Văn hóa Huế | Homepage
Dấu xưa vườn Ngự trong Hoàng thành Huế

Dấu xưa vườn Ngự trong Hoàng thành Huế

🕔02.Jun 2014
Từ Festival Huế năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hồi sinh lại vườn Cơ Hạ trong Hoàng thành Huế, biến nơi đây thành điểm tham quan mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Hồ Minh Giám nơi trồng hoa sen, hoa súng và thả cá

Và lần này, đến dự Festival Huế 2014, du khách lại có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu vườn mà trước đây chỉ dành cho hoàng thân, quốc thích thân tín của vua ngự lãm, nay hội tụ hàng trăm sắc hoa, cây kiểng nghệ thuật với khoảng 600 cây kiểng được đưa về từ khắp nơi trên cả nước.

Vườn hoa và cây kiểng trong vườn Cơ Hạ

Thời Vua Gia Long thống nhất đất nước, chọn Huế làm kinh đô, thành phố này được xây dựng thành một đô thị hoàn chỉnh và được ca ngợi là “một kiệt tác về kiến trúc”, một thành phố vườn tuyệt đẹp. Thời Nguyễn có hàng chục khu vườn ngự với nhiều loại hình: cung viên, biệt cung, ly cung, hành cung với tổng diện tích hàng trăm hectar đã thực sự làm nên vẻ lộng lẫy, quyến rũ đặc biệt của xứ Thần Kinh.

Vườn hoa sắc xuân

Ngay trong Hoàng cung, những khu vườn ngự uyển lừng danh như Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Hậu Hồ, Trường Ninh Cung… đều được thiết kế theo ý tưởng của các vị vua uyên bác, tài hoa. Sau này, Vua Thiệu Trị xếp chúng vào hàng “Cung trung thập cảnh” (10 cảnh đẹp nhất trong cung cấm) hay “Thần Kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh của đất Thần Kinh). Ngoài Hoàng cung nhưng vẫn nằm trong phạm vi Kinh thành thì có Tịnh Tâm Hồ, Thư Quang Viên, Khánh Ninh Cung, Bảo Định Cung… cũng đều là danh thắng của kinh đô một thuở.

Một góc vườn Cơ Hạ sau khi phục hồi

Trong số hàng chục vườn ngự uyển của triều Nguyễn, vườn Cơ Hạ được xem là một kiệt tác vườn cung đình. Theo sử liệu triều Nguyễn ghi lại: Khởi thủy, vườn Cơ Hạ là nơi học tập của Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng về sau) khi còn ở trong cung. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), khu vực trên được sửa sang lại, mở rộng khuôn viên nối tiếp với Hậu Hồ (cũng là một vườn thượng uyển) với chức năng như một Ngự viên. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua cho dựng thêm các đình, viện, đài tạ… nâng cấp thành vườn thượng uyển, gọi là vườn Cơ Hạ. Thời Tự Đức còn bổ sung và sửa sang thêm một số công trình khác. Về cuối triều Nguyễn, do thiếu điều kiện chăm sóc nên khu vực vườn Cơ Hạ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm Thành Thái thứ 17 (1905), triều đình cho giải phóng hành lang hai bên để làm nhà ở cho Biền binh. Sau đó khu vực vườn bị bỏ phế cho tới khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hồi sinh lại vào năm 2012 nhân dịp Festival lần thứ 7.

Nhà rường xứ Huế dựng trong vườn Cơ Hạ

Vườn Cơ Hạ nằm ở phía đông bắc, bên trong Hoàng thành, diện tích khá lớn (đo thực tế hiện nay là 16.800m2), phía trước giáp phủ Nội vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt Đông – Tây giáp tường Hoàng thành và Tử cấm thành. Tên chữ Cơ Hạ được lấy từ Vạn cơ thanh hạ (tức là “sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự”).

Cầu Kim Nghê

Vườn Cơ Hạ được xây về hướng Nam. Cửa chính phía trước mang tên Thượng Uyển, sau cửa là điện Khâm Văn (nơi vua và thân vương, đại thần hội họp bàn luận văn chương chính sự); phía sau là lầu Thưởng Thắng (nhiều tầng cao để vua ngắm cảnh ban ngày); giữa hồ dựng gác Quang Biểu (chỗ vua thưởng trăng); bên trái có nhà tạ Hòa Phong (hóng mát, ngắm hoa sen vào mùa hè); bên phải có hành lang Khả Nguyệt; xung quang có hồi lang Tứ Phương Ninh Mật (hành lang có mái cho để vua đi dạo ngắm hoa, cảnh). Phía Đông vườn có nhà Minh Lý Thư Trai (phòng đọc sách nghiên cứu). Phía Tây có hiên Nhật Thận (chỗ ngồi ngắm cảnh trời chiều tìm thi hứng sáng tác), hồ Minh Giám (nơi thả thuyền hóng mát ngắm hoa sen ngày hè) và sông Tái Vũ, động Phước Duyên (hay động đào Nguyên); cầu Kim Nghê (trên cầu dựng lầu cao, nơi vua ngồi hóng mát ngắm cảnh vào mùa thu); núi Thọ Yên, núi Trùng Đình, ao Thụy Liên, núi Quân Tử.

Đêm nhạc Trinh Công Sơn trong vườn Cơ Hạ – Festival 2012

Bên cạnh các công trình được kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người còn có các loài cây cảnh, hoa cỏ cùng những loài động vật có trong vườn hết sức phong phú. Huế có lợi thế là điểm trung độ của đất nước, phần lớn các loài cây cỏ phương Bắc, phương Nam đều có thể sinh trưởng được. Như loại hoa đào xứ Bắc vào đến Huế vẫn sống khỏe và dần biến đối thành một loại đào hoa thưa nhưng rất độc đáo. Các loại cây hoa thuần nhiệt đới như măng cụt, sầu riêng hay mai vàng thì đã “chọn Huế làm quê hương” từ hơn trăm năm nay và đã trở thành một thứ đặc sản của kinh đô.

Sông Tái Vũ sau khi nạo vét hoàn chỉnh

Ngoài ra, có cả loại “kỳ hoa dị thảo” của cả nước và của cả nước ngoài (qua con đường ngoại giao). Tuy nhiên, các vua Nguyễn cũng là người Huế, người Việt Nam với tâm thức trong sáng, tâm hồn phong phú, thích sự giản dị tự nhiên hơn là sự cầu kỳ xa hoa, thích những màu sắc trang nhã, trầm tính hơn là những gam màu chói sáng, lòe loẹt. Bởi vậy, vườn có kỳ hoa dị thảo nhưng không quá nhiều để sự bố trí còn hòa điệu với công trình kiến trúc và các yếu tố khác. Những loài cây, hoa biểu trưng cho đạo đức phẩm cách của người quân tử như trúc, tùng, mai, cúc, sen… vẫn luôn có vị trí quan trọng trong bất cứ khu vườn nào.

Một góc trưng bày cây kiểng của các nghệ nhân

Động vật được nuôi thả trong các khu vườn cung đình thường là những loài thú nhỏ (như thỏ, sóc, nai…), các loài chim, cá… Đủ cả 4 loại thú, điểu, ngư, trùng nhưng không quá cầu kỳ như vườn cảnh hoàng gia Trung Hoa. Cá nuôi trong hồ ao đều là các loài cá tự nhiên, bản địa, hầu như không thả loại cá cảnh nhiều màu sắc như tại các khu vườn cảnh Trung Quốc.

Trưng bày cây trong vườn Cơ Hạ

Trong các thắng cảnh thuộc vườn Cơ Hạ còn có 3 thắng cảnh được đề vịnh trong bài vịnh của Vua Thiệu Trị nói trên (tức sông Tái Vũ, hồ Minh Giám và động Phước Duyên) – cũng là 3 di tích còn bảo tồn tương đối tốt diện mạo nguyên thủy, dù đã trải qua rất nhiều biến động lịch sử.

Vườn Thiệu Phương vẽ trên trang gương

Đặc biệt, qua khảo sát, nghiên cứu trên nền móng xưa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã dựng lên ba ngôi nhà rường truyền thống xứ Huế và phục dựng lại cầu Kim Nghê bằng tre nứa buộc lạt mây. Núi Thọ An và động Phước Duyên được sửa sang, sông Tái Vũ cũng được nạo vét thả hoa sen, hoa sung và cá chép vàng. Trong khuôn viên, hàng trăm cây quý của các nghệ nhân hàng đầu xứ Huế và chim chóc quy tụ tạo thành khung cảnh thanh bình như tên gọi của vườn vậy.


Vườn Cơ Hạ xưa

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để sẵn sàng phục vụ du khách và đưa vườn Cơ Hạ trở thành điểm nhấn của Festival Huế 2014. Sự hồi sinh vườn Cơ Hạ trong Hoàng thành Huế đã góp phần vào công tác bảo tồn di sản văn hóa Huế nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, qua đó phát triển du lịch Huế.

Nguyễn Nhật Nam
(Theo Tạp chí VNTravelLive)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose