Văn hóa Huế | Homepage

Bạch Mã mây ngàn

🕔19.Jul 2015
Chúng tôi lên Bạch Mã vào một ngày nắng tắt. Bạch Mã- ngọn núi nằm cách thành phố Huế khoảng 70 km về phía nam với độ cao hơn 1.450 m so với mực nước biển. Trong trí nhớ mơ hồ của tôi- năm 13 tuổi, Bạch Mã chập chùng và xa xôi. Muốn lên tới đỉnh núi, xe ô tô phải chạy theo vòng xoắn ốc, ngọn núi quanh co và đường đi khá hiểm trở, phải những tay lái lụa mới đủ bản lĩnh chinh phục được ngọn núi “ngang ngạnh” này. Ấy vậy mà năm 25 tuổi, Bạch Mã gần hơn nhiều và cũng dễ đi hơn so với trí nhớ của tôi. Có thể đường lên Bạch Mã 12 năm qua đã đổi thay nhiều; hoặc là tôi bây giờ đã khác; cũng có thể là cả hai lí do.
Từ dưới chân núi nhìn lên, những vách núi dựng đứng, mờ ảo trong làn mây. Càng lên cao, nhiệt độ càng thấp dần. Những lượt gió ùa qua khe cửa kính vờn vào da thịt mang theo cả mùi hương của núi rừng, của cỏ cây ướp lên tóc, lên hành trang mang theo. Tôi đưa tay ra hứng lấy gió trời. Khác với tưởng tượng của chúng tôi ban đầu, mây không vờn lấy chúng tôi, dõi mắt ra khung kính, mây đã sà xuống dưới chân núi tự bao giờ. Hay là mây đang bao quanh chúng tôi mà chúng tôi không hay. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy hình hài cụ thể của mây. Lúc lại gần, liệu nó có như những đám mây dày đặc màu trắng đục chúng tôi vẫn hay thấy trên bầu trời? Hay như bây giờ, nó giống như lớp sương bàng bạc, ảo mờ bên ngoài cửa ô tô? Mà cũng có thể, nó đã tan đi khi chúng tôi chưa kịp đưa tay chạm đến…

Xe chúng tôi đi tầm 2 tiếng thì đến con đường mòn dẫn vào thác Đỗ Quyên. Đó là con đường nhỏ, quanh co khá khó đi, gập ghềnh, lắm khi phải vượt dốc, rồi lần đường, bám cây đi xuống. Những loài thực vật ưa ẩm và dây leo mọc kín hai bên đường, những cây cầu nhỏ bắc qua khe nước, nghe đâu đó từ xa vẳng lại tiếng động của rừng… Chúng tôi đang ở rừng, không nhà cửa, xe cộ;  nơi không có cảnh con người phải oằn mình dưới những tòa nhà cao tầng, chưa thu mình lại sau những lớp áo, khẩu trang chống nắng, chống bụi bẩn, chưa  đóng cửa lại vì những tiếng ồn của bao thứ tạp âm. Tôi bật cười với ý nghĩ: “Mình đang ở ngoài vùng phủ sóng!”.

Đi khá lâu chúng tôi mới đến thác Đỗ Quyên. Những mỏm đá nhấp nhô, nước len lỏi qua từng ghềnh đá nối nhau đổ thành dòng trắng xóa xuống thác nước. Ở đâu đó dưới kia tôi không nhìn thấy, có lẽ rất sâu, chỉ biết bao bọc chung quanh nó là những ngọn đồi xanh thăm thẳm. Thác mang tên một loài hoa có thể nói là đặc trưng của Bạch Mã, hoa Đỗ Quyên. Hoa Đỗ Quyên của Bạch Mã có màu đỏ như máu, sắc đỏ nồng nàn đến ngỡ ngàng. Cái màu đỏ không chói chang mà khi người ta nhìn thấy cứ có cảm giác ngỡ ngàng rồi xao xuyến. Nhìn từ xa, thác Đỗ Quyên mùa ra hoa trông như chiếc khăn màu đỏ thắm cài trên mái tóc thật dài của người con gái – sắc đỏ như sưởi ấm cho những người giữ rừng vào cuối đông. Ngắm thác Đỗ Quyên tôi lại nhớ đến câu thơ trong bài “ Xóm Ngự Viên” của thi sĩ giang hồ Nguyễn Bính khi ông đến Huế: “ Có phải ngày xưa vườn Ngự Uyển -Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?- Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng phấn-Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên”. Có phải những cây hoa Đỗ Quyên được mang về trồng trong vườn Ngự Uyển ngày xưa cũng có xuất xứ từ ngọn núi này?

Nơi chúng tôi ở là biệt thự Phong Lan. Biệt thự thấp thoáng những nét kiến trúc cổ kính đậm nét Châu Âu một thời trầm lắng. Nghe đâu ngôi biệt thự này trước là của bà Trần Lệ Xuân, cũng không rõ thực hư như thế nào, nhưng không thể phủ nhận vẻ hoa lệ của ngôi biệt thự này. Lúc chúng tôi đến nơi cũng đã khá muộn, trời đã bắt đầu ngã màu và nhiệt độ cũng giảm mạnh. Cái lạnh ở đây trong trí nhớ mơ hồ của tôi. “Bia chỉ cần để ngoài trời tầm một tiếng đồng hồ thì không khác gì vừa được ướp đá !”- Ba tôi vẫn hay nhắc lại như thế khi nói về Bạch Mã. Chúng tôi ngồi co ro, vừa đói vừa lạnh. Không biết có phải vì rứa mà bữa tối hôm đó ăn món gì cũng ngon và nóng hổi. Nghe toàn vị của núi rừng, thơm đến lạ.

Chúng tôi đốt lửa, ngồi quây quần bên nhau, tiếng hát, tiếng cười xen lẫn, vọng vào núi rừng, vọng lại. Cuộc đời, đôi khi có những niềm vui rất bình dị, thả mình vào thiên nhiên, thử một lần sống như cây cỏ, không đèn, không điện, cũng chẳng có 3G, wifi…chỉ có những tiếng hát, những tấm chân tình ở lại. Trời không trăng sao, chỉ có ánh lửa bập bùng từ những nhánh củi xếp chồng lên nhau, sưởi ấm chúng tôi trong cái lạnh của núi rừng ở Bạch Mã. Đêm Bạch Mã chìm dần trong giấc ngủ và trong mơ tôi thấy mình đang thức dậy cùng tiếng chim trời chào buổi sáng và đưa tay qua cửa sổ để lùa mây vào phòng…

Sớm hôm sau, mây chẳng thấy đâu, cái lạnh cũng nối đuôi nhau bỏ đi từ lúc nào, trời sớm mai ở Bạch Mã trong vắt. Ngẫm lại câu nói của một chú trước khi đi chẳng sai chút nào : “Một ngày của Bạch Mã có đến bốn mùa”. Ngày mới có lẽ bắt đầu bằng mùa xuân như thế này chăng? Rồi chúng tôi kháo nhau đi tìm mây. Thế là lục đục dậy rồi kéo nhau đi tìm mây thật. Nhưng có lẽ vì thức dậy khá muộn, nên chỉ mỗi anh trong đoàn chụp được cùng đám mây, còn chúng tôi, chỉ còn nhìn thấy một vũng mây lớn bên dưới núi, bồng bềnh hư ảo, không còn thấy đường giới hạn chân trời đâu nữa. Có cái gì êm ái lắm, thong dong lắm nơi khoảng trời trước mặt chúng tôi, chỉ lặng nhìn và cố thu vào mắt mình cái chập chùng hư ảo của đất trời, non  nước. Mong manh như thế, biết đâu chút nữa sẽ tan đi?

Lên Bạch Mã không thể bỏ qua  Hải Vọng Đài. Con đường mòn lên Hải Vọng Đài bằng phẳng và dễ đi hơn Đỗ Quyên nhiều, nhiều người nói đây là chặng đường dễ thở nhất trong các chặng đường mòn của Bạch Mã. Khác với hôm trước, chúng tôi lần này có dịp thưởng ngoạn cảnh vật dọc đường đi nhiều hơn. Lá xanh rung trong gió như thêm âm hưởng thi vị đặc trưng của núi rừng, đâu đó thỉnh thoảng tiếng chim hót vang vọng, hay tiếng nước thác chảy gần rồi lại xa…Đứng từ Hải Vọng Đài- đỉnh cao nhất của Bạch Mã, có độ cao 1.450m, có thể thấy xa xa đầm Cầu Hai, những chấm xanh  của xóm làng, những dòng sông uốn lượn quanh co, những con đường  ngoằn ngoèo lên đỉnh điệp trùng bất tận với những mảnh xanh của rừng, đồi. Non nước biển trời như bao lấy Vọng Hải Đài từ bốn phía. Ở đây, bình minh không bừng dậy như ở biển mà nó giống như một tấm voan mỏng trùm từ trên cao xuống và lan toả dần trong sương sớm ban mai. Ngồi trên Hải Vọng Đài vừa cảm nhận được cái mát lạnh của gió núi, mây ngàn, vừa như tận hưởng được vị mặn nồng, ấm áp của đại dương xa xôi theo làn gió thổi. Tôi cảm giác như đã thu hết cái bao la của đất trời vào trong tầm mắt và chợt mỉm cười. Có quá nhiều thứ chúng ta cứ nghĩ là to lớn đó, vậy mà, ở một góc độ khác, như ngồi trên đây nhìn xuống, mọi thứ chỉ còn là một cái gì đó rất nhỏ bé, mong manh. Chỉ cần thay đổi góc nhìn…

Hoài Cẩm
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose