Văn hóa Huế | Homepage

Hai bài thơ của vua Minh Mạng nói về dê

🕔01.Feb 2015

Xưa nay thi nhân làm thơ về dê quả là ít thấy, đa phần hình ảnh con dê chỉ xuất hiện nhiều trong ca dao, vè trong dân gian. Lại càng ít gặp hơn khi hình ảnh con dê được các vị hoàng đế ngự chế. Nhân dịp năm Ất Mùi, cùng thưởng thức hai bài thơ nói về “dê” hiếm thấy của hoàng đế Minh Mạng.

Hai bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng được khắc in trong ngự chế thi tập, bài vịnh tứ giác dương (vịnh dê có bốn sừng) nằm trong ngự chế thi sơ tập quyển số 9, tờ số 12-13. Còn bài Tứ nhật vi dương (ngày thứ tư là dê) nằm trong ngự chế thi nhị tập, quyển 6, tờ số 11. Hai bài thơ này mặc dù có tiêu đề nhắc đến chữ “dương” (dê) nhưng nội dung lại hoàn toàn khác nhau. Một bài nói về tích lạ của con dê có bốn sừng, một bài nói về điềm lành của đất nước khi mùa xuân đến. Đọc hai bài ngự chế này, thấy được ý vị sâu xa của vua Minh Mạng khi thể hiện tấm lòng cầu mong cho mưa thuận gió hòa chín châu thuận lợi.

Vịnh tứ giác dương
Tứ giác chi dương vô túc xưng,
Thành Chu thịnh thế kỉ hưu trưng.
Phất như giải trãi gian tà xúc,
Hà tất đồ sinh lưỡng giác tăng.
Dịch nghĩa:
Vịnh con dê có bốn sừng
Con dê bốn sừng chẳng lấy gì để nói,
Thời thịnh thế Chu Thành vương nghiệm rõ điềm tốt lành.
Chẳng như giống thú gian xảo húc nhau,
Hà tất uổng phí sinh thêm hai sừng.
Theo nguyên chú của vua Minh Mạng, Nguyễn Văn Chương ở nước Tây Dương mang về con dê có 4 sừng bèn hiến tặng cho, hình dạng nó cũng giống như con dê lớn. Duy chỉ có dưới hai sừng lớn, lại mọc thêm hai sừng nhỏ. Sách Uyên giám loại hàm viết: Thời Chu Thành Vương có người hiến dê bốn sừng giống như vậy. Theo ghi chép cho rằng đây là điềm lành. Ngày nay tuy không nỡ giao cho đầu bếp, bèn nuôi nó để tăng thêm sự hiểu biết. Há đủ để gọi là điềm lành.
Tứ nhật vi dương
Tứ nhật vi dương xuân chính lai,
Khả xưng dương thái khuếch tường khôi.
Vũ dương thời nhược tương cánh điệt,
Tiết thuận khí điều biến cửu cai,
Dịch nghĩa:
Ngày mùng bốn là dương
Ngày mùng bốn là dương chính là lúc mùa xuân đến,
Đáng gọi là ánh mặt trời tốt mở rộng điềm lành.
Nắng mưa theo thời cùng nhau đến kịp lúc,
Thời tiết khí hậu điều hòa khắp cả chín châu.
Hình ảnh con dê cũng là hình ảnh may mắn cho đất nước, con dê có âm Hán Việt là dương (dê) đồng âm với chữ dương có nghĩa là khí thịnh, ánh sáng mặt trời. Khí thịnh tượng trưng cho điềm lành, là sự phát triển của đất nước. Chính sử đã ghi lại việc này như sau: “Trước đây, hôm mồng 1 tháng giêng, có 1 con hươu từ trong núi nguồn Hữu Trạch chạy ra bến đò hành cung An Bằng; Thủ hộ phó sứ Tôn Thất Quý bắt sống được, đem dâng vua. Qua vài ngày, lại có 1 con dê rừng cũng từ trong núi ấy chạy ra, Thủ hộ sứ Tôn Thất Cung bắt được, dâng lên. Vua nói: “Chữ “lộc”[con hươu] đồng âm với chữ “lộc” [phúc lộc], chữ “dương”[con dê] đồng âm với chữ “dương” [khí thịnh]. Đó tuy là những vật tầm thường, nhưng năm mới mà bắt được, không phải là việc ngẫu nhiên, chính là điềm tốt”. Tới đây, việc bang giao trọng đại đã khánh thành trong khi Bắc tuần, việc dùng binh ở Nam Kỳ lại thành công lớn, người ta cho là ứng với điềm tốt “dương, lộc”.
Bài thơ thứ nhất là cảm nhận của vua Minh Mạng về hình ảnh con dê có bốn sừng, đây là điều lạ bởi thông thường dê chỉ có hai sừng, theo kiến văn của vua thì con dê này từng ghi chép trong thư tịch cổ, thời Chu Thành Vương. Mặc dù là con dê lạ nhưng theo vua đó cùng là điềm lành.
Bài thơ thứ hai là cảm nhận của vua về mùa xuân, ngày mùng bốn ứng với hình ảnh con dê trùng tiết lập xuân, ánh nắng tỏa sáng, điềm lành rộng khắp. Với mong muốn đất nước và nhân dân được yên bình, là người đứng ở Cửu trùng luôn mong gió mưa thuận hòa, thời tiết khí hậu điều hòa khắp cả nước. Đó cũng là cái ý vị sâu sắc mà vua Minh Mạng luôn hướng tới.
Nguyễn Huy Khuyến
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802,

Biểu tượng mùa xuân trên cổ vật của triều Nguyễn

Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Vua Thiệu Trị từng có bài thơ “Sông Hương”, tả cảnh một buổi sáng dạo

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose