Văn hóa Huế | Homepage

Đêm trôi cùng Hương Giang

🕔21.Jun 2015

Không biết phải chèo thuyền lên tận thượng nguồn, hay là hạ lưu, hay là neo thuyền vào cái bến bờ nào đó trên dòng sông Hương để tôi nhìn ra “sông dài như kiếm” như người xưa từng khảm khắc thơ mình vào sông nước này! Tôi chẳng còn nhớ nổi mình đã từng bao lần xuôi ngược thuyền trên sông Hương, cái dòng sông mà dường như có một định mệnh sinh ra phù sa màu mỡ là để nuôi dưỡng cho thi ca và âm nhạc tốt tươi hơn là cho cây trái.
Chỉ có điều, hầu như lần nào tôi cũng mòn nhẵn êm ru trên những chiếc thuyền máy, kiểu sức dáng rồng dáng phượng, lấp lánh hoa đèn bềnh bồng, thi thoảng còn có những đêm được no say bao làn điệu ca Huế. Lần này thì anh bạn văn nghệ cùng tham gia cổ ngoạn Huế với tôi đưa ra sáng kiến: “Thuê một con đò nhỏ rồi bọn mình tự chèo lấy ông ạ! Cái cảm giác vừa đẩy nhịp mái chèo vừa hò trên sông Hương ông đã trải qua lần nào chưa? Giữa mùa trăng, chèo thuyền trên sông Hương có khi còn như được lạc vào cả… cổ tích!”. Những “Trường Giang như kiếm lập thanh thiên”, những “Hương Giang nhất phiến nguyệt”. Còn bao nhiêu thiên tài thi sĩ đã từng qua đây, khắc trên dòng nước chảy hằng cửu tiếng thơ vang hưởng giữa lòng Huế như một tuyên ngôn của cái đẹp vẹn toàn?
Mặc dù đã thỏa thuận với người chủ con đò, nhưng đến khi tôi đứng vào phía lái con thuyền, ông vẫn chưa yên lòng: “Này, anh có chắc chèo đò được không?”. “Bác cứ yên tâm, chúng tôi đã từng lái thuyền máy cưỡi sóng biển Cửa Đại rồi vòng về Hội An, so với biển bao la thì con sông cỏn con này chỉ là cái ao trong vườn”. Cho dù có nghe tôi ba hoa ngất trời về cái tài chèo lái thuyền, nhưng để đảm bảo an toàn, phòng những lúc bất trắc, người chủ đò vẫn một mực ngồi cạnh bên tay lái. Từ đằng mũi, bạn tôi vững chãi tay bơi, đã chống cây sào đẩy con thuyền rời khỏi bến. Thú thật là tôi cũng chẳng giỏi giang gì cho lắm chuyện sông nước, nhưng đã nhiều chuyến đi như thế này, sông có biển có, tập tành riết rồi cũng đâm ra dạn dĩ. Thuyền đã ra giữa dòng. Trăng trên sông Hương đúng là danh bất hư truyền, một thứ ánh sáng có khả năng cám dỗ mọi tâm hồn thăng hoa bay bổng. Thi thoảng, vài chiếc thuyền máy chở khách du lịch lướt qua, thả lại mênh mang tiếng đàn tranh và tiếng ca Huế mơ hồ tan vào xa vắng. Nếu như bảo rằng, có một thế giới mà ở đó cả hiện thực và hoang đường tưởng chừng như cứ xoắn vào nhau cám dỗ bước chân con người bước đi hoan lạc qua những mê lộ, thì chèo thuyền rong chơi trên sông Hương dưới ánh trăng vằng vặc như thế này, ta có thể tận hưởng những khoảnh khắc kỳ diệu từ thế giới ấy ban phát.
Thuyền đã qua khỏi cầu Bạch Hổ, và chúng tôi tiếp tục ngược về phía Kim Long. Ở vị trí bơi mũi, người bạn tôi có lẽ đang say sưa cùng nhịp dầm một cách khoan thai và cũng rất điệu nghệ. Anh là một nhà giáo khuôn thước mẫu mực khi đứng trên bục giảng. Vậy mà sông Hương Huế, trăng Huế đã biến cái nhà giáo nghiêm khắc ấy thành một nghệ sĩ tự lúc nào. “Hò…ơ…ơ! Chợ Đông Ba đem ra ngoài Vại/ Cầu Tràng Tiền đúc lại xi moong/ Hỡi người lỡ hội chồng con/ Vô đây gá nghĩa cho tròn… bạn ơi!”. Có lẽ những câu hò ấy giờ đây cũng đã thưa thớt trên những đôi môi mọng đỏ của thời hiện đại. Bỗng dưng tôi cũng muốn hò: “Hò…ơ… Sông Hương sóng dậy khuynh thành/ Nửa đêm một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng”. Dưới ánh trăng huyền hoặc vung vãi đầy sông kia, tưởng chạm vào đâu nơi đấy cũng đều có khả năng trở thành màu nhiệm! Chạm vào sông trôi, mặt nước đầy ngọc khoáng nhấp nhô. Chạm vào cây cỏ, cây cỏ xôn xao những vọng ảnh. Chạm vào thành quách lặng im, một lặng im mà có sức lan tỏa vào con người ngàn ngàn tiếng gọi câm. Đi thuyền trên sông Hương giữa một đêm trăng đẹp mê hồn, hỏi sao cảm xúc không lên tiếng! Sinh thời, không biết anh Thu Bồn đã bao lần “dắt em lên ngôi đền cổ”, để rồi trái tim thi sĩ vạm vỡ và đa tình ấy ngộ ra một điều mà không phải con mắt trần gian nào cũng nhìn ra: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Thì ra, con sông Hương ngày ngày chảy ra cửa biển Thuận An là con sông của địa lý, còn con sông Hương “dùng dằng không chảy” là con sông biết chảy vào tâm hồn con người và lưu lại ở đấy miên viễn một tình yêu với Huế. Cố nhiên là mỗi một tâm hồn sẽ nhận về cho mình một dòng chảy riêng, một ký ức riêng.
Tôi lại chợt nhớ có một đêm đắm đuối cùng Huế cách nay cũng đã những hơn mười năm. Lần ấy, Huế chiêu đãi anh em văn nghệ chúng tôi một bữa tiệc ca Huế nhớ đời. Dòng sông mộng mơ của Huế luôn dự phần những đêm như thế. Và đấy mới là vang hưởng, là “sóng dậy khuynh thành” chuyển tải mọi lời ca tiếng hát kia sâu lắng vào giữa lòng người. Đã bao lần Festival Huế, hội hè Huế mở ra, là bấy nhiêu lần nhan sắc dòng sông bất chấp cái quy luật khắc nghiệt của thời gian, để mỗi ngày đẹp thêm ra, trẻ thêm ra trong con mắt thưởng ngoạn của người muôn phương hội tụ về. Kể từ đó đến nay, ấy vậy mà bao người cũng đã hồn muôn năm cũ, như nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Anh Đào ở Phú Thọ. Rồi còn bao anh chị khác ở các tỉnh phía bắc hay tít tận miền Tây-Nam Bộ thì cứ như… nghìn trùng. Duy chỉ có một điều, những ngọn nến hồng hào cháy đỏ trong từng chiếc hoa đăng trôi bồng bềnh lung linh trên dòng sông đêm ấy đã tràn vào ký ức tôi một thứ ánh sáng đến là huyền nhiệm, không bao giờ chịu tắt! Hễ mỗi khi ánh sáng ấy bất chợt ngời lên là tôi nghe như nỗi nhớ Huế réo gọi quay về. Thường mỗi lần thơ mơ thương nhớ mơ hồ như thế, dù ở bất cứ tận nơi đâu, tôi lại ngâm tràn cái bài thơ ngẫu hứng đã viết cho Huế vào cái lúc hoa đăng thắp lên lời tiễn biệt: Hoa đăng trên tay em, chút ánh sáng cuối cùng/ Ngực tôi phập phồng, gió lùa câu hát/ Về thôi! Sông Hương khuya rồi, phiến nguyệt đã đầu non…

***

Trăng đã hướng chênh chếch về phía núi. Người chủ con đò cũng đã nằm xuống khoang thuyền đánh một giấc ngon lành. Không thuộc nhiều những câu hò Huế, chúng tôi lại đọc thơ, hết của Thu Bồn lại đến Nam Trân. “… Đăm đăm mắt mỏi vì chèo/ Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng/ Biết không, cô hỡi, biết không?/ Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao”. Không hiểu vì thấm tháp thơ hay vì mê con sông đẹp lấp lánh hư ảo một vùng ngoại ô Kim Long mà anh bạn tôi hào hứng bốc trời: “Nếu như có một cuộc thi hoa hậu của tất cả mọi dòng sông trên non nước này thì vương miện dứt khoát phải thuộc về sông Hương”. Nói vui, nhưng không phải không có lý. Bởi dòng sông mà thiên nhiên vĩ đại đã sinh nở ra chảy giữa lòng Huế đã cùng với lăng tẩm đền đài núi đồi cây cỏ vun đắp cho diện mạo Huế chói ngời trên vầng trán cái chứng chỉ di sản văn hóa nhân loại…
Bạn tôi đã gác dầm bơi lên mũi thuyền rồi. Lúc thuyền quay mũi rời Kim Long, cái quãng vắng mơ hồ của một miền quê xa xăm của thời nào đó đã giục anh ngẫu hứng véo von hết lòng bài thơ “Cô gái Kim Luông” của Nam Trân. “Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng/ Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo/ Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết/ Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo…”. Hình như tôi đã nghe đâu đó có người nói rằng: Mỗi chiếc hoa đăng trôi lờ lững trên dòng sông là một linh hồn. Nếu thế, những người muôn năm cũ ơi, tài hoa ơi! Những ai đang về trên cái dòng sông ngập tràn ánh sáng như những hồi quang vĩnh cửu của người xưa ký thác vào sông nước này. Từ những chiếc thuyền du lịch thả xuôi theo dòng, hàng hàng hoa đăng được thả trôi tấp vào nhau từng chùm, từng mảng trước khi thuyền cập bến. Bạn tôi dùng dằng chưa chịu vào bờ, anh bảo: “Cứ trôi cho đến chân trời”. Rồi giống như kẻ lên đồng, anh vỗ tay vào mạn thuyền hào sảng khúc Đường thi: “Nương trăng về đó bao người/ Trăng tà xao xuyến tình cây đôi bờ”. Đấy là bài thơ “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư – một thi sĩ thời Đường bên Trung Quốc. Nguyên văn câu thơ đó là: “Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy / Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ”…
Người lái đò cũng vừa thức dậy, ông giục tôi chèo thuyền vào bến “Cũng khuya rồi anh hỉ”. “Vâng, sông Hương khuya rồi, phiến nguyệt đã đầu non”. Cũng chẳng hiểu khoảnh khắc ấy tôi trả lời ông lái đò hay trò chuyện với dòng sông…

Bút ký Nguyễn Nhã Tiên
(Theo vanvn.net)

Similar Articles

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Hội Hòa Lạc ở Huế

Hội Hòa Lạc ở Huế

Trong xu thế tác động ảnh hưởng của văn minh phương Tây hồi đầu thế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

1. Không phải đến tận năm 1805, ở tuổi 41, được triều đình nhà Nguyễn

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

Vẻ đẹp của nữ sỹ ngày xưa Trong xã hội Nho giáo ngày trước, nếu ở

Về hai văn bia ở Thanh Bình Từ Đường, nơi thờ tổ nghề hát bội triều Nguyễn

Về hai văn bia ở Thanh Bình Từ Đường, nơi thờ tổ nghề hát bội triều Nguyễn

Thanh Bình từ đường, thờ tổ nghề hát bội của triều Nguyễn, tọa lạc ở

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose