Văn hóa Huế | Homepage

Nỗi niềm ‘đệ nhứt chầu văn’ xứ Huế

🕔02.Jul 2015

Cơn mưa đầu hè bất chợt gõ nhịp xuống mái tôn xỉn màu khiến căn nhà đã thấp càng thêm tối. Tiếng mưa như ai oán muộn phiền bắt nhịp với lời chối từ như giận lẫy, như than oán không hề vô cớ, cực chẳng đã khi phải tiếp một vị khách bất đắc dĩ.

Nghệ sĩ Ái Hoa: “Ảnh ngày xưa lụt trôi hết rồi…”

– Ai giới thiệu cậu đến đây? Hỏi làm chi nữa, có chi mà hỏi…

Gương mặt bà như trơ ra.

– Mọi người nói nghệ sĩ Ái Hoa là đệ nhất chầu văn xứ Huế nên cháu mới tìm đến đây…

– Ừ…

Tôi không nghĩ rằng bà mở lòng khi được khen. Người làm nghệ thuật khi đến đỉnh cao, mọi khen chê lắm khi như lá rụng mưa sa ngoài kia, thấm tháp gì, lại nếu vận vào những người vì dính nghiệp cầm kỳ thi họa mà phúc phận buồn tủi thì lời khen khác chi vết cứa khoét vào tâm can.

– Ai giới thiệu cậu?

– Bạn cháu ở đây hỏi thăm nhà thơ Võ Quê và được chỉ đến cô…

– Ừ.

Những câu trả lời như nhịp phách buông bỏ giữa chừng vì đêm đã hết, ngày đã tàn…

Hãy vào xóm Chuồng Bò ở phường Thuận Thành, đường Tạ Quang Bửu mà hỏi bà Ái Hoa chầu văn. Tôi mang theo lời dặn, không hiểu sao địa danh đó như nhấn nhá một giai điệu buồn. Khu đó ngày xưa là nơi nuôi bò, ngựa của triều Nguyễn. “Đúng là khu Chuồng Bò đây”, bà nói, mắt nhìn ra mưa.

– Cô ở với ai?

– Một mình.

– Con của cô đâu ạ?

– Đứa có chồng, đứa vừa cưới vợ cũng ra riêng.

Trên tường là cây đờn nguyệt.

– Cô còn chơi đờn không?

– Không.

– Uổng hè…

– Chi mà uổng! Nhưng thích thì chơi.

– Cháu đã được xem ảnh cô ngày xưa, đẹp lắm… – Bà thừ ra.

Ngày xưa, ngày đó, những năm của thập niên 80-90 thế kỷ trước. Những ngày xanh rộn rã sênh phách của điệu chầu văn Cảnh đẹp cố đô làm nghiêng ngả bao người.

– Cô sống bằng chi?

– Về hưu 5 năm rồi, lương được 3,8 triệu.

– Có được phong danh hiệu chi không?

– 17 huy chương vàng, giấy khen một đống, kêu làm hồ sơ phong Nghệ sĩ ưu tú gửi ra Hà Nội, không biết răng không được xét. Có người nói tôi: chị hát chầu văn nhất xứ ni, nên chị kiện đi. Kiện làm chi. Ở mô tới Huế mà ưng nghe chầu văn thì tìm mua đĩa của Ái Hoa là được rồi. Lạy ngài, cho con sức khỏe là mừng…

Năm 13 tuổi, Ái Hoa đã ôm bộ gõ phách, kẹp hai chén theo cha đi hát, đi hầu các am, các điện.

– Không có chi khổ bằng chầu văn. Tôi nhớ có lần hầu hát từ 12g trưa hôm nay đến 8g30 sáng hôm sau. Xong một giá hầu, tôi xỉu luôn.

– Dạ, ai dạy cô hát?

– Ông nớ là bạn của ba tôi, ổng chết rồi, tôi học ròng rã nhiều năm, một tay đánh trống một tay đánh phách và hát.

– Còn đờn nguyệt thì răng?

– Tôi tự học, ngó ông thầy đờn bắt chước theo. Cả Huế ni chỉ tôi vừa hát vừa đờn cùng lúc, hiếm ai làm được.

Đáp lại cái nhìn nghi ngại của tôi, bà lắc đầu.

– Không lẽ tôi đi nói láo cậu. Biết nhiều khổ nhiều, được chi. Hồi đó làm ở Phòng Văn hóa thông tin TP.Huế, tối là xuống đò hát. Ái Hoa, Thanh Tâm, Thúy Vân, Võ Quê, Thái Hùng. Tất cả tập trung trên một chiếc đò của anh Đới, tụi tôi gọi đò anh Đới là “đời anh đó”, lênh đênh hàng đêm trên sông Hương. Nghiệp cầm ca nghĩ mà buồn, nhưng hát say mê. Năm 1975 tôi đã ra Hà Nội biểu diễn. Cả nhóm đi Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, tới đâu thiên hạ vỗ tay tới đó. Ban ngày làm hành chính, đêm phải đi hát, 30 ngàn/đêm để có thêm tiền mà nuôi con.

– Sự khác nhau giữa chầu văn và ca Huế là chi, thưa cô?

– Khác nhiều. Ví dụ ca Huế hát điệu nam ai, là cứ một điệu là xong, còn chầu văn thì khó kinh, vì đủ loại: cô, nương, hoàng, thượng, ông, bà, chúa… nhiều giá lắm biết mô mà kể. Vì thế nên đủ thứ điệu. Đang hát “phú”, bỗng cô hầu hất miếng khăn trên đầu, thế là phải chuyển qua “sấp” liền, cô về thì cần hoa, quan đến thì phải có kiếm chứ không phải hát chay cho xong đâu. Chầu văn là phải hát và nhảy, đuối sức chứ không phải chơi…

Ở Huế, điện Hòn Chén linh thiêng, cứ tháng Bảy là rộn rã điệu chầu văn-hầu đồng, nó trở thành một địa điểm tâm linh.

– Trên nớ nhiều giá chầu lắm.

– Họ hát ra sao?

– Thì cũng được đào tạo mà, hát đúng chứ không sai, nhưng chỉ có hay và dở thôi.

– Còn chầu văn trên sông Hương chừ thì răng?

– Thôi thôi, họ tự hào lắm, hay nói hát rứa là hay nhứt rồi, cần chi khổ công rèn luyện…

Có cái gì đó chen giữa tiếc nuối, gièm pha và giận dỗi, buồn bã. Rất ít khi bà nhìn thẳng vào khách. Mưa như nhịp sênh phách đã mỏi, rả rích như than. “Khi mô cậu ra đây, vui thì tôi hạ đờn xuống hát cho nghe”. “Hồi xưa vui lắm hè… Ừ, nhớ hồi 1986 tôi đi hát cho nhà máy thuốc lá Huế tại Sài Gòn, đang đờn thì đàn nguyệt rụng một phím, tôi chuyển cung ngay, hát điệu khác. Sau đó ông nhạc sĩ Phạm Tuyên là giám khảo nói: “Thấy phím rụng tôi hoảng mà cô Hoa lại tỉnh bơ, giỏi thiệt”.

Cậu hỏi ảnh chụp hồi xưa hả? Nhiều lắm, nhưng lụt năm 1999 ngập nửa nhà trôi hết rồi. Hồi đó họ nói Ái Hoa gương mặt tròn như đàn nguyệt. Mà này, chụp ảnh chụp hình làm chi nữa, đừng nghe…”. Bà xua tay lia lịa. “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng – Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Thơ cổ chua xót đột ngột về trong tôi. Những giai điệu buồn sao cứ ám miết vào những bậc tài danh, nhất là đàn bà.

Sự cam chịu, hết mình, xả thân, tận hiến cho nghệ thuật của họ, gom hết lại, có lẽ đó tình yêu thương cuộc đời, rút cạn ở họ nhan sắc và sức lực, thay vào đó những điệu tàn phai vang lên thê thiết khi góc riêng tư một ngày nào đó mở ra nếu tình cờ ai chạm đến, hình như cũng chẳng phải kể lể oán than gì, mà như một lần nữa bày ra trước trời đất và thiên hạ, rằng “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Như bà chẳng hạn, một mình nuôi hai con.

“Kỷ niệm nào nhớ nhứt à? Buồn lắm, da diết, đời nghệ sĩ nghĩ lại có chi vui, đành ráng chịu, gần 50 năm theo nghiệp ca xướng rồi, biết nói chi nữa mà hỏi. Ngay lúc sinh con trong đói nghèo, trốn về quê ở Phong Điền để sinh, như là ở ẩn, rứa mà xã cũng năn nỉ lên hát để đạt huy chương vàng…”.

Làm sao ai biết được trong đôi mắt già nua đó, điều gì, ở đâu, khi nào, đang cựa quậy… Rồi bỗng dưng hình như bà cố níu: “Lên chầu văn là phải say sưa nghe, hết mình mới lên đồng được, như thoát khỏi thân xác mình”.

– Có lên đồng không?

– Có chứ. Nếu mệt quá thì xin lạy ngài tha cho, không thì chao đảo ngả nghiêng nhập đồng liền.

– Có ai vì theo hầu đồng mà khổ thân không?

– Nhiều lắm, nhất là mấy bà mấy chị, thương lắm, theo nghiệp này đường chồng con chẳng ra chi. Như cô Thuận ở chợ Đông Ba, làm chi thì làm, cuối tuần bỏ chợ đi hầu, không thì người như điên điên khùng khùng liền. Mà thôi, không hỏi nữa nghe, khi mô có dịp cậu ghé chơi…

Tôi ra về, không phải vẳng điệu chầu văn, mà ánh mắt như màu tím bắt đầu phai của bà không chịu tan đi trong mưa.

Trung Việt
(Theo Phụ nữ TP HCM)

Similar Articles

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Tình chợ

Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Đến Huế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các o, các mệ với

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bên ngoài thất Lắng Nghe, tiếng thông reo vi vút, tiếng chim hót và thi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose