Múa cung đình Huế – Một giá trị nghệ thuật
Nghệ thuật Múa cung đình Huế là một nghệ thuật mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ Phương Đông. Nghệ thuật múa cung đình đã có một quá trình phát triển qua nhiều triều đại, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn. Với một bề dày lịch sử đó, nghệ thuật múa cung đình rất phong phú, đa dạng và độc đáo.
Múa cung đình xưa
Lịch sử Múa cung đình Huế
Múa bao giờ cũng gắn kết với âm nhạc (nhạc đàn và nhạc hát), vì thế, người ta thường gọi tên là “Múa hát cung đình”. Múa hát cung đình của vua chúa Việt Nam không giống như hình thức vũ hội phương Tây. Nó chủ yếu phục vụ cho vua chúa, lễ lạc trong triều đình, mang hình thức lễ nghi phong kiến vương triều. Múa cung đình bắt nguồn từ các điệu múa truyền thống trong dân gian, được chọn lọc và nâng cao theo những qui phạm nghệ thuật chặt chẽ, nghiêm trang. Múa cung đình mang tính chất khoẻ khoắn, ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị.
Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: “Lục cúng hoa đăng”, “Trình tường tập khánh”, “Phụng vũ”, “Tứ linh”, “Vũ phiến”… Nghệ thuật cung đình nói chung và các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn.
Điệu múa “Lục cúng hoa đăng”
Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam trong những dịp quốc lễ, quốc khánh thì ở cung vua, phủ chúa đều có trình diễn ca, vũ. Múa cung đình có từ thời tiền Lê. Đến thời Lý, sự kiện Lý Thánh Tông trong cuộc Nam chinh đã bắt hàng trăm cung nữ giỏi múa hát khúc Tây Thiên mang về Thăng Long (1044), tạo nên một phong cách mới cho múa của người Việt. Đến đời Trần, dưới thời Trần Thái Tông hình thức múa hát tập thể đã khá phổ biến trong chốn cung đình. Tuy nhiên, múa cung đình lúc bấy giờ chủ yếu là nặng về nghi lễ, tính chuyên nghiệp và nghệ thuật chưa cao. Hơn nữa, Nho giáo lúc này ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến xã hội phong kiến Việt Nam, nghề hát bị coi khinh là “xướng ca vô loại”. Đến giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa lập ra Triều Nguyễn, lúc này múa cung đình đã có nhiều thay đổi và múa cung đình Huế cũng bắt nguồn từ đó.
Múa cung đình triều Nguyễn cũng tiếp thu các điệu múa từ cung đình và dân gian của các triều đại trước, nâng cao và sáng tạo thành những điệu múa mới, mang đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn thời Nguyễn. Múa cung đình nhà Nguyễn chủ yếu là múa tập thể, tư tưởng, chủ đề thường biểu hiện ở các đội hình di chuyển và kết thúc bằng một đội hình ngưng đọng.
Có thể nói, múa cung đình Huế là một bước chuyển tiếp của múa cung đình các triều đại trước đó để đi tới sự hoàn mỹ. Và bắt đầu bằng sự kiện dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), Đào Duy Từ vì xuất thân con nhà xướng hát không được đi thi nên đã phẩn chí quyết vào Nam phò giúp chúa Nguyễn. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên tạo tiền đề cho múa hát cung đình Huế. Ông đã lập ra “Hòa Thanh thự”, luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Đào Duy Từ là người có công sửa lại các điệu múa cung đình cổ trước đó và sáng tác ra một số điệu múa khác. Tác giả Đại nam liệt truyện tiền biên và Việt cầm sử thoại viết “Duy Từ có công ngoài đánh chúa Trịnh, trong mở đất Chiêm Thành, làm cho dân giàu nước thịnh. Về nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ; đặt ra điệu múa “Song quang”, điệu múa “Nữ tướng xuất quân”, điệu múa “Tam quốc – Tây du” dùng khi quốc gia đại lễ. Trong nhà ông lúc nào cũng nuôi một bọn ca vũ để múa hát”.
Tiết mục múa “Bát dật” của các nghệ sĩ cung đình Huế
Tổ chức “Hòa Thanh thự” chia ra làm 3 đội, mỗi đội có số lượng 120 vũ sinh, nhạc sinh. Đội nhất và đội ba chuyên lo luyện tập về nhạc, đội nhì chuyên lo về hát múa. Số lượng người này biết đánh trống, thổi kèn, đánh đàn, hát múa, dưới quyền trông coi của viên phó quản.
Thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) đội chuyên lo về hát múa có tên là “Tiểu hầu”, số lượng chỉ còn từ 40 – 50 diễn viên, bao gồm cả số cán bộ quản lý (2 chánh ca và 6 phó ca) cai quản.
Đến năm 1804 hai đội “Tiểu hầu” và “Tiểu nam” được sát nhập lại, đổi tên là “Việt Tường đội”. Dưới triều vua Minh Mạng (1820) đổi tên là “Thanh Bình thự”. Năm Thành Thái nguyên niên (1889) đổi tên gọi là “Ba Vũ” và hoạt động cho đến năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám – 1945, đội “Ba Vũ” được sự quan tâm giúp đỡ của bà Từ Cung. Từ sau 1954 đến 1975, đoàn vẫn hoạt động nhưng quy mô và tính nghệ thuật ngày càng giảm sút.
Tháng 4 – 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đội “Ba Vũ” được sự quan tâm của chính quyền, Bộ Văn hóa – Thông tin, nên đã được phục hồi củng cố trở lại, đổi tên là “Đoàn múa hát truyền thống Huế”, gồm có 2 bộ phận múa hát và tuồng Huế. Đến năm 1999, đổi tên thành đoàn “Nghệ thuật truyền thống chuyên sâu về múa hát cung đình” và bộ phận tuồng được tách ra.
Và năm 2006, sự kiện “Nhà hát truyền thống cung đình Huế” và “Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế” sáp nhập thành “Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế” thêm một lần nữa tạo điều kiện cho sự hồi sinh của vũ khúc cung đình. Các điệu múa bị thất lạc dần dần được khôi phục và đưa vào biểu diễn thường xuyên hơn.
Đội nữ quân múa “Bát dật”
Qua nhiều thời kỳ thay đổi tổ chức và tên gọi, nhưng chức năng chủ yếu vẫn là múa hát cung đình phục vụ cho những khánh lễ, đại lễ khác nhau ở cung đình Huế. Tuy nhiên hiện nay những vũ khúc cung đình cổ đã bị thất truyền rất nhiều, đến đời Nguyễn chỉ còn lại 11 vũ khúc với lời hát hoàn toàn bằng chữ Hán. Trong số 11 điệu múa của thời nhà Nguyễn đã và đang được nhà hát Truyền Thống Cung Đình thuộc TTBTDT cố đô Huế sưu tầm, khai thác và phục hồi gồm:
1. Bát dật (Đang biểu diễn)
2. Lục cúng hoa đăng (Đang biểu diễn)
3. Tam Tinh chúc thọ (Đang nghiên cứu phục hồi)
4. Bát tiên hiến thọ (Đang nghiên cứu phục hồi)
5. Trình tường tập khánh (Đang biểu diễn)
6. Tứ Linh (Đã phục hồi và đưa vào biểu diễn một số trích đoạn như: Lân mẫu xuất lân nhi, song phụng, Long hổ hội)
7. Nữ tướng xuất quân (Đang biểu diễn)
8. Vũ phiến (Múa quạt) (Đang biểu diễn)
9. Tam quốc tây du (Đang biểu diễn)
10. Lục triệt hoa mã đăng (Đang nghiên cứu phục hồi)
11. Song quang (Đấu chiến thắng phật) (Đang nghiên cứu phục hồi)
Phần lớn các múa khúc trên diễn viên vừa múa, vừa hát, múa minh họa cho lời hát. Các bài hát toàn bằng Hán tự, chỉ có khúc múa “Tứ linh” là chỉ có âm nhạc phụ họa không có lời ca.
Múa Tứ Linh gồm 4 linh thú Long – Ly – Quy – Phượng
Các điệu múa này thường được dùng để biểu diễn trong các ngày lễ: Thánh thọ (sinh nhật Hoàng Thái Hậu), Tiên thọ (sinh nhật Hoàng Thái Phi), Vạn thọ (sinh nhật vua), Thiên xuân (sinh nhật Hoàng Thái Tử), Thiên thu (sinh nhật Thái Hậu). Ngoài các lễ trên, múa cung đình còn được diễn trong các lễ: Hưng quốc khánh niệm, tết Nguyên đán, Lễ kết hôn Hoàng Tử, công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc. Khi diễn dùng ban nhạc Thiều.
Nội dung các khúc múa
- Múa bát dật: Có ở Trung Quốc từ đời Chu. Năm Minh Mạng được biên đạo lại để phục vụ khi tế giao, xã tắc, lịch đại đế vương và Khổng Tử. Bát dật có nghĩa là 8 hàng. Khi ta trình diễn điệu múa này phải sử dụng 8 hàng vũ sinh đồng nam, mỗi hàng là 8 vũ sinh nam, tất cả là 64 vũ sinh ở ban múa võ (Võ vũ ban) cũng như ở ban múa văn (Văn vũ ban). Đội hình múa gợi lên hình bát quái. Đây là loại múa lễ thức.
- Múa lục cúng hoa đăng: Có gốc từ Ấn Độ, được truyền sang qua các nhà sư Ấn Độ. Các chùa, một số vùng ở hạt Thuận Thành, Yên Mỹ, Thường Tín… thờ Phật tứ pháp (vân, vũ, lôi, điện). Khi cúng thường múa để dâng hương, hoa đăng, trà, quả thực lên Tam bảo. Múa cung đình biết gạn lọc cái hay của múa tôn giáo và dân gian, thể hiện nội dung chủ đề lục cúng bằng những hình tượng múa cụ thể mang dáng dấp cái đẹp của Việt Nam. Kết cấu của “Hoa đăng lục cúng” là một bức tranh khá đẹp được trình bày ở tổ khúc gồm 6 điệu múa liên tục.
- Múa quạt (Phiến vũ): Thường múa ở các tiệc cưới, dành cho hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tần và công chúa xem. Nội dung ca ngợi, chúc tụng hạnh phúc lứa đôi hoà hợp. Đội hình múa gồm 10 vũ nữ, trang phục của vũ nữ cũng đầy chất nghiêm trang, nền nã mà duyên dáng, vũ nữ đầu đội khăn vành, mặc áo dài thuỷ lục, ngoài áo khoác mệnh phụ vừa múa vừa hát trên những động tác guộn quạt, xoè, gấp, chỉ lướt nhẹ lượn vòng với một tay cầm quạt xoè che mặt. Đội hình khép kín vòng cung, có lúc hàng ngang, hàng dọc chuyển đổi thay nhau.
Về nội dung, múa quạt gồm có 3 khúc hát: hát giáo đầu, hát khách, hát vợ chồng hòa hợp. Vũ nữ thể hiện nhiều động tác quạt nhuần nhuyển, đẹp mắt, đó là động tác cuộn quạt xòe; động tác cuộn quạt gập; động tác chỉ (bằng quạt gập); động tác nghiêng người vòng hai tay lên quá đầu với một tay có quạt xòe che mặt. Đội hình khép kín vòng cung, có lúc hàng ngang, hàng dọc chuyển đổi thay nhau. Vừa nghe lời hát, vừa ngắm các vũ nữ múa nhịp nhàng, người thưởng ngoạn cảm thấy như mình đang ở cảnh bồng lai, tiên giới với lời hát :
Tay áo bay nhè nhẹ đến bích hồ,
Bốn phía phong quang thỏa hí ngao du,
Sức nức hoa hương đưa trước gió,
Bóng trăng lấp lánh nổi trên làn nước…
- Múa Tứ linh: Điệu múa này có từ thời cổ, từ dân gian đến cung đình thường có múa. Biểu tượng trên 4 con vật: long (rồng), ly (lân), quy (rùa), phụng (chim phượng). Về hình thức, “Tứ linh” có thể được múa liên tục hoặc múa đơn (từng con một). Ngày xưa, múa chúc tụng vua, tứ linh lần lượt múa trình diễn từng con vật một theo thứ tự: long, lân, quy, phụng. Các vũ sinh đội lốt tứ linh để múa. Dần dần sau này cải biên, các biên đạo múa cho múa long trở thành “Long hổ hội”, múa lân biến thành “Lân mẫu xuất lân nhi”, múa phụng thành “Song phụng” và múa quy được múa đôi với “Song phụng”, số lượng người cũng được tăng cường.
Có thể thấy những sáng tác của múa cung đình đều mang tính nghi lễ và chúc tụng. Trong múa cung đình ngoài vẽ đẹp nghệ thuật thì bố cục được xắp xếp một cách tinh tế hòa quyện với không gian và môi trường diễn xướng. Chính những yếu tố này đã làm nên một nét riêng biệt trong chốn Hoàng cung và tạo thành những hình tượng mang cốt cách độc đáo Việt Nam. Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, thì Múa cung đình cũng có bước “đột phá” quan trọng. Theo Nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, thì có nhiều hệ thống Nhã nhạc làm nền cho múa cung đình và những tác phẩm múa cung đình thường được các nghệ sĩ ngày xưa xây dựng chủ yếu dựa trên những giai điệu tiết tấu của Nhã nhạc.
Trong thời gian gần đây, múa cung đình Huế luôn song hành với Nhã nhạc trong những lần xuất ngoại để giới thiệu với thế giới về văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình này cũng không còn nguyên vẹn. Việc sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục lại tất cả những vũ khúc cung đình Huế là rất khó khăn. do những nghệ nhân không phải còn nhiều, và những tư liệu bằng văn bản cũng nằm rải rác khắp nơi cả trong nước và ở nước ngoài.Vì vậy, việc sưu tầm, khôi phục những vũ khúc cung đình cũng là công việc mà các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hiện nay rất quan tâm.
Similar Articles
Gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại
Suốt quá trình lịch sử, các thế hệ gia đình Huế đã hình thành và
Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế
Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không
Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế
Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ