Văn hóa Huế | Homepage
Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa

Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa

🕔26.Feb 2014

Nằm phía Đông Nam Kinh thành Huế, khu phố cổ Gia Hội là nơi tập trung nhiều địa điểm tâm linh độc đáo của Huế. Đến với nơi đây, du khách sẽ tìm lại được sự thanh thản, sự tĩnh lặng cần thiết để quên đi phần nào những xô bồ của cuộc sống hiện đại.Nằm phía Đông Nam Kinh thành Huế, khu phố cổ Gia Hội là nơi tập trung nhiều địa điểm tâm linh độc đáo của Huế. Đến với nơi đây, du khách sẽ tìm lại được sự thanh thản, sự tĩnh lặng cần thiết để quên đi phần nào những xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Những di tích tôn giáo độc đáo

Đầu tiên phải kể đến Chùa Diệu Đế. Tương truyền vùng đất xây chùa là nơi Vua Thiệu Trị ra đời và cũng là tiềm để của Vua. Cho nên sau khi lên ngôi vua đã cho xây dựng chùa và đặt tên là Diệu Đế. Diệu Đế là ngôi Quốc tự thứ ba ở Huế và được vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong hai mươi thắng cảnh của đất thần kinh.

Bên cạnh đó, du khách cũng nên ghé thăm Chùa Tăng Quang (dân địa phương gọi là Chùa Áo Vàng) tọa lạc tại đường Nguyễn Chí Thanh. Ngôi chùa tuy chỉ có hơn 60 năm tuổi nhưng lại là địa điểm đánh dấu sự hình thành Phật Giáo Nam Tông trên đất Huế. Đến thăm chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng ngôi Bảo tháp thờ Xá-lợi Đức Phật Thích Ca và 2 cây sala to nhất, đẹp nhất Huế. Cây sala hay còn gọi là cây “vô ưu”, là loài cây gắn với hình ảnh của Đức Phật lúc Người nhập niết bàn.

Một số ngôi chùa có thể kể đến nữa là Chùa Thuận Hóa (tên cũ là Chùa Ông), Chùa Phước Điền, Chùa Diệu Hỷ, Chùa Thanh Cao, Khuôn hội Phật giáo An Lạc…

Ngoài ra, tại khu phố cổ Gia Hội, cộng đồng Thiên Chúa giáo nơi đây đã xây dựng những ngôi Nhà thờ Công giáo khá nổi bật. Đó là Nhà thờ Giáo xứ Gia Hội, Nhà thờ Phú Hậu của những tín đồ Cựu giáo và Nhà thờ Phanxicô của những tín đồ Tin lành. Điểm nổi bật là chỉ có khu phố cổ là nơi duy nhất của thành phố Huế tồn tại song song hai dòng phái của Công giáo. Do đó, đến với khu phố cổ Gia Hội, du khách có thể quan sát, so sánh được sự khác biệt trong kiến trúc, lễ nghi của hai dòng phái Công giáo mà không cần phải tốn công sức đi xa.

Không chỉ là vùng đất của Phật giáo, Công giáo, khu phố cổ Gia Hội xưa còn tồn tại dấu tích sinh hoạt của tín đồ theo Đạo giáo Trung Quốc. Một trong số đó là Linh Hựu quán nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Đến với dấu tích Linh Hựu quán, du khách sẽ khám phá thêm một tín ngưỡng của Huế xưa để biết được người Huế đã đặt niềm tin vào thánh thần phong phú như thế nào.

Chiêm ngưỡng hệ thống phủ thờ

Từ cầu Gia Hội, du khách hãy ghé vào đường Bạch Đằng. Trên con đường này, du khách có thể thăm thú phủ thờ Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, Phủ thờ Quận chúa Như Sắc, Phủ Gia Hưng Vương.

Đi dần vào đường Nguyễn Chí Thanh, du khách sẽ thấy Phủ bà Chúa Nhất, Phủ Vĩnh Tường Quận Vương, Ngọc Sơn Công Chúa từ, Phủ từ Cẩm Giang Quận Vương, Phủ Hoài Quốc Công, Phủ Mỹ Quận Công, Phủ Tuy An Quận Công. Tiếp đó, tại đường Nguyễn Du, du khách hãy ghé vào Phủ từ Hoài Đức Quận Vương, Nghi Quốc Công từ. Kế nữa, tại đường Chi Lăng, du khách hãy lạc bước vào Phủ Thọ Xuân, Phủ Thoại Thái Vương, Phủ Hòa Thạnh Vương, Phủ Quảng Biên Quận Công. Một số phủ thờ nữa tại khu phố cổ là Phủ An Thạnh Vương tại đường Chùa Ông, Phủ Kiến Phong Quận Công tại đường Cao Bá Quát, Phủ Hoằng Hoá Quận Vương tại đường Tô Hiến Thành.

 Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa - Ảnh 1
Phủ thờ các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn.

Đặc biệt, du khách không nên bỏ qua Ngọc Sơn Công chúa từ tọa lạc trên khu đất rộng đến trên 2.600m2. Nhà thờ Công chúa Ngọc Sơn là một ngôi nhà cổ, trước có non bộ, ra xa hơn nữa có hồ hình chữ nhật khá rộng. Trong phủ còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ. Phủ thờ hiện được người cháu rể của công chúa là nhà Huế học nổi tiếng Phan Thuận An chăm sóc. Đây còn là một khu nhà vườn cổ tiêu biểu của Huế xưa.

Hai ngôi nhà thờ tổ nghề di tích quốc gia

Huế có một xóm gọi là “xóm hát bội”. Đó là xóm Thanh Bình nằm ở kiệt 281 Chi Lăng, xưa là Thanh Bình Thự. Nằm sâu 50m trong kiệt là ngôi Thanh Bình Từ Đường được được xây dựng vào năm 1825. Thanh Bình Từ Đường là nhà thờ tổ ngành sân khấu lớn nhất của cả nước, được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa cấp quốc gia loại 1 vào lần đầu tiên. Theo o Hoàng Thiên Thu, vợ một nghệ nhân nhà hát Duyệt Thị Đường, sống tại kiệt 281 Chi Lăng thì Lễ giỗ tổ ngành Hát Bội ở Thanh Bình Từ Đường hằng năm đều có các nghệ nhân của Nhà hát Duyệt Thị Đường và những gánh Hát Bội các vùng phụ cận về tề tựu rất đông.

Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa - Ảnh 2
Thanh Bình Từ Đường.

Bên cạnh đó là ngôi nhà thờ họ Kim Hoàn nằm ngay mé sau, bên phải chùa Diệu Đế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Nhà thờ họ Kim Hoàn là nơi thờ hai ông tổ nghề thợ vàng thợ bạc Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Từ thời Quang Trung cho đến đầu triều Nguyễn, hai ông là những người thầy đầu tiên truyền nghề thợ vàng thợ bạc ở Thuận Hóa. Môn đệ của hai ông phần lớn xuất thân từ làng Kế Môn huyện Phong Điền, hiện nay còn có mặt khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam. Một số thợ sang tận Mỹ hành nghề và rất thành công. Cùng với nhà thờ họ Kim Hoàn, lăng mộ của hai ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ở phường Trường An đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Những ngôi “chùa Tàu”

Đầu thế kỷ XIX, khi Huế trở thành kinh đô của nước Việt thống nhất dưới thời Nguyễn, người Hoa kiều tập trung đến khu phố Đông kinh thành làm ăn sinh sống rất đông. Họ cũng đã xây dựng những kiến trúc tâm linh để phục vụ cho tín ngưỡng của riêng mình. Đầu tiên là Đền Chiêu Ứng của người Hải Nam. Đền được xây dựng từ năm 1908 thờ 108 người Hải Nam bị quan quân nhà Nguyễn tưởng giặc cướp giết nhầm, sau được vua Nguyễn minh oan. Kế đó là Chùa Quảng Đông của Bang Quảng Đông, ra đời từ cuối thế kỷ XIX, thờ Quan Công và Chùa Bà của người Hải Nam thờ Bà Mã Châu, ở góc đường Hồ Xuân Hương và đường Chi Lăng. Tiếp nữa là Chùa Triều Châu thờ những vong linh xiêu bạt của Bang Triều Châu và Chùa Phúc Kiến, nằm sát bên cạnh chùa Triều Châu xây dựng vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), thờ “Tam vị, ngũ vị”. Đến tham quan những ngôi “chùa Tàu”, du khách sẽ có một cảm giác thú vị đến lạ lùng. Bởi không cần phải đến phố cổ Hội An, mà ngay tại Huế du khách cũng đã có dịp ngắm nhìn những ngôi chùa Tàu bề thế đậm dấu ấn tâm linh của người Hoa kiều.

Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa - Ảnh 3
Chùa của người Hoa.

Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo

Năm 1955, “Hội Thiên Tiên Thánh Giáo Trung Việt” được thành lập, hoạt động trên toàn cõi Trung Kỳ. Đến năm 1965, những người này lập ra Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo ở đường Chi Lăng. Cứ vào độ “xuân thu nhị kỳ” (tháng 3, tháng 7 Âm lịch), những tín đồ Thiên Tiên Thánh Giáo khắp nơi lại tập trung về Tổng hội để chuẩn bị cho việc tham gia lễ hội điện Huệ Nam. Xuất phát từ bến thuyền Tổng hội, những chiếc bằng đủ màu sắc đông dần lên và nối đuôi nhau ngược dòng Hương Giang đến điện Huệ Nam (núi Ngọc Trản, làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), tạo nên một cảnh tượng hoành tráng không có lễ hội sông nước nào ở Thừa Thiên – Huế sánh kịp.

Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa - Ảnh 4
Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo.

Theo quan sát, Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo do mới được xây vào thập niên 60 của thế kỷ XX và may mắn không bị chiến tranh tàn phá nên những kiến trúc tâm linh vẫn còn khá nguyên vẹn. Đó là ngôi điện thờ chính rất bề thế với hệ thống thờ cúng rất phong phú, chiếc đại hồng chung từ thời nhà Nguyễn đánh vào âm rất vang, hang động thờ cúng bí hiểm, hệ thống am miễu thờ độc đáo, tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát hướng ra sông Hương nhân từ che chở cho cư dân vùng sông nước Thừa Thiên – Huế… Do đó, đến thăm Tổng hội Thiên Tiên thánh giáo, du khách sẽ có cơ hội biết đến một tín ngưỡng “rất riêng” của Huế, một trong những nơi xuất phát những chiếc bằng của lễ hội điện Huệ Nam đã từng trở thành một trong những chương trình chính của Năm Du lịch Quốc gia Duyên Hải Bắc Trung Bộ Huế 2012.

Những kiến trúc tâm linh độc đáo khác

Đầu tiên là đền thờ Đức Thánh Trần ở đường Chi Lăng. Đền thờ này được ông Phạm Tam, một người dân Huế xây dựng năm 1932. Ông Phạm Tăng đã lặn lội ra nơi thờ Đức Thánh Trần ở miền Bắc xin thỉnh một cây kiếm, một cây roi về. Sau đó, ông còn thuê thợ về đúc tượng Đức Thánh trong vòng 6 tháng, đúc voi, ngựa trước sân đền. Ngày giỗ Đức Thánh hàng năm cũng là ngày con cháu trong dòng tộc họ Phạm tề tựu, tưởng nhớ về công lao bảo vệ giang sơn bờ cõi của bậc hiền nhân.

Nơi lưu giữ tâm linh người dân Huế xưa - Ảnh 5
Chùa cổ Trường Xuân

Kế đó là ngôi chùa Trường Xuân. Chùa Trường Xuân nằm cuối đường Chi Lăng, gần bến đò chợ Dinh, thuộc Phường Phú Hậu, thành phố Huế. Đây là một ngôi chùa cổ lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (thế kỷ 17) với tên gọi ban đầu là Kỳ Viên Am. Đến thời nhà Nguyễn (năm 1804) lại đổi là Xuân An Tự. Điều thú vị là khám thờ của chùa không thờ Phật mà lại thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Mẫu và Quan Công.

Cuối cùng là ngôi nhà thờ của một gia đình người Ấn Độ theo đạo Hinđu ở ấp Đông Tri Thượng xưa (nay là phường Phú Cát). Theo TS Nguyễn Văn Đăng (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế) thì ngôi nhà thờ này có kiến trúc mới lạ duy nhất loại này ở Huế. Đây chính là một trong những kiến trúc tâm linh ở khu phố cổ Gia Hội khiến nhiều nhà kiến trúc mĩ thuật cổ và du khách ưa thích khám phá, du lịch tìm về.

Toàn Nguyễn
(Theo Đời sống & Pháp luật)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose