Gia Long thì lực lượng chủ yếu của hải đội Hoàng Sa là những người ở các xã: An Vĩnh, An Hải và An Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi). Hiểu được vai trò to lớn của hải đội Hoàng Sa nên vua Gia Long đã cho lấy thêm người dân tại các địa phương khác bổ sung vào đội Hoàng Sa để củng cố thêm sức mạnh của đội quân này nhằm đối phó với những biến cố có thể xảy ra trên vùng lãnh hải. Khi lên làm Hoàng đế của triều Nguyễn, Gia Long đã tổ chức lại đội Hoàng Sa mạnh hơn cả về vai trò lẫn tổ chức hoạt động.

Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 22, năm Gia Long thứ 2 (1803) có chép: “Tháng 7, lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

Bên cạnh việc chỉnh đốn lại đội Hoàng Sa, triều Nguyễn nói chung và vua Gia Long nói riêng đã thấy được sự cần thiết việc hành trình ra Hoàng Sa bởi đây là nơi ở xa phần đất liền. Vì vậy, nhà vua đã cho quân ra thăm dò đường biển để khảo sát lộ trình ra quần đảo này. Đây là việc làm thể hiện một tầm nhìn xa vì Hoàng Sa là một quần đảo tiền tiêu nằm ở phía đông có liên quan đến chủ quyền của đất nước. Gia Long xem Hoàng Sa như một tấm bình phong nhằm đề phòng những cuộc tấn công của các thế lực trong và ngoài nước. Khảo sát thủy trình ra Hoàng Sa có mục đích lâu dài và trên hết đó là việc tối quan trọng để giữ vững được quần đảo này.

mộc bản triều nguyễn
Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” phản ánh vua Gia Long cho Võ Văn Phú mộ dân bổ sung vào đội Hoàng Sa. Ảnh tư liệu

Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 50, năm Gia Long thứ 14 (1815) chép rằng: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là những người của Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

Công việc thăm dò đường thủy ra Hoàng Sa không chỉ làm trong một thời gian ngắn mà được kéo dài qua nhiều năm bởi đây là việc rất khó khăn. Trong quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa, thăm dò đường biển là nhiệm vụ bắt buộc vì đó không chỉ thuận lợi cho việc khai thác sản vật mà còn rất quan trọng để triều đình đối phó khi Hoàng Sa có những biến cố xảy ra. Đội Hoàng Sa thực hiện những công việc theo sự chỉ đạo của triều đình và mỗi khi thực hiện xong nhiệm vụ tại Hoàng Sa và các vùng biển khác, hải đội Hoàng Sa phải báo cáo công việc với triều đình.

Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 52, năm Gia Long thứ 15 (1816) ghi rõ: “Tháng 3, sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”.

Trong thời gian làm Hoàng đế, vua Gia Long đã 3 lần phái quân ra Hoàng Sa thực hiện công việc đo đạc thủy trình. Những việc làm của vua Gia Long khẳng định sự thống nhất toàn vẹn của vương triều vì phần lãnh hải không thể tách rời với lãnh thổ đất liền. Những việc liên quan đến Hoàng Sa không phải là việc riêng của cá nhân hay bộ nào, mà đó là việc chung của toàn bộ vương triều. Vua Gia Long muốn lấy cái uy của người cai trị thiên hạ để hướng ra phần biển, đảo bằng những việc làm cụ thể. Những việc làm của vua Gia Long trong thời gian ông trị vì đất nước là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của Hải quân triều Nguyễn các đời vua sau. Qua Mộc bản triều Nguyễn cho ta thấy một cái nhìn toàn cảnh về những việc làm cụ thể của vương triều Nguyễn nói chung và vua Gia Long nói riêng đối với vấn đề khảo sát thủy trình ra Hoàng Sa.

LÊ KHẮC NIÊN

Similar Articles

Tìm lại cốt cách Huế

Một buổi diễu hành của người Huế trong trang phục áo dài truyền thống

Huế phải luôn luôn mới!

Huế phải luôn luôn mới!

Chương trình Huế Countdown 2021 - lễ hội âm nhạc và đếm ngược chào đón

Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá

Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá

Trên thế giới, nhiều thành phố mặc nhiên được người ta biết đến là những

Tri ân chim trời

Tri ân chim trời

Đây là câu chuyện mà lần đầu tôi được nghe: “Ở vùng nông thôn Israel,

Bệnh dịch và số phận của con người xã hội

Bệnh dịch và số phận của con người xã hội

Bệnh dịch không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học, chúng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose