Văn hóa Huế | Homepage
Nỗi nhớ mùa màng

Nỗi nhớ mùa màng

🕔15.Jun 2014

Trong ngăn kéo thời gian của mình luôn có mùi rơm rạ lẫn với mùi phân trâu ngày mùa. Cái mùi chẳng thơm, cũng chẳng hôi; cái mùi không phải là dễ chịu nhưng riết thành quen thân để rồi mỗi khi gặp lại trong một lần nào đó thì khung cảnh ngày mùa của làng mình lại hiện về tươi nguyên hồ hởi mà thương nhớ.

Những năm 80 của thế kỷ trước, làng mình chưa có máy tuốt lúa, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, là bạn chí thân của nhà nông từ khâu làm đất cho đến khi thu hoạch… Lúa gặt về được chất thành vòng tròn giữa sân để trâu lên đạp. Nhiệm vụ duy nhất của mình được ba giao cho là cầm cái rổ đã lót rơm, khi mô chú trâu đứng lại, cong đuôi… là đến hứng sản phẩm. Nhẹ nhàng rứa thôi mà có khi không thể hoàn thành khi chú trâu hành sự quá nhanh để phân trâu vương vãi. Một giã lúa như thế phải đến hai tiếng đồng hồ, người đi cùng trâu, hò hét, ra lệnh và khi thong thả thì làm một bài hát chi đó…Trâu đạp từ sẩm tối, đến khi trăng lên bằng ngọn tre mới “ ra rơm” và un đống lúa lại…

Khi rơm một bên, lúa một bên nhưng để có được những hạt lúa khô khén là cả một quá trình từ trang, cào, quét từ khi nắng lên đến khi nắng tắt… Và thích nhất là theo mẹ đi dên lúa. Lúa phơi đã khô khén, mẹ gánh từng gánh một xuống ngã ba xóm để dên. Một cái nốn to được bày ra, mẹ xúc từng mủng một để dên lúa theo hướng gió. Những hột lúa chắc ở lại trong nốn còn những hột dẹp thì gió đẩy đi ra ngoài. Sau này có máy quạt lúa đã đỡ đần giúp người công đoạn dên lúa này. Mình lại thấy tiếc cái cảnh ba bốn người phụ nữ vừa dên lúa vừa chuyện trò về đồng áng, gia đình….Còn lũ con nít thì dồn đống lúa dẹp lại đốt lửa để nướng mấy chẹn nếp chín hay mấy củ khoai lang.

Hồi nhỏ, mình cũng từng được ba phân công phơi rơm. Có lẽ đây là công việc nhẹ nhàng nhất của ngày mùa. Buổi sáng, dùng cái mỏ sảy kéo rơi đi rải đều khắp vườn, ra đường. Cừ khoảng nửa tiếng đồng hồ lại dùng cái mỏ sảy trở rơm. Đến chiều un rơm lại thành từng đống. Cứ như thế khoảng 2 ngày nếu trời nắng đều là rơm khô. Rơm là chất đốt chính của nhà nông quanh năm, suốt tháng. Rơm cũng là thức ăn của trâu những ngày đông giá…Quan trọng là thế nên nhà nào cũng có một cây rơm thật to ở góc vườn. Khi lúa đã khô khén vào bồ, ngày mùa cuối cùng là xây cây rơm. Mình và thằng em được phân công lên đứng trên cây đi vòng quanh chiếc cột trụ để cho rơm được cuộn chắc không thể ướt trong những ngày mưa gió. Cây rơm được xây cao dần, cao dần cho đến khi chỉ còn một cái chóp vừa một người đứng. Thích thú làm sao khi đứng trên cao nghe gió thổi nồng nàn mùi rơm, mùi lúa của ngày mùa…

Có lần một đồng nghiệp về làng mình chơi đúng vào ngày mùa. Hai anh em tha thẩn đi ngắm đồng buổi chiều tắt nắng. Anh đưa tay bứt mấy bông lúa chín rồi cột lại thành bó: “ Mai mang lên Huế cho thằng cu nó biết hột cơm nó ăn có xuất xứ từ đâu…”. Nhớ chuyện người anh, hôm qua mình hỏi bé Nhã của mình: “ Con có biết hột cơm con ăn có từ mô không!”. “ Dạ con biết rồi, hột cơm có từ cánh đồng lúa ngoài làng ông nội!”. Nghe con trả lời mà lòng thấy vui…

Thanh An
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose