Văn hóa Huế | Homepage
Huế và những nghệ sĩ dân gian thuở xưa

Huế và những nghệ sĩ dân gian thuở xưa

🕔06.Nov 2014

Người viết bài này còn nhớ khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20, trên cầu Phú Xuân hay phố Trần Hưng Đạo cũng còn người hát vè. Sau đó vài năm thì dứt bóng dứt tiếng. Gần như bây giờ không còn thấy ai hát vè nữa. Xem chừng nếu không kịp tìm ra và ghi lại, cái hát vè “truyền khẩu nhân loại” này của Huế sẽ mất đi, tuyệt mù xứ sở…

Huế ngày xưa là chốn kinh kỳ đế đô, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Huế vẫn được xem là một “thủ đô” văn hóa của cả nước. Vậy nên những sinh hoạt văn hóa thuở đó phong phú và đậm đặc, trong đó có sự góp mặt của các nghệ sĩ dân gian.

Nhà thơ Huy Cận trong “Hồi ký song đôi” nhắc đến khá nhiều những nghệ sĩ dân gian ở phố Đông Ba khoảng từ năm 1928. Trước tiên là ông Cả Soạn. Ông đánh cờ rất cao và đàn rất hay, chơi đủ các loại đàn tranh, bầu, nguyệt. Nhà thơ Huy Cận nhiều lần nhắc đến ông, như trong một bài thơ:
Phố Đông Ba của tôi ngày bé
Có ông Cả Soạn đánh cờ cao
…Ông lại đàn hay. Nguyệt tiếng tơ
Hồn ve dắng dỏi dưới trăng mờ
Món tay tài tử năm cung nhắn
Nghe cả trời thu nức nở mưa…
Những bài đờn Huế của Cả Soạn, nhất là Nam Bình, như Huy Cận tả: “có khi nghe từng tiếng một, như những giọt nước, như những giọt trăng rơi trên một mâm ngọc trong một ánh trời trong vắt. Có lẽ anh Xuân Diệu đã nhớ đến những tiếng đàn như thế mà viết lên bài “Nguyệt Cầm”…
Tiếng đàn của Cả Soạn là linh hồn của dãy phố nghèo Đông Ba thuở đó.
Một nghệ sĩ khác là ông Lạng làm chuồng chim, một tháng vài lần mang ra chợ Đông Ba hay cầu Gia Hội để bán. Mà ông lại có tiếng đàn bầu não ruột, khiến nhà thơ Huy Cận cũng buông thơ:
Ông Lạng làm chuồng chim bán rong
Suốt ngày khoan đục giữa mây song
Đàn bầu một chiếc khi tiêu khiển
Vừa gãy vừa ca thật não nùng
Một nghệ sĩ khác chơi đàn tranh, đàn nguyệt là anh Cháu, làm nghề đàn Chầu văn dưới đò sông Hương. Anh bị mù một mắt, nổi tiếng là nghèo nhưng sống rất tài tử.
Bên cạnh tiếng đàn thanh tao của Cả Soạn, anh Cháu, lại có tiếng đàn tam “lanh tanh” của chú Kình, thợ hớt tóc vừa hớt tóc vừa đánh cờ, rảnh thì đàn tam cho cả xóm sôi động.
Lại có ông Xẩm chợ mù hai mắt, cứ mỗi chiều chủ nhật ông dắt hai con nhỏ đến trước Trường tiểu học Queinec ở phố Đông Ba. Ông Xẩm vừa đàn bầu, vừa hát vè “Thất thủ Kinh đô”. Hồi đó nhiều người Huế thuộc vè “Thất thủ Kinh đô”, nhưng mỗi lần nghe ông Xẩm hát, người ta vẫn xúm lại vừa coi ông đàn, vừa nghe ông hát kể với cái giọng thống thiết não nùng, thê lương, uất nghẹn… Nhiều người nghe mà nước mắt lăn dài.
Nhà văn Hoàng Hương Trang kể thuở nhỏ, cách đây hơn nửa thế kỷ, thường trốn ngủ trưa đi nghe nói (hát) vè. Theo nhà văn, ở Huế lúc đó có ít nhất ba người nói vè. Một là ông cụt chân thường hát vè ở chợ Bến Ngự. Ông đi chữa nhà cháy thì bị nhà sập đè nát chân, phải cắt cụt, rồi đi hát vè độ nhật. Gần cửa Thượng Tứ cũng có một ông già mù nói vè. Dắt ông đi là đứa cháu nhỏ, vừa dắt vừa đánh trống, còn ông vừa đi vừa hát và gõ nhịp phách làm bằng hai thanh tre lên nước láng đen. Ông hát giọng rất truyền cảm, cùng với tiếng trống trầm buồn và nhịp phách lánh lỏi nên rất mê hoặc người nghe. Bão năm Thìn, cả nhà ông bị nước cuốn, chỉ còn hai ông cháu níu nhau trên đọt tre sống sót. Ông khóc thương vợ con, tiếc cửa nhà đến mù mắt. Sau phải lần hồi lên phố hát vè kiếm cơm qua ngày, tối về ngủ trong chợ Đông Ba. Về sau ông mù qua đời, đứa cháu nghe đâu tìm đường lên chiến khu…
Lại một người mù nói vè khác, là bà mù tên Mì ở đường Gia Hội. Hàng ngày, mụ Mì đi lần mò ra đường từ sáng, đến gần trưa thì ngồi xuống khi gốc cây, khi mái hiên nhà ai đó. Giữa trưa hè, mọi người khép cửa ngủ thì bỗng vang lên tiếng phách gõ nhịp dạo đầu, rồi mụ cất giọng khàn khàn, nghèn nghẹn nhưng sâu lắng đến rợn người. Mụ Mì hát rất nhiều bài vè: “Thất thủ Kinh đô”, “Vè mụ Đội”, “Vè cô Thông Tằm nằm nhà thương”, “Trò Hiếu o Hiên”, vè trào lộng của Bùi Viện nhạo quan binh của Tự Đức bị tàu ô bắn phá ở Thuận An… Lại có vè nói trạng, nói láo khiến người nghe cười bể bụng… Bọn con nít rất mê mụ Mì hát vè, thường thì có đứa đem cho mụ chén nước chè gừng, có đứa giấu cục xôi cúng rằm, có đứa mua hẳn cho mụ cái kẹo cau, thanh mè xửng… Mụ vui vẻ nhận hết, cám ơn bằng cách kể chuyện thời xưa…
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm sinh ở Vỹ Dạ, thoát ly từ lúc lên tám, cũng nhớ ngày xưa có “Người kéo đàn cò dưới cửa Nhà Đồ – Huế”. Trong bài thơ đó, ông viết:
Như có mấy người lam lũ ấy
Ngồi quây dưới bóng cửa Nhà Đồ
Vịn vai nín thở nghe đàn hát
Nắng nhạt trưa ngưng tiếng nhị hồ
… Hoàng Thành tịch mịch
Còn trơ người kéo đàn
Ngày ấy chưa mười tám
Ngày ấy gió lang thang…

Hạ Nguyên
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose