Văn hóa Huế | Homepage
Có một Huế khác, bên cạnh festival

Có một Huế khác, bên cạnh festival

🕔14.Jul 2014

Những hoạt động đầy sắc màu của festival là nỗ lực kéo du khách đến với Huế. Nhưng chắc chắn sức hút của Huế chính là đến từ nét cổ kính, từ những gì đã làm nên hồn cốt một kinh đô xưa sâu lắng.

 

Cầu ngói cổ có mái che Thanh Toàn, một điểm du lịch không nhiều người biết – Ảnh: T.Linh

 

 

Triển lãm tranh là một hoạt động thường thấy ở Huế – Ảnh: T.Linh

 

 

Cuộc sống thanh bình trên sông Hương – Ảnh: T.Linh

 

Lần đầu tiên tôi đặt chân tới Huế là năm 1989, làm hướng dẫn viên một đoàn 30 khách nước ngoài đi dọc Việt Nam. Dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, biết về Đại nội, về các lăng tẩm và di tích tại Huế, thế nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước một cổng Ngọ môn chỉ từng thấy trong sách vở.

Một hướng dẫn viên trẻ khi ấy thật dễ chạnh lòng khi khách so sánh điện Thái Hòa, Tử Cấm thành với Thiên An môn và Tử Cấm thành ở nước láng giềng. Những năm sau đó, quay lại Huế gần như mỗi tháng và bắt đầu thấm dần cái hồn của thành phố này. Tháng 1, tháng 2 lạnh và mưa dầm dề không dứt, tháng 5, 6 nóng cháy da cháy thịt, tháng 10, 11 se se thật lạ.

Có một Huế bảng lảng

Huế là một thành phố rất đặc biệt, không phải vì đây từng là cố đô như Hà Nội, như Hoa Lư. Mỗi thành phố đều là một thực thể sống với những di tích, với những con đường, con người và cuộc sống đang diễn ra trong chính thực thể đó. Nhưng cái hồn kinh đô của Huế thật khác so với Hà Nội.

Đó là một cái gì đó rất khó diễn tả bởi cái không khí vừa uy nghiêm vương giả, lại vừa trữ tình lãng mạn, mà sông Hương núi Ngự, lăng tẩm, chùa chiền tạo ra. Bờ bắc và bờ nam, thành phố được chia bởi con sông xanh màu diệp lục, mang tên mùi thơm của cỏ. Bờ nam và bắc cũng lại được nối bởi những cây cầu, mà phàm đã là người Việt không ai không biết cầu Tràng Tiền.

Nhưng một phần không nhỏ của không khí ấy lại do những ngôi nhà rường, những biệt thự kiểu Pháp và những khu vườn đặc trưng của Huế tạo nên. Mùa nào thì Huế cũng mang một vẻ u hoài bảng lảng. Huế của thời đó là một bản sắc riêng, không thể lẫn, là một Huế mưa giăng bay bay trên căn gác nhỏ của người nhạc sĩ nổi tiếng; là những nón lá trắng, tóc dài chao trong gió, giọng con gái ngọt ngào và dáng mệ tần tảo với gánh hàng nuôi con ăn học…

 

Một nét duyên dễ làm say lòng người – Ảnh: T.Linh

 

 

 

 

Những nét đặc trưng này của Huế cần được gìn giữ – Ảnh: T.Linh

 

Cái gì làm nên hồn cốt Huế?

Huế đang vào mùa festival. Đường phố đông đúc và kẹt xe cũng giống TP.HCM hay Hà Nội. Nếu như không đi dọc sông Hương, có lẽ bạn sẽ không nghĩ rằng bạn đang ở Huế. Và khi màn đêm buông xuống, thuyền rồng tấp nập xuôi ngược trên sông như đang trẩy hội.

Sông Hương đầy sắc màu lấp lánh có còn là sông Hương? Có phải ngày nay, khi người ta đến Huế, muốn tìm về Huế xưa, người ta bắt buộc phải thăm thành nội, lăng tẩm và đền chùa hay không? Có người lập luận: người ta cũng phải sống, xã hội phải tiến lên chứ. Nhưng để tiến lên có nhất thiết phải hi sinh cái hồn cái cốt?

Chúng tôi ghé thăm làng Sình nổi tiếng về tranh thờ cúng của Huế xưa. Cả làng giờ chỉ còn vài nhà theo nghề làm tranh, dù ông Phước, một nghệ nhân già, đã rất cố gắng trong việc khôi phục, gìn giữ nghề truyền thống của làng từ năm 1996 tới nay. Làm hoa sen giấy cũng là một nghề truyền thống của làng, nhưng tới giờ cũng không còn nhiều nhà mặn mà với nghề thủ công này nữa.

Chúng tôi ghé thăm đình Kim Long, xưa nhộn nhịp với một khu chợ trước sân đình, đầy sống động, nay im lìm xa vắng. Vẫn còn đó những lân, rồng, ngựa bay, và vô vàn chi tiết mosaic gốm sứ cực kỳ tinh xảo mà sao thấy ngậm ngùi? Có một thế giới rực rỡ sắc màu, có những năm tháng rộn rã ngày hội, những năm tháng bình yên trầm lắng thấm đẫm chất văn hóa đặc trưng xứ Huế đã ở đây, đã đi qua và còn vấn vương trong những chi tiết trang trí kia.

Ở Kim Long vẫn còn có vài di tích đáng xem như những phủ đệ của các hoàng thân, công chúa triều Nguyễn và các phủ từ của họ ngoại vua Tự Đức như: Ðức quốc công từ, Diên Phước công chúa từ, Vĩnh quốc công từ, Khoái Châu quận và nhà vườn An Hiên.

Về lại Huế để tìm lại một truyền thống của dân tộc, tìm đến một thế giới trầm lắng, bí ẩn, ẩn khuất đằng sau các cánh cửa gỗ hàng trăm năm tuổi. Một thế giới của những địa danh đã đi vào lịch sử, vào lòng mỗi người VN: Vỹ Dạ, Kim Long, cồn Hến…

Khi giã từ Huế, chúng tôi mới nhận ra rằng đã chẳng thể mua gì làm kỷ niệm tại kỳ festival này. Dạo quanh thành phố nhưng không tìm được chỗ nào bán đồ lưu niệm nhân dịp festival. Từ biệt Huế và mong một ngày trở lại. Với Huế xưa và nay. Về Huế để thấy dòng Hương Giang vẫn mang theo mùi hoa cỏ và núi Ngự Bình vẫn ngàn đời sừng sững chở che cho cố đô xưa.

T. Linh
(Theo Tuổi trẻ)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’

Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’

Huế được xem là vùng đất của những ngôi chùa cổ kính vừa linh thiêng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose