Nhan sắc Huế
Huế trải mấy trăm năm là thủ phủ các vương triều Nguyễn nên việc người đẹp cả nước cùng về đây để “hoa ghen, liễu hờn” là điều tất nhiên. Cũng theo đó, biết bao nhiêu câu chuyện tình diễm lệ giữa anh hùng và mỹ nhân khiến người ta xưa nay mỗi lần nghe là mỗi lần dâng lên niềm xúc cảm. Những câu chuyện về miền gái đẹp ở chốn kinh kỳ cố đô Huế qua tháng qua năm bao giờ cũng hay, càng kể càng thấy hay, có điều đặc biệt là nó hay một cách tự nhiên và đẹp cũng tự nhiên như những tà áo trắng bay trên đường Lê Lợi ven sông Hương khiến bao chàng trai ngơ ngẩn vậy…
Có một câu chuyện tình của một vị chúa mà hiện vẫn rất ít người biết đến. Bây giờ về làng quýt Hương Cần, người dân vẫn kể chuyện chúa Nguyễn Phúc Chu đi tìm hoàng hậu. Chúa đã lấy nhiều thiếp mà không có con trai. Một hôm nằm mộng thấy thần linh báo cho biết, chúa đi ngược sông Bồ, sẽ gặp một cô gái mặc áo đỏ, đấy chính là hoàng hậu tương lai và sẽ sinh hoàng nam. Tỉnh dậy, chúa lập tức cho chèo thuyền đi ngay. Thuyền từ sông Hương xuôi Ngã Ba Sình rồi ngược sông Bồ, lên đến bến Thang ở Giáp Kiền, thôn Hương Cần (xã Hương Toàn, Hương Trà nay) thì dừng. Lúc ấy họ Hồ đang làm lễ tế bên sông. Nhiều người nghe “vua về” sợ bỏ chạy, riêng một mình cô Đặng đứng lại trên bến. Chúa lập tức xao xuyến bởi người thiếu nữ tuổi mười sáu mặc áo đỏ mảnh mai bên bờ sông vắng đầy hoa lau, nét mặt tựa trăng rằm, đôi má ửng hồng trong gió đông, liền đưa cô vào cung. Người con gái ấy sau chính là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Hậu Tống Hồ Thị Đặng, sinh ra hai người con trai là chúa Nguyễn Phúc Chú và Luân quốc công (Phúc Tư). Do chuyện ấy mà dân làng Hương Cần còn lưu truyền hai câu hát dí dỏm:” Thuyền rồng mà đến bến Thang/Thấy cô yếm đỏ ôm choàng ngang lưng”…
Các quan triều Nguyễn cũng để lại nhiều câu chuyện hay về người đẹp. Chẳng hạn Vĩnh quốc công Nguyễn Hữu Độ mà hiện vẫn còn ngôi phủ bên sông Hương. Vị quốc công này có đến hai người con gái được các vua yêu chiều. Cô gái đầu được dâng cho vua Đồng Khánh, cô gái út Nguyễn Hữu Thị Nga được vua Thành Thái sắc phong làm Huyền phi, sinh hạ được hai con. Đó là chưa kể vị quốc công này còn có người con gái cũng sắc nước hương trời được gã cho em vua Hàm Nghi. Một nhà mà có ba cô gái lấy quân vương thì thật là xưa nay quá hiếm…
***
Tình sử xứ Huế còn gắn với bao miền gái đẹp khác. Tuy nhiên, cho đến trước 1975, miền gái đẹp tựu trung ở phố thị nhiều hơn. Cái đẹp kín cổng cao tường đầy bí ẩn khói sương của các cô gái con nhà khuê các làm không biết bao chàng trai ngây ngất, không chỉ riêng chi “chàng trai xứ Quảng ra thi”. Cái đẹp mảnh mai duyên dáng của nữ sinh Đồng Khánh cùng với những tâm hồn lãng mạn, khiến cho mỗi lần “đàn bướm trắng” tan trường là bắt đầu những cuộc tình duyên thầm lặng:gót hồng đi trước, những bước chân si tình lẽo đẽo theo sau…Chính nhờ không biết bao nhiêu lần “lẽo đẽo” theo người đẹp mà họa sỹ Trịnh Cung mới có bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” năm 1958 và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài này trong năm đó. Riêng với Trịnh Cung, hình như là tại dại dột dám nói với người đẹp:”Ừ thôi em về…” nên từ đó, ông trở thành một thiên sứ cô đơn…Chính nhờ nữ sinh tên Diễm chầm chậm bước chân tan trường dưới hàng cây long não, Huế mới có một “Diễm xưa” với “Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ/Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua…”. Có một câu chuyện rất ít người biết là mối tình đầu của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước lại là một nữ sinh áo tím Huế. Nữ sinh ấy tên là L.L đã viết thư cho chàng trai họ Lưu tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của nhạc sỹ trẻ, ca ngợi bài hát “Ta cùng đi”, ngỏ ý muốn trao đổi thư từ với nhạc sỹ và ký tên Thu Hương. Cảm nhận tâm hồn một người con gái Huế qua thư, Lưu Hữu Phước đã đi từ Hà Nội vào Huế năm 1943 để mong diện kiến người đẹp. Lần ấy, có hai nữ sinh áo tím tiếp chàng nhưng không hề tiết lộ danh tính Thu Hương khiến người nhạc sỹ chuyên viết hành khúc tương tư viết nên bản tình ca đầu tiên “Hương Giang dạ khúc” theo phong cách dân gian Huế. Mãi về sau này, qua nhạc sỹ Trần Văn Khê, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước mới biết Thu Hương là nữ sinh L.L mà mình đã gặp ở Huế. Từ bức thư đầu tiên của Thu Hương gửi cho Lưu Hữu Phước đến khi L.L bật khóc và thú nhận “Thu Hương ngày ấy là em” với nhạc sỹ Trần Văn Khê, tính ra đã 18 năm đi qua. Còn mãi đến năm 1976, nhạc sỹ Trần Văn Khê gặp nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và nhắc lại chuyện cũ, thì cũng đã 33 năm đi qua…
Giai nhân xứ Huế quả là những mỹ nhân khiến tài hoa phát tiết. Hồi xa xưa, ở khu vực Thượng Tứ, Trần Hưng Đạo có người đẹp Maria Mộng Hòa còn in dấu nhan sắc trong ký ức bao chàng trai Huế. Và biết bao nhiêu người đẹp đã in dấu nhan sắc trong lòng bao thế hệ thanh niên Huế. Một điều đặc biệt thú vị là có một ngõ phố nhỏ trong thành phố Huế từ xưa đến nay lại sản sinh ra rất nhiều mỹ nhân. Trong bút ký “Ơi những con đường”, học giả Bửu Ý viết rất hay về số phận của con đường Giao Thủy, mà dân gian còn gọi là đường Hàng Me, tức là đường Phạm Ngũ Lão ngày nay. Trong nhiều câu chuyện của con đường, có những câu chuyện đặc biệt hay về giai nhân xứ Huế. Nhiều cô gái đẹp đến nỗi Hàng Me ngày nào cũng có hàng đoàn thanh niên tới lui đứng ngóng. Nổi tiếng nhất những năm 1950, 1960 là bốn chị em Trà Mi, Kiều Mi, Nga Mi và Diệm Mi. Trong đó, người đẹp Diệm Mi được Bửu Ý hạ một câu xanh rờn:”Như thể thừa hưởng các nét đẹp thu gom lại của mấy chị: trong bóng, hồng mọng, tưởng chừng như dễ vỡ, tưởng chừng như cặp mắt nam nhi nào nhìn vào cũng đều là phường phàm phu tục tử”… Trong con mắt đa tình của học giả Bửu Ý, danh sách những người đẹp nối dài trên con đường nhỏ: Cao Thị Phố Châu có đôi mắt bồ câu cùng đôi môi hình trái tim thường ẩn hiện dưới chiếc nón bài thơ buộc chiếc dải màu đỏ thắm, quanh năm tuyền một màu áo trắng nữ sinh Đồng Khánh. Hà Thị Như Nguyện với gương mặt sáng láng nhưng vẫn nhu mì và hình thể tuyệt mỹ. Lưu Thị Kim Đính, hoa khôi một thời của trường Đồng Khánh. Ngọc Hà, một thiếu nữ có dáng dấp người mẫu, phục sức tân thời, rất có thể là người đầu tiên mặc hàng nilon ở Huế (1958). Và làm sao quên được một Minh Nguyệt “người đẹp với mái tóc đen dài và đôi mắt mi cong đầy u uẩn”. Cái đẹp ấy quả nhiên là một nỗi ám ảnh tiềm tàng:”Đến ngày nay, lâu lâu tôi gặp lại người đẹp năm xưa này, trong thoáng chốc, ở đâu đó, tôi vẫn nhận ra được ngay, vì gương mặt còn đẹp lắm, nhưng mái tóc thì như của một bà tiên trong chuyện cổ tích. Một tiếng thở dài tưởng chừng vắt vẻo đâu đây…”
***
Tiếng thở dài của học giả Bửu Ý đúng là não nuột, thời gian quả là tàn nhẫn khiến cho nhan sắc tàn phai. Thế nhưng vị học giả này đã kêu lên một tiếng đầy vui sướng: “Nhưng kìa!…Một người đẹp hiện giờ đang ở trong ngôi nhà số 42, một người đã được chọn làm biểu trưng cho nét đẹp Huế của Festival Huế 2006 vừa qua, như là đại diện và truyền nhân của phái đẹp Huế qua các thời kỳ: đó là Hoàng Anh, đẹp nhẹ nhàng và lặng lẽ, đẹp cho đời và cho người”…
Nghĩa là người đẹp xứ Huế đã được “truyền nhân” qua tháng năm cho đến bây giờ. Năm 1991, Đội Công tác Xã hội Thanh niên Huế trong khi tổ chức hội thi Duyên dáng Cố đô để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo, đã phát hiện ra người đẹp Hoàng Thị Tuyết, nữ sinh chuyên Anh trường Quốc Học đoạt vương miện hoa khôi năm ấy, với nét thuỳ mị dễ thương sao mà rất Huế quá chừng! Tiếc là hoa khôi đã theo chồng ra nước ngoài, đường phố Huế từ đó vắng bóng một giai nhân sớm tối đi về. Sau này, Huế cũng chiếm vương miện trong cuộc thi Người đẹp Kinh đô hội tụ người đẹp mọi miền cố đô Việt Nam với đại diện là Hoàng Thị Lê Phương. Trong cuộc thi, người đẹp này đã chọn cách khắc phục nhược điểm hay rụt rè, nhút nhát của con gái Huế bằng cách vẽ một bức tranh phong cảnh Cố đô trong vòng 4 phút và đã chinh phục ban giám khảo bởi tài sắc vẹn toàn. Trước đó, ở Huế cũng đã từng có một câu chuyện cảm động trong cuộc thi người đẹp xứ Huế. Cuộc thi Duyên dáng Cố đô năm nào, một học sinh trường Gia Hội bắt được câu hỏi ứng xử như thế này:” Giả sử nếu một ngày nào đó sông Hương biến mất, em sẽ ra sao?”. Không một chút đắn đo, người con gái ấy trả lời:”Trái tim em sẽ nổ tung!”. Khán giả trong hội trường Nhà văn hoá Thành phố vỗ tay ầm vang. Em dành danh hiệu á khôi năm đó, song quan trọng hơn là câu trả lời của em thì được người ta nhớ mãi.
Và làm sao quên được những người đẹp xứ Huế tham gia diễn xuất vai cung nữ buồn sầu trong chốn biệt cung giữa Đêm Hoàng Cung dịp Festival Huế 2006. Trong số đó, có một nữ sinh viên đã diễn đạt xuất sắc đến nỗi nhiều chàng trai chợt nghe đau nhói trong tim trước đôi mắt người đẹp lệ nhoà vì không được nhà vua đoái hoài đến. Chao ơi, chuyện nhan sắc Huế làm sao kể hết, với bao nhiêu nỗi vui buồn cùng bao tâm sự mênh mang…
Hồ Đăng Thanh Ngọc
(Theo Tạp chí Sông Hương)
Similar Articles
Huế dễ nhớ dễ quên!
Trích “Ẩm thực ven đường Huế”, xuất bản 2024 Những ngày thảnh thơi hiếm hoi này