Văn hóa Huế | Homepage

Bánh xèo Cá kình làng Chuồn

🕔16.Jun 2015

Sáng ni mới 5g, vợ chồng đứa bạn điện thoại cù đi tắm nước nóng Mỹ An rồi hứa đãi món “bánh xèo-cá kình làng Chuồn”. Nghe lạ, tui dậy đi ngay. Tắm đến 7g thì thẳng tiến chợ làng Chuồn (sát đình An Truyền- xã Phú An- Phú Vang). Cách thức thưởng thức món này vui tai lạ mắt lắm! Đầu tiên vào chợ lựa mớ cá kình rào đang còn nhảy tong tong, mua xong nhờ làm sạch, bỏ bì nilon đem đến quán bánh xèo ngay trong chợ (quán sang thì có vài cái ghế nhựa, bàn nhựa nhỏ, không thì ngồi chổm hổm mà ăn). Mệ bán bánh xèo chịu bột, đồ màu và chảo đổ bánh, khách ăn chịu cá kình. Sau 1 phút là có món “bánh xèo-cá kình” ngon không tưởng tượng nổi, giá lại rẻ bất ngờ:  “bánh xèo-cá kình” 1.000 một cái, mại dzô! Thưởng thức món này phải vẻ cá bằng tay, ăn mới ngon và không bị mắc xương, lấy một miếng bột chín cuộn với 1 miếng cá, chấm nước mắm ớt làng Chuồn. Đừng hỏi vì sao mà tui yêu Huế tui tới như rứa!

Bánh xèo Cá kình làng Chuồn
Không gian đầy tiếng cười của bánh khoái làng Chuồn

Bốn đứa quất no nê, hết 50.000 tiền bột, mua thêm 2 thứ nổi tiếng của làng Chuồn nữa để về chuẩn bị cho bữa trưa: thịt heo làng Chuồn và bánh Tét làng Chuồn. Không mua thêm cá kình nữa (vì ăn no rồi) mặc dù nhiều và rẻ như hến. Ra về, đến trưa thì món ruột cá kình bắt đầu ngấm (dân gian nói ruột cá kình là một vị thuốc an thần thiên tạo), say say tê tê, đẫn một giấc đến 4g chiều. Hết một ngày chủ nhật tuyệt vời!

Bánh khoái cá kình vừa làm xong

Làng Chuồn không phải nơi “chôn rau, cắt rốn” của tui. Quê tui ở tận “Ngũ Điền”, ở đó chỉ có 2 thứ đặc sản là: Ớt bột với Thầy giáo (khi khác rồi tâm sự đặc sản quê tui). Tui ganh tị với làng Chuồn vì ở đây có bánh tét, có thịt heo, có rượu gạo và có cả món bánh xèo-cá kình, toàn là thứ đặc sản của thời hiện đại. Ăn “cao lương mỹ vị” quá đủ rồi, bây chừ thấy mấy thứ đó như là “Mỹ thèm rau”. Dân làng Chuồn thấy tụi tui ăn mà ngỡ như tụi nớ bị bỏ đói lâu ngày rồi.

Một gian hàng bán bánh khoái ở chợ làng Chuồn

Vui miệng tui hỏi mệ  bán bánh: “Răng mệ không bán cả ngày, hay lên Huế mà mở một quán?…”. Mệ noái: “Có mấy nhà hàng ở đây đem cá kình ướp đá, bắt chước tui bán buổi chiều mà có ai ăn mô, chú lại biểu tui đem lên Huế mà bán, có mà bán cho cọp ăn! ”. Té ra ẩm thực phải có không gian riêng và cách ăn riêng của nó thì mới thi vị, mới đi vào thi ca được!

Không biết có ai đó, đọc bài ni rồi có lặn lội tìm về làng Chuồn  thưởng thức để coi thử món bánh xèo-cá kình trên báo có khác thực tế hay không? Nhưng riêng tui thì: Chủ Nhựt tới lại về làng Chuồn ăn bánh xèo-cá kình!

Sỹ Dũng
(Theo Tạp chí Sông Hương)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Cháo gà đêm Bến Ngự

Cháo gà đêm Bến Ngự

Huế vẫn luôn là một điểm ẩm thực hấp dẫn với nhiều món ngon, đặc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose